Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chuyến thăm mang nhiều thông điệp

Thứ Ba, 21/02/2023 17:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Ngày 20/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lần đầu tiên đến Kiev kể từ sau thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine gần một năm trước. Chuyến đi được đánh giá là mang đậm dấu ấn cá nhân, nhằm thể hiện cam kết của người đứng đầu Nhà Trắng đối với Ukraine khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bước vào một giai đoạn mới đầy bất trắc.

Chuyến thăm mang nhiều thông điệp…

Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp người đồng cấp Volodymyr Zelensky khi có chuyến thăm bất ngờ đến Kiev, ngày 20/2/2023. (Ảnh: Dimitar Dilkoff/AFP/Getty Images)

Những thông tin về chuyến thăm của ông J.Biden được giữ kín cho đến phút chót khi Tổng thống Biden đã thực hiện hành trình vượt Đại Tây Dương, sau đó di chuyển gần 10 tiếng đồng hồ bằng tàu hỏa từ Ba Lan đến thủ đô Kiev. Người dân Ukraine chỉ biết tới sự hiện diện của ông J.Biden trên lãnh thổ của họ khi những hình ảnh của ông J.Biden đi bên cạnh Tổng thống Volodymyr Zelensky quanh Nhà thờ St. Michael được hé lộ. Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm quan trọng trong cuộc xung đột kéo dài 1 năm giữa Nga và Ukraine chuẩn bị bước vào giai đoạn bước ngoặt, khi Nga chuẩn bị cho một cuộc tấn công dự kiến vào mùa Xuân còn Ukraine thì hy vọng sẽ sớm giành lại những vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng.

Trong khuôn khổ chuyến thăm không báo trước, người đứng đầu Nhà Trắng đã công bố gói hỗ trợ mới trị giá nửa tỷ USD gồm nhiều thiết bị quân sự cho Ukraine. Một nội dung quan trọng khác được ông J.Biden đưa ra nhân dịp này là việc Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới lên Moscow vào cuối tuần này.

Chính vì thế, chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Mỹ tới Ukraine được cho là nhằm thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ cho Ukraine. Điều này cũng được người đứng đầu Nhà Trắng thể hiện bằng một thông điệp rõ ràng: “Tôi ở đây để thể hiện sự ủng hộ không ngừng nghỉ với độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước này" và Mỹ sẽ sát cánh với Ukraine "lâu nhất có thể".

Đây không phải lần đầu tiên các tổng thống Mỹ đến vùng chiến sự khi cựu Tổng thống Barack Obama từng tới Afghanistan năm 2013 còn cựu Tổng thống George W. Bush từng thăm quân đội Mỹ ở Iraq năm 2003. Tuy nhiên, chuyến thăm của ông J.Biden lại là một sự kiện đặc biệt bởi đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại một Tổng thống Mỹ đến vùng chiến sự mà không có sự hiện diện của quân đội Mỹ.

Các nhà phân tích nhận định, chuyến thăm của ông J.Biden có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhuệ khí của quân đội Ukraine khi mà cuộc xung đột với Nga đang bước vào giai đoạn mới. Tuy nhiên, chuyến thăm này cũng hướng tới dư luận Mỹ bởi việc duy trì sự ủng hộ trong nước cho Kiev đóng vai trò quan trọng, nhất là vào thời điểm áp lực chiến tranh kéo dài đã khiến người Mỹ bắt đầu chia rẽ về việc Washington nên tiếp tục hỗ trợ Kiev trong bao lâu.

Tại cuộc họp báo ngày 20/2, Tổng thống Zelensky đã đã ca ngợi chuyến thăm của Tổng thống J.Biden đóng vai trò “quan trọng nhất trong toàn bộ lịch sử mối quan hệ Ukraine và Mỹ". Ukraine hiện đang kêu gọi phương Tây tăng tốc hỗ trợ vũ khí trước dự báo về khả năng Nga tăng cường tấn công để chuẩn bị cho một chiến dịch lớn hơn vào mùa Xuân năm nay. Nhằm giúp Ukraine trụ vững trong cuộc chiến không cân sức với Moscow trong gần một năm qua, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã đổ vũ khí, xe tăng và đạn dược tới Ukraine với hy vọng thay đổi cục diện xung đột.

Khi cuộc xung đột Nga - Ukraine chưa biết khi nào sẽ kết thúc, thì rõ ràng, cột mốc tròn 1 năm là thời điểm quan trọng để ông J.Biden củng cố và thể hiện rõ tinh thần đoàn kết với Ukraine. Nhà Trắng hy vọng chuyến thăm của Tổng thống J.Biden đến Kiev và sau đó là Warsaw sẽ củng cố quyết tâm của Mỹ và các đồng minh trong vấn đề Ukraine.

… khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bước vào giai đoạn ngã rẽ

Tổng thống J.Biden đã nóng lòng đến thăm Ukraine trong nhiều tháng, đặc biệt là sau khi một số người đồng cấp của ông ở châu Âu đã trải qua những chuyến tàu dài để gặp ông Zelensky ở Kiev. Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng như cựu Thủ tướng Anh  Boris  Johnson, đều đã đến thăm Ukraine để thể hiện sự ủng hộ của họ.

Một số phụ tá hàng đầu của ông J.Biden, bao gồm Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cũng đã đến thăm thủ đô Ukraine để đưa ra những cam kết viện trợ mới. Trong khi một số quan chức cấp cao khác trong chính quyền Mỹ, bao gồm Giám đốc CIA Bill Burns và các quan chức hàng đầu của Nhà Trắng cũng đã đến thăm Kiev vào tháng trước.

Ngay cả Đệ nhất phu nhân Jill Biden cũng đã bất ngờ tới thăm một thành phố nhỏ ở vùng xa xôi phía Tây Nam của Ukraine vào Ngày của Mẹ hồi năm ngoái. Nhân dịp này, bà Jill Biden gặp Đệ nhất phu nhân Ukraine, Olena Zelenska khi tới thăm một trường học cũ ở Uzhhorod vốn được chuyển đổi thành nơi ở tạm thời cho những người Ukraine di tản, trong đó có 48 trẻ em.

Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Dinh Tổng thống Ukraine, ngày 20/2/2023. (Ảnh: CNN) 

Chuyến thăm của ông J.Biden dù được đánh giá là mang theo nhiều thông điệp, song vẫn chưa giải đáp được những câu hỏi quan trọng cũng như những điểm không chắc chắn trong hướng tiếp cận của Mỹ và sự khác biệt với Ukraine. Trong khi Mỹ cam kết "sát cánh cùng Ukraine lâu nhất có thể" và khẳng định mục tiêu của Washington là Ukraine chiến thắng hoặc Nga bị đánh bại thì chính quyền ông J.Biden vẫn chưa có hành động thậm chí là kế hoạch cụ thể để thực hiện điều đó.

Trong một diễn biến liên quan, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho rằng, trong các cuộc thảo luận với ông Zelensky vừa diễn ra ở Kiev, ông J.Biden đã tập trung thảo luận về giai đoạn sắp tới của cuộc xung đột, để từ đó đạt được sự hiểu biết chung về mục tiêu phía trước sẽ là gì. Trong khi đó, giới chức Nhà Trắng lại không đi sâu vào công tác hậu cần cho chuyến đi của ông J.Biden mà chỉ nói rằng sẽ có thêm thông tin chi tiết được đưa ra sau khi “được các nhân viên an ninh bật đèn xanh”.

Một điểm đáng chú ý khác là chuyến thăm Ukraine của ông J.Biden diễn ra vào thời điểm mang tinh biểu tượng, đó là chỉ trước 1 ngày khi Tổng thống Nga V.Putin dự kiến có bài phát biểu nhân dịp tròn 1 năm phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Dường như ông J.Biden đang muốn thông qua chuyến thăm đặc biệt này để hy vọng chứng minh cho thế giới thấy cam kết của mình đối với Ukraine, ngay cả khi vẫn chưa rõ sự kiên trì của Mỹ và phương Tây trong vấn đề này có thể kéo dài bao lâu nữa.

Chuyến thăm Kiev của ông J.Biden được giữ bí mật tới phút chót khi chiếc Không lực Một rời Căn cứ chung Andrews lúc 4:15 ngày 19/2 và các phóng viên trên máy bay không được phép mang theo thiết bị tác nghiệp. Lịch trình công khai của J.Biden không được công bố, trong khi các quan chức Nhà Trắng đã nhiều lần thông báo vào tuần trước rằng chuyến thăm Ukraine không nằm trong kế hoạch của ông J.Biden. Quyết định sang thăm Ukraine được ông J.Biden đưa ra vào ngày 17/2 sau khi thảo luận với các thành viên hàng đầu trong đội an ninh quốc gia tại Phòng Bầu dục. Theo Sullivan, vài giờ trước khi ông J.Biden khởi hành, Mỹ đã thông báo với Nga về kế hoạch thăm Kiev của người đứng đầu Nhà Trắng vì “mục đích giảm xung đột”.

Chuyến thăm Ukaine của ông J.Biden diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang quan ngại về khả năng Trung Quốc sẽ hỗ trợ vũ khí cho quân đội Nga. Cuối tuần trước, các quan chức Mỹ đã phát biểu trên hãng tin CNN về một xu hướng “đáng lo ngại” và có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn “đi đến giới hạn” bằng việc viện trợ vũ khí quân sự sát thương cho Moscow. Tuy không mô tả chi tiết những thông tin tình báo mà Mỹ thu thập được nhằm chứng minh cho những sự thay đổi trong lập trường của Trung Quốc,  song mối quan ngại của giới chức Mỹ đã trở nên rõ ràng đến nỗi họ đã chia sẻ vấn đề này với các đồng minh và đối tác tại Hội nghị An ninh Munich diễn ra trong vài ngày qua. Những quan ngại này cũng đã được Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken giãi bày trong cuộc gặp gỡ ngày 18/2 với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị - người trong tuần này sẽ lần đầu tới thăm Moscow kể từ khi bùng phát xung đột Nga-Ukraine.

Hiện cuộc xung đột Nga-Ukraine đã kéo dài gần một năm trong khi giao tranh tiếp tục diễn ra ác liệt ở chiến trường miền Đông. Ngay từ những ngày đầu năm 2023, các đồng minh phương Tây đồng loạt tăng tốc viện trợ vũ khí cho Ukraine với kỳ vọng Kiev tạo được bước ngoặt trên chiến trường để sớm kết thúc chiến tranh. Tuy nhiên, thực tế và kỳ vọng luôn khác biệt. Vào thời điểm ông J.Biden thực hiện chuyến đi chớp nhoáng đến châu Âu để thể hiện cam kết với Ukraine thì Nhà Trắng cũng nhấn mạnh rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ không thể kết thúc trong tương lai gần còn tình hình trên thực địa thì lại ngày càng trở nên phức tạp. Sau gần 1 năm, cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn là cú sốc dai dẳng đối với thế giới./.

T.Lan

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN