Chuyển đổi xanh: Cơ hội liệu có bị bỏ lỡ?
(ĐCSVN) – Chuyển đổi nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế xanh là xu hướng nhiều quốc gia trên thế giới hướng tới và là con đường mà các nước đang theo đuổi. Tuy nhiên, những thách thức hiện nay đòi hỏi toàn thế giới và mỗi quốc gia cần chuẩn bị tầm nhìn dài hạn trong xây dựng và thực hiện các kế hoạch hành động, mục tiêu tăng trưởng cho tương lai phát triển xanh, hiện đại và bền vững.
Lượng khí thải carbon dioxide toàn cầu đã tăng 5,6% trong giai đoạn từ năm 2020 - 2021, nhanh nhất trong gần 50 năm. (Ảnh minh họa) |
Động lực thúc đẩy chuyển đổi xanh
Thời gian qua, không ai trong chúng ta có thể phủ nhận rằng tác động của đại dịch COVID-19 là rất lớn và toàn diện trên toàn cầu, đặc biệt là những vấn đề phát triển và xu thế phát triển.
Đại dịch COVID-19 đã khiến chúng ta phải nhận thức, tiếp cận sâu sắc, toàn diện hơn về vấn đề phát triển bền vững tại mỗi quốc gia cũng như trên phạm vi toàn cầu. Theo đó, phát triển bền vững không chỉ là sự hài hòa giữa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường; mà điều quan trọng là những lợi ích, giá trị chung của toàn nhân loại, đòi hỏi thế giới phải cùng chung tay giải quyết những vấn đề toàn cầu, cùng chia sẻ lợi ích và cả rủi ro.
Không những thế, đại dịch cũng cho thấy chỉ riêng sự giàu có về kinh tế, vật chất không thể đủ để bảo đảm phát triển bền vững, mà hơn lúc nào hết, cần đề cao vai trò của các yếu tố về an sinh xã hội, môi trường sinh thái. Gần 3 năm qua đã minh chứng thực tế rằng nền sản xuất theo đuổi mục tiêu tăng trưởng và lợi nhuận bất chấp các hậu quả gây ra đối với môi trường, đã đẩy nhân loại vào một môi trường sinh thái đầy rủi ro, khi biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và các loại dịch bệnh mới ngày càng hiện hữu và khó khiểm soát một cách hiệu quả, có nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của nhân loại.
Trong bối cảnh đó, để bảo đảm phát triển bền vững, bên cạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hay chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, đang ngày càng nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Chuyển đổi xanh được coi là giải pháp có thể giúp xử lý hài hòa nhu cầu phát triển kinh tế và việc giảm nguy cơ môi trường, hệ sinh thái bị tàn phá, giảm thiểu nguy cơ các loại virus nguy hiểm tấn công loài người. Có nhiều phương thức tăng trưởng bảo đảm phát triển nhanh nhưng để phát triển bền vững thì những yếu tố về môi trường, con người, tương lai nhất định cần phải được quan tâm hàng đầu.
Bởi sau COVID-19, nếu không đầu tư vào chuyển đổi xanh và phục hồi xanh, sức khỏe con người có thể sẽ xấu đi, tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng và thiên tai khôn lường. Chỉ riêng biến đổi khí hậu – ngoài tác động của ô nhiễm hoặc bệnh lây truyền từ động vật sang người – dự báo sẽ có tác động lớn đến tỷ lệ tử vong của con người vào năm 2100 theo như đánh giá của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP). Ô nhiễm không khí vốn đã là rủi ro môi trường lớn nhất đối với sức khỏe trên thế giới, vì nó gây ra khoảng 8 triệu ca tử vong sớm mỗi năm.
Thêm vào đó, hiện nay, hàng triệu người đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực và nước nghiêm trọng ở châu Phi, châu Á, Trung và Nam Mỹ, và ở các quốc đảo nhỏ đang phát triển. UNDP từng cảnh báo đến năm 2050, hơn 216 triệu người có nguy cơ phải di dời trong nước, chủ yếu ở khu vực châu Phi cận Sahara, Đông Á và Thái Bình Dương.
Ngoài ra, cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine cũng nhấn mạnh tính cấp bách của việc đẩy nhanh các lộ trình chuyển đổi xanh, vì những tác động toàn cầu của nó đối với an ninh năng lượng và lương thực có thể sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến những người và quốc gia dễ bị tổn thương nhất. Ví dụ, giá lúa mì và ngô tăng do cuộc xung đột đang diễn ra có khả năng ảnh hưởng đến các nền kinh tế phụ thuộc nhiều hơn vào xuất khẩu của Ukraine và Nga, đặc biệt dễ bị tổn thương ở châu Phi.
Bản chất liên quan lẫn nhau của những thách thức đối với các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) đòi hỏi các nỗ lực phối hợp, tích hợp của các quốc gia để tìm ra giải pháp mang lại lợi ích cho con người và hành tinh, đồng thời không gây thiệt hại cho môi trường, nền kinh tế. Nghiên cứu cho thấy rằng đầu tư vào chuyển đổi xanh – từ khả năng tiếp cận điện từ các nguồn tái tạo đến tăng diện tích đất rừng – có thể giảm 15% tình trạng nghèo cùng cực so với tham chiếu cơ bản giai đoạn trước đại dịch COVID-19. Các giải pháp dựa vào thiên nhiên, chẳng hạn như khôi phục môi trường sống, trồng lại rừng, bảo vệ bờ biển và loại bỏ các loài xâm lấn, cũng đang tạo ra việc làm với tốc độ cao hơn gấp 10 lần so với nhiên liệu hóa thạch. Thêm vào đó, phân tích mới đây của nhà đầu tư từ sáng kiến Tác động SDG của UNDP chứng minh rằng việc đạt được các SDG sẽ tạo ra một thế giới bền vững, công bằng và thịnh vượng hơn. Theo đó, các nhà đầu tư có thể đạt được không chỉ kết quả tài chính mà còn cả kết quả xã hội và môi trường tích cực, chẳng hạn như mở ra cơ hội thị trường trị giá 12.000 tỷ USD và tạo ra 380 triệu việc làm xanh.
Năng lượng tái tạo có thể trở thành nguồn đóng góp chính cho tăng trưởng năng lượng ở các quốc gia. (Ảnh minh họa: Vũ Dung) |
Cơ hội liệu có bị bỏ lỡ?
Không thể phủ nhận rằng kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19, các chính phủ trên khắp thế giới đã tham gia vào nhiều hình thức chuyển đổi xanh, phục hồi xanh khác nhau. Trong gần 3 năm qua, các nền kinh tế lớn trên thế giới đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ USD vào quá trình phục hồi sau COVID-19, nhằm khởi động lại các nền kinh tế và giải quyết nguyên nhân gốc rễ của các cuộc khủng hoảng tự nhiên và khí hậu.
Tuy nhiên, cho đến nay, những nỗ lực này vẫn chưa đủ. Một phân tích về chi tiêu của 50 nền kinh tế lớn, được thực hiện bởi Dự án Phục hồi Kinh tế Oxford và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), cho thấy chỉ 368 tỷ USD (18%) trong số 14.600 tỷ USD chi tiêu đã công bố có thể được coi là “xanh”. Hay một nghiên cứu riêng của UNDP cho thấy rằng cứ mỗi đồng USD cam kết giải quyết khủng hoảng khí hậu vì lợi ích của người nghèo trên thế giới thì có tới 4 USD được chi cho trợ cấp nhiên liệu hóa thạch để duy trì khủng hoảng khí hậu.
Trong khi đó, mục tiêu của Thỏa thuận Paris nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu hiện đang nằm ngoài tầm với. Chủ tịch Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) Sultan Al Jaber từng cảnh báo thế giới chưa tìm ra đúng lộ trình để thực hiện mục tiêu trong Thỏa thuận Paris. Theo ông Jaber, để có thể kiềm chế mức nhiệt tăng ở 1,5˚C vào cuối thế kỷ, lượng khí thải toàn cầu phải giảm 43% vào năm 2030. Nhấn mạnh nhu cầu năng lượng trên toàn cầu sẽ tiếp tục tăng, ông cho rằng năng lượng tái tạo cần tăng gấp 3 lần mức hiện nay, trong khi sản lượng hydro tăng gấp đôi và ngành nông nghiệp, vốn gây ra 30% khí thải toàn cầu, phải được cải cách mạnh mẽ. Hội đồng các chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thì cảnh báo các quốc gia phải đẩy mạnh các nỗ lực về khí hậu nếu muốn đạt được mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 2˚C – lý tưởng là 1,5˚C – vào cuối thế kỷ này.
Gần đây nhất, báo cáo mới công bố của Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) đưa ra dự báo ngành công nghệ xanh có thể đạt hơn 9.500 tỷ USD vào năm 2030, song cho rằng các quốc gia đang phát triển tụt hậu vì nhiều lý do. Theo báo cáo, từ xuất phát điểm gần như ngang nhau cách đây 3 năm, hoạt động xuất khẩu công nghệ xanh của các nước phát triển nhất thế giới đang vượt lên so với các nước đang phát triển. Tổng trị giá xuất khẩu công nghệ xanh từ các nước phát triển tăng từ khoảng 60 tỷ USD lên hơn 156 tỷ USD trong giai đoạn 2018 – 2021. Trong khi cùng kỳ, xuất khẩu từ các nước đang phát triển chỉ tăng từ 57 tỷ USD lên khoảng 75 tỷ USD. UNCTAD cảnh báo nếu không nhanh chóng thu hẹp khoảng cách này, các nước sớm ứng dụng công nghệ xanh sẽ tạo ra những lợi thế lâu dài, khiến các nước đang phát triển càng khó bắt kịp.
Tổng Thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan nêu rõ thế giới đang ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng công nghệ dựa trên nền tảng công nghệ xanh. Việc bỏ lỡ làn sóng này sẽ gây những tác động tiêu cực lâu dài. Thêm vào đó, Phó Tổng Thư ký UNCTAD Pedro Manuel Moreno lưu ý rằng các nước đang phát triển nhỏ hơn, ít gây biến đổi khí hậu, đang bị mắc kẹt giữa nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với việc phải chật vật để tiếp cận công nghệ nhằm bảo vệ môi trường và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Theo bảng xếp hạng của UNCTAD về mức độ sẵn sàng áp dụng và khai thác những công nghệ tiên tiến, các quốc gia có thu nhập cao đều đứng đầu, gồm: Mỹ, Thụy Điển, Singapore, Thụy Sỹ và Hà Lan. Một số quốc gia châu Á như: Ấn Độ, Philippines, Việt Nam… cũng thể hiện được sự nhanh nhạy trong ứng dụng và khai thác các công nghệ xanh. Trong khi đó, các quốc gia ở Mỹ Latin và Caribe, châu Phi cận Sahara có nguy cơ bỏ lỡ cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ hiện tại.
Có thể nói, chuyển đổi nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế xanh là xu hướng nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng tới và là con đường mà các nước đang theo đuổi. Tuy nhiên, những thách thức hiện nay đòi hỏi toàn thế giới và mỗi quốc gia nói riêng cần chuẩn bị tầm nhìn dài hạn trong xây dựng và thực hiện các kế hoạch hành động, mục tiêu tăng trưởng cho tương lai phát triển xanh, hiện đại và bền vững.
Để bảo vệ nhân loại, điều cấp thiết là phải vượt qua những nỗ lực rời rạc để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, xung đột, khủng hoảng người tị nạn và đại dịch, mà phải đồng thời xóa bỏ vĩnh viễn những vấn đề này và không để ai bị bỏ lại phía sau. Chuyển đổi xanh phải dẫn đến sự thay đổi mang tính biến đổi, trong đó, các hệ thống kinh tế xã hội và môi trường tương tác với nhau để chống lại cuộc khủng hoảng đa chiều trên hành tinh gồm: Biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm. Để làm được điều này, thiết nghĩ các quốc gia cần phân bổ lại trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, mở ra khả năng tiếp cận năng lượng sạch cho nhiều người hơn, tối đa hóa các giải pháp dựa vào thiên nhiên và tái sử dụng thay vì sản xuất nguyên liệu thô mới cho sản phẩm… Và hơn lúc nào hết, bây giờ là thời điểm để các quốc gia trên thế giới tăng cường hợp tác, cùng vượt qua khó khăn trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", để không ai trong chúng ta phải bỏ lỡ bất kỳ một cơ hội bứt phá nào./.