Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chuyện quản lý: Hợp thức hóa sự đã rồi

Thứ Hai, 07/03/2016 11:33 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

Vi phạm trật tự xây dựng đang diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố Hà Nội. Song, hành vi cũng như cách thức vi phạm có khác nhau.

Dự án chung cư Discovery Complex (số 302 Cầu Giấy, Hà Nội). (Ảnh: baogiaothong.vn)

Dự án Discovery Complex (Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà chung cư cao tầng) tại 302 Cầu Giấy do Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại dịch vụ Cầu Giấy làm chủ đầu tư là một trường hợp điển hình trong việc hợp thức hóa các thủ tục sau khi sai phạm, đã bị các cơ quan chức năng xử phạt. Mặc dù, mới đây Hà Nội đã rất tích cực trong việc ngăn cấm, xử phạt và cưỡng chế các công trình vi phạm. Tuy nhiên, vấn đề này còn liên quan tới các bộ, ngành, nên việc thực hiện xử lý trên địa bàn không đơn thuần chỉ riêng chính quyền Thủ đô giải quyết. 

Theo Giấy phép xây dựng 65, do Sở Xây dựng Hà Nội cấp ngày 14/5/2009, dự án Discovery Complex có tổng diện tích mặt bằng trên 10.000 m2 gồm hai khối nhà với 5 tầng hầm, 6 tầng đế và tầng cây xanh. Mặc dù vậy, chủ đầu tư đã bất chấp quy định xây vượt thêm 3 tầng đế so với giấy phép. 

Trước vụ việc này, Đội Thanh tra xây dựng quận Cầu Giấy đề nghị kiểm tra, yêu cầu Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại dịch vụ Cầu Giấy cung cấp hồ sơ theo quy định. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã tìm cách thoái thác, không cung cấp hồ sơ. Sau khi dùng biện pháp xin UBND thành phố cho sao lưu hồ sơ, Đội Thanh tra xây dựng quận Cầu Giấy đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và đề nghị UBND quận này ra quyết định xử phạt hai lần, với hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát người thi hành công vụ; thi công sai giấy phép xây dựng đối với chủ đầu tư Dự án Discovery Complex 302 Cầu Giấy. Đáng chú ý quyết định xử phạt trên có nêu: đình chỉ thi công 60 ngày, hoàn thiện hồ sơ quy định và yêu cầu nộp phạt 80 triệu đồng. 

Chấp hành nộp phạt, nhưng chủ đầu tư vẫn không nộp hồ sơ xây dựng dự án cho Đội Thanh tra xây dựng quận để quản lý giám sát theo thẩm quyền. Mặt khác, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại dịch vụ Cầu Giấy vẫn cho tổ chức thi công công trình như không có chuyện gì xảy ra. 

Chỉ đến khi sắp hết hạn đình chỉ thi công theo quy định, khi đó, các phòng chức năng, Đội Thanh tra xây dựng quận, phường Dịch Vọng đã chuẩn bị các phương án mạnh như: trục xuất thợ xây, cắt điện, nước khu vực thi công… Theo thẩm quyền thì chủ đầu tư dự án 302 Cầu Giấy lại đưa ra một văn bản “bảo bối” do Bộ Xây dựng phát hành ngày 3/2/2016 (tức là sau 7 năm dự án được triển khai). Như vậy, văn bản bảo bối này "có sau" tất cả các quy trình xử lý của thành phố Hà Nội. Đặt giả thiết, văn bản này có trước, thì việc xử phạt lại trở thành sai quy trình. 

Nội dung văn bản nêu: Theo quy định tại khoản 2 điều 77, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng thì “Công trình khởi công xây dựng trước ngày 1/1/2015, theo quy định thuộc đối tượng không yêu cầu cấp giấy phép xây dựng thì được tiếp tục xây dựng”. Do đó, công trình thuộc dự án được tiếp tục thi công xây dựng và không cần thiết phải thực hiện điều chỉnh giấy phép xây dựng theo quy định. Trong quá trình tiếp tục thi công xây dựng, đề nghị công ty nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp công ty có nhu cầu điều chỉnh giấy phép xây dựng thì làm việc với Sở Xây dựng Hà Nội để được điều chỉnh, văn bản của Bộ Xây dựng nêu. 

Với nội dung văn bản này, có nghĩa dự án 302 Cầu Giấy đã thực hiện thi công đúng quy định, không hề sai phạm. 

Khi hỏi về sự việc, ông Vũ Trung Kiên, Phó phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy cũng không bình luận gì và cho biết "Chúng tôi chỉ biết thực hiện theo văn bản của cấp trên". 

Về phía Đội Thanh tra xây dựng quận Cầu Giấy cho biết, đây là một sự “trở cờ” ngoạn mục, khiến cho tất cả các lực lượng chức năng “đứng hình”. 

Trước sự thể trên, dư luận có quyền đặt câu hỏi, chả lẽ không vi phạm, không cần điều chỉnh giấy phép xây dựng mà chủ đầu tư “sợ” các cơ quan chức năng quận Cầu Giấy đến mức không cho kiểm tra hồ sơ và chấp nhận xử phạt 80 triệu đồng ? Và nữa, sao chủ đầu tư dự án không đưa ngay “bảo bối” của Bộ Xây dựng ra để được “yên thân”. Hay, các cơ quan như: Phòng Quản lý đô thị, Đội Thanh tra xây dựng quận Cầu Giấy, quan liêu đến mức không biết, không nắm được văn bản ngày 18/6 của Bộ Xây dựng, dẫn đến phạt bừa, phạt ẩu doanh nghiệp. 

Có lẽ, không phải ngẫu nhiên dự án 302 Cầu Giấy có thời gian thi công tới 7 năm. Một sự chậm trễ khác thường có chủ đích? Việc kéo dài xây dựng, chậm đi vào hoạt động ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của quận Cầu Giấy, tuy nhiên nó lại có lợi cho chủ đầu tư, không phải xin phép khi xây vượt tầng theo giấy phép ban đầu. Và khi văn bản của Bộ Xây dựng ban hành, mọi sự sai trái, băn khoăn của chủ đầu tư coi như chấm dứt. Hẳn là hợp thức hóa sự đã rồi? 

Qua vụ việc tại dự án 302 Cầu Giấy cho thấy, các cơ quan chức năng chưa thật sự kiểm tra chặt chẽ các quy định của pháp luật, khi thẩm định cấp phép xây dựng dự án; việc thanh tra, hậu kiểm có thật sự nghiêm túc. Đặc biệt, liệu có sự “hà hơi tiếp sức” của một số cán bộ liên quan, bắt tay với doanh nghiệp để thu lợi, từ việc xây dựng vượt tầng, sai phép, thay đổi công năng... Những nội dung trên đang cần được làm rõ./. 

Mạnh Khánh - Văn Cảnh/TTXVN

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN