Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới
(ĐCSVN)- Lĩnh vực tài chính - ngân hàng ở nước ta được xem là một trong những ngành có tốc độ chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo hàng đầu. Thời gian tới, làn sóng chuyển đổi số sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực này và hiện, hầu hết các ngân hàng đều đang có chương trình triển khai tập trung vào chuyển đổi số.
Toàn cảnh Hội thảo |
Đây là nội dung được thảo luận tại Hội thảo Dịch vụ Tài chính - Ngân hàng 2023 vừa được diễn ra tại TP Hồ Chí Minh trong ngày 26/5. Đây là sự kiện thường niên do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (IDG Việt Nam) phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức, dưới sự bảo trợ của Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh. Hội thảo đã góp phần chia sẻ những kinh nghiệm, định hướng đổi mới và phát triển các dịch vụ, sản phẩm của các đơn vị nổi bật trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng và Fintech (Công nghệ tài chính).
Hội thảo đã tập trung cung cấp những giá trị thiết thực nhất về cơ hội, những thách thức làm ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng và xu hướng thay đổi công nghệ mới, mô hình thương mại mới thích nghi với sự thay đổi của người tiêu dùng. Với chủ đề “Chuyển đổi số trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng và Fintech - dữ liệu cá nhân”, sự kiện đã bao quát được bức tranh toàn cảnh của ngành cũng như những nỗ lực phát triển, đẩy mạnh xây dựng dữ liệu cá nhân, quản trị dịch vụ công và Tài chính - Ngân hàng thông qua các giải pháp công nghệ nổi bật của thời đại mới.
Hội thảo năm nay bao gồm 1 phiên báo cáo chính vào buổi sáng và 2 phiên chuyên đề diễn ra song song vào buổi chiều.
Tại Hội thảo, ông Vũ Viết Ngoạn, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, trong 2 thập kỷ qua chúng ta đã chứng kiến công nghệ bùng nổ và phát triển với tốc độ nhanh chưa từng có. Đối với doanh nghiệp, thuyết "lợi thế quy mô" để đánh giá năng lực của doanh nghiệp đã trở nên lỗi thời. Hiện nay, đánh giá năng lực của doanh nghiệp phụ thuộc vào chỉ số đánh giá tốc độ và năng lực thích ứng của doanh nghiệp đối với bên ngoài, đặc biệt là đối với công nghệ. Khả năng thích ứng để tiếp nhận và ứng dụng công nghệ là yếu tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp.
Ông Vũ Viết Ngoạn, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phát biểu tại Hội thảo |
Cũng theo ông Ngoạn, lĩnh vực tài chính - ngân hàng ở nước ta được xem là một trong những ngành có tốc độ chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo hàng đầu. Hiện nay, ở Việt Nam, có trên 30% dân số sử dụng app để giao dịch ngân hàng, chỉ đứng sau Trung Quốc (trên 41%). Ông Vũ Viết Ngoạn dự báo, thời gian tới, làn sóng chuyển đổi số sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng. Hầu hết các ngân hàng đều đang có chương trình triển khai tập trung vào chuyển đổi số.
Ngoài ra, mô hình kinh tế chia sẻ sẽ ngày càng rõ nét và sâu sắc hơn, có nghĩa là sự liên kết giữa các chủ thể trong nền kinh tế sẽ nhiều hơn, tạo ra nhiều loại hình mới dịch vụ mới cho người tiêu dùng. Fintech tiếp tục có nhiều không gian phát triển trong thời gian tới.
Tuy nhiên, tại Hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng, chuyển đổi số càng sâu, lượng dữ liệu càng lớn, yêu cầu xử lý càng cao, do đó rủi ro an toàn dữ liệu càng lớn.
Theo ông Nguyễn Trọng Đường, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch– Tài chính, Bộ Thông tin và truyền thông, trong năm 2022, Việt Nam ghi nhận 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến, trong đó 75% lừa đảo tài chính, 25% lừa leo thang đánh cắp dữ liệu cá nhân để lừa đảo tài chính hoặc mục đích xấu khác.
Để đảm bảo an toàn dữ liệu, ông Đường khuyến nghị người dùng cần có ý thức và kiến thức để bảo vệ, giữ gìn thông tin cá nhân. Trong khi đó, các tổ chức tài chính, ngân hàng cần tuân thủ các quy định pháp luật; ban hành quy định, chính sách an toàn thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân; đào tạo, nâng cao nhận thức cho nhân viên và khách hàng; đầu tư các giải pháp an toàn hệ thống và bảo vệ dữ liệu.
Là một trong những địa phương phát triển mạnh mẽ về công nghệ, có nhiều thành tựu trong chuyển đổi số ở lĩnh vực tài chính, ngân hàng, TP Hồ Chí Minh đang có những kế hoạch cụ thể để tạo đột phá trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng cho biết, chủ đề của Hội thảo "Chuyển đổi số trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng và Fintech - Dữ liệu cá nhân" rất phù hợp với xu hướng phát triển chung hiện nay và đặc biệt là với định hướng phát triển của TP Hồ Chí Minh. Sự kiện này giúp cho hoạt động chuyển đổi số của TP Hồ Chí Minh thêm sôi động. Qua hội thảo, Thành phố học được những bài học kinh nghiệm, thành công của các Bộ ngành, địa phương và các chuyên gia, giúp chuyển đổi số của TP Hồ Chí Minh nhanh hơn và thành công hơn trong thời gian tới.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng phát biểu tại Hội thảo |
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cũng thông tin thêm, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ cho TP Hồ Chí Minh đến năm 2030 phải trở thành đầu tàu về kinh tế số, xã hội số về khoa học công nghệ, giáo dục, tài chính. Đến năm 2030, kinh tế số của TP Hồ Chí Minh phải chiếm 40% GRDP của Thành phố. Để thực hiện mục tiêu đó, TP Hồ Chí Minh đã ban hành rất nhiều chính sách, tập trung vào lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thành phố xác định đây là 2 động lực trọng tâm, giúp TP Hồ Chí Minh phát triển và nổi trội trong thời gian tới.
Chia sẻ thêm về nội dung này tại phiên báo cáo chính, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh Võ Thị Trung Trinh cho biết năm 2023 với chủ đề chuyển đổi số năm 2023 là “Dữ liệu số”, các cơ quan nhà nước tại TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung vào hoạt động phát triển, kết nối, chia sẻ, khai thác, phân tích dữ liệu phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Thành phố chia lộ trình thực hiện thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (2017 - 2021) với nhiệm vụ tạo lập nền tảng Hạ tầng và Dữ liệu; giai đoạn 2 (2022 - 2025) sẽ phát triển và khai thác dữ liệu - thực hiện chuyển đổi số.
Xác định yếu tố quyết định thành công trong thực hiện chiến lược là cấp lãnh đạo, ứng dụng, quản lý dữ liệu, vai trò rõ ràng và công nghệ, TP Hồ Chí Minh đưa ra 3 nguyên tắc triển khai chính nhằm thúc đẩy phát triển Dữ liệu số. Đó là, thúc đẩy chiến lược dữ liệu một cách linh hoạt và theo vòng lặp; thúc đẩy chuyển đổi dữ liệu trong khu vực công thông qua các sáng kiến “đánh nhanh thắng nhanh” và học hỏi nhanh; áp dụng mô hình kho (Hub) để mở rộng phạm vi chuyển đổi dữ liệu của khu vực công.
Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh 3 thông điệp chính trong quá trình chuyển đổi số của Thành phố. Đó là chuyển đổi số và quản trị dữ liệu là một hành trình, cần phải cải tiến phù hợp với các tiến bộ công nghệ theo thời gian; Phải thành lập cơ quan chủ trì để thúc đẩy, điều phối và thiết kế các giải pháp số cho Thành phố nhằm cải thiện việc tích hợp và thiết kế các nhiệm vụ số; Các dịch vụ số sẽ phải thích ứng để biến công dân và doanh nghiệp thành trọng tâm thay vì hoạt động riêng biệt và tạo ra ‘hòn đảo’ tự động hóa./.