Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chuyện những thầy cô giáo gian nan "gieo chữ vùng cao"

Chủ Nhật, 20/11/2022 18:04 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam nhắc nhở chúng ta lòng biết ơn và tri ân những thầy cô giáo nói chung, đặc biệt là những thầy cô tình nguyện “cõng chữ lên non” đến với các đồng bào, em trẻ miền núi, vùng sâu, vùng xa đã cống hiến và gắn bó cả quãng đời thanh xuân của mình vì một tương lai tươi sáng hơn...

 Cô Trịnh Thị Luận và trò học sinh lớp 1A chụp ảnh lưu niệm ngày 20/11.

* Cô giáo yêu con trẻ mang tấm lòng người mẹ

26 năm về trước, cô giáo Trịnh Thị Luận về công tác tại Trường Tiểu học Cẩm Lương (nay là Trường TH&THCS Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa). 26 năm đồng nghĩa với 26 cái tết của nhà giáo, mà mỗi lần nhớ lại cô vẫn không khỏi bồi hồi.

Cô Luận tâm sự: “Tôi không thể quên những hình ảnh của ngày 20/11 đầu tiên trong nghề. Hồi đấy, điều kiện về kinh tế, đường giao thông còn rất khó khăn. Trường cách nhà 16km và đi dạy bằng xe đạp. Tôi dạy ở khu lẻ, cách khu chính 3km đường đồi, chỉ đi bộ không thể đi xe đạp. Ngày 20/11, rất xúc động, khi trò chúc mừng cô bằng nải chuối, cây mía và bó hoa hái trong rừng. Cô trò vui vẻ cùng ăn và hát. Tôi rất trân trọng. Ở vùng khó, với giáo viên chúng tôi, đó là nguồn động viên rất lớn”.

Trường TH&THCS Cẩm Lương, trước đây thuộc vùng 135. Đây là một trong những ngôi trường còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất ở huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Bàn ghế học sinh xuống cấp, trang thiết bị dạy và học còn thiếu. Lại thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, nhất là trong các năm từ 2017 - 2019, lũ về, nước ngập lên đến tầng 2. Hiện, nhà trường còn thiếu 10 giáo viên. Tuy nhiên, trong khó khăn, cán bộ, giáo viên vẫn luôn cố gắng, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn ngày càng được nâng lên. Trong nhiều năm, nhà trường luôn có học sinh giỏi cấp huyện và tỉnh.

Niềm vui của người “cõng” chữ lên núi

Cách điểm Trường Tiểu học Ngô Quyền khoảng 20 km đường đèo núi quanh co là điểm Trường Tiểu học Vĩnh Hy ở thôn Cầu Gãy thuộc xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Tại đây, gần 30 học viên là người Raglai đang theo học lớp xoá mù chữ.  

Từ đầu tháng 11 đến nay, cứ vào chiều tối các ngày thứ 2, 4, 6, hai điểm Trường Tiểu học Ngô Quyền ở thôn Đá Hang và Trường Tiểu học Vĩnh Hy đều sáng đèn để phục vụ cho các lớp xoá mù chữ. Đây là các lớp học theo chương trình phổ cập giáo dục tiểu học dành cho đồng bào Raglai sinh sống khu vực triền núi trong vùng đệm của Vườn Quốc gia Núi Chúa. 8 lớp học được chia đôi cho 2 điểm trường với số lượng học viên trên 70 người.

Lớp học ở thôn Đá Hang 

Gần 15 năm dạy học ở điểm Trường Tiểu học Ngô Quyền ở thôn Đá Hang, cô Châu Thị Hoàng Dung đã quen với sự vất vả khi sống ở núi rừng. Những ngày đầu, cô sợ đủ thứ, nhất là khi đêm về, xung quanh toàn một màu đen đặc. Thêm tiếng hú của thú hoang từ bốn bề vọng lại. Sợ, nhưng cô không bỏ trường, bỏ lớp.

“Mặc dù cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, sau một ngày làm việc vất vả nhưng khi đến lớp thì họ vẫn với tinh thần lạc quan yêu đời và sẵn sàng tiếp thu cái chữ một cách trọn vẹn. Và từ sự sẵn sàng nhiệt huyết đó làm cho cô giáo càng thêm năng nổ và nhiệt huyết hơn nữa, nên mình rất là vui khi tham gia lớp học này. Cũng mong rằng khi lớp học này khép lại thì bà con có được cái chữ và tự tin hơn trong cuộc sống”, cô Châu Thị Hoàng Dung chia sẻ.

Những giáo viên cắm bản nơi biên cương Sơn La

Vùng biên giới Sốp Cộp, tỉnh Sơn La có địa bàn rộng, dân cư phân bố rải rác. Các trường học thường phải đóng ở các bản vùng cao, vùng sâu. Dù gặp nhiều khó khăn, vất vả nhưng những giáo viên công tác ở đây vẫn nỗ lực bám bản, bám trường.

Tại bản Pu Hao, xã Mường Lạn dù ban ngày bận rộn lên nương, nhưng đúng 19 giờ 30 phút, những học sinh "đặc biệt" lại í ới gọi nhau đến lớp. Nói là đặc biệt bởi thầy giáo mang quân hàm xanh, còn học sinh trẻ nhất chừng 10 -11 tuổi, người lớn tuổi nhất trên 50 tuổi. Có gia đình cả vợ chồng, con cái đều theo học. Các học sinh nơi đây quanh năm chỉ quen cầm dao, cầm cuốc, bàn tay chai sần, thô ráp, nay cầm bút thấy gượng gạo, cố gắng uốn nắn theo từng nét chữ.

Người thầy đặc biệt, Trung úy Vì Văn Liêm, cán bộ Đồn biên phòng Mường Lạn đang giảng dạy  

Trung úy Vì Văn Liêm, cán bộ Đồn biên phòng Mường Lạn cho biết, khó khăn bước đầu để tổ chức lớp học là công tác tuyên truyền, vận động người mù chữ đến lớp. Bởi vì nhận thức của bà con ở đây còn hạn chế, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Trong quá trình giảng dạy, do độ tuổi học sinh chênh lệch, anh phải hướng dẫn tỉ mỉ, sử dụng từ ngữ đơn giản, dễ hiểu, gần gũi. Việc đến lớp học đã giúp bà con nhân dân hiểu rõ được tầm quan trọng của việc học chữ. Khi đã đọc và viết được, bà con sẽ dễ dàng tiếp thu các thông tin cần thiết về phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình.

Cũng ở vùng biên Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, để trẻ em biết chữ, giáo viên phải mang lớp học đến tận các bản làng xa xôi. Vượt qua gần 20 km đường đèo dốc cheo leo giữa một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu hun hút mới có thể đến được điểm trường Nong Phụ thuộc Trường Mầm non Hoa Phong Lan. Đây được biết đến là một trong những điểm trường khó khăn nhất ở xã Mường Lạn.

Vào ngày mưa, để đến được điểm trường Nong Phụ (Trường mầm non Hoa Phong Lan), các cô giáo phải lắp thêm dây xích tự chế vào bánh xe để đỡ trơn trượt. Ảnh TTXVN 

Với thâm niên hơn 10 năm công tác ở vùng cao, cô giáo Lường Thị Hồng gần như đã dạy ở hầu hết các điểm trường khó khăn nhất của xã vùng biên này. Trong hành trình bám bản, mỗi khi thấy trời “giở chứng”, hành trang cá nhân của cô Hồng lại có thêm gói xôi, chiếc bánh mì và chai nước lọc. Đó là nguồn năng lượng để giáo viên ở đây lấy sức đi tiếp vì dọc con đường đến trường không có quán ăn. Cô Lường Thị Hồng chia sẻ, công tác ở vùng cao khổ nhất là lúc trời mưa, đường trơn trượt. Các giáo viên phải lấy xích xe máy quấn vào bánh xe để xe đi bám đường hơn. Nếu đi một mình rất vất vả, nên phải có hai người, một người lái, người còn lại ở phía sau đẩy xe.

Xã Mường Lạn hiện có 18 điểm trường, nơi xa nhất là hơn 25 km. Là bậc học Mầm non nên 100% giáo viên đều là nữ nên rất vất vả. Những giáo viên đang mang thai hay nuôi con nhỏ sẽ được ưu tiên giảng dạy ở những điểm trường gần, thuận lợi hơn. Những giáo viên khác sẽ luân phiên giảng dạy ở các điểm trường khó khăn. Mỗi năm một lần, nhà trường sẽ thực hiện việc luân chuyển giáo viên tại các điểm trường để phần nào giúp giáo viên bớt khó khăn.

* Những thầy cô dành cả thanh xuân gieo chữ trên đỉnh Hò Lù

Hò Lù là một trong những xóm nghèo nhất của xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng). Xóm cách trung tâm xã 16km, đường đi lại khó khăn, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thiếu đất sản xuất, người dân ở đây chỉ trồng một vụ ngô.

Hàng năm, người dân thiếu lương thực, nước sinh hoạt từ 3-4 tháng, vì vậy Hò Lù được gọi là những xóm không đường, không điện, nước sinh hoạt thiếu thốn, sóng điện thoại rất yếu... Thế nhưng, ở đó có những thầy cô giáo vẫn từng ngày miệt mài gieo mang con chữ, thắp sáng ước mơ cho những đứa trẻ vùng cao.

Cô giáo Mông Thị Tiệp đến nhà vận động học sinh đến lớp. 

Trên đường lên Hò Lù, ngỏ ý viết về hành trình đưa con chữ lên Hò Lù của cô Mông Thị Tiệp, cô bảo cô sắp nghỉ hưu rồi. Hãy viết về các thầy giáo, cô giáo cắm bản ở Hò Lù đã gần 10 năm nay - những người đã dành cả thanh xuân để gieo chữ, họ mới là những người cần động viên, chia sẻ nhiều nhất.

Dọc đường lên núi, cô Tiệp kể trước khi về làm Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Khánh Xuân (huyện Bảo Lạc), cô Tiệp đã từng có thời gian lên vận động học sinh ra lớp và dạy học ở Hò Lù.

Cô giáo cho biết, cuộc sống của đồng bào Dao ở Hò Lù rất khó khăn. Ở đây thiếu nước, thiếu điện và thiếu luôn cả cái cái ăn, cái mặc. Những hủ tục lạc hậu vẫn đeo bám người dân nơi đây. Thanh niên ở xóm này lấy vợ, lấy chồng từ 13, 14 tuổi, rất ít người đi học nên cái nghèo, cái đói vẫn đeo đẳng họ từ năm nay qua năm khác.

Cô chia sẻ, để đi bộ đến các hộ dân, các thầy cô giáo phải băng qua mấy ngọn đồi, trên con đường lởm chớm đá tai mèo. Có những lần đi cả buổi sáng mới đến được nhà một em học sinh. Chỉ có yêu nghề lắm các thầy cô giáo mới vượt qua những gian nan vất vả để mang cái chữ cho đồng bào nơi đây. Chỉ mong thêm một người biết chữ, rồi nhiều người biết chữ, cái nghèo, cái đói, những hủ tục lạc hậu nơi đây sẽ dần được xóa bỏ./.

PV (tổng hợp)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN