Chương MTQG là điều kiện, cơ hội thuận lợi xây dựng NTM thực chất, bền vững
(ĐCSVN) - Là một trong những huyện còn nhiều khó khăn của tỉnh Lào Cai, vì vậy việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG DTTS và miền núi tại Văn Bàn có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đặc thù.
Những tuyến đường ở Võ Lao (Văn Bàn) được mở rộng |
Văn Bàn là một trong các huyện của tỉnh Lào Cai được phân bổ nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định 1719 của Chính phủ. Theo đó, năm 2022 huyện Văn Bàn được giao tổng vốn đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình mục tiêu quốc gia), là hơn 50 tỷ đồng thực hiện 78 dự án, công trình; tổng kinh phí nguồn vốn sự nghiệp được tỉnh giao hơn 14 tỷ đồng, thực hiện 10 dự án thành phần.
Để bảo đảm tiến độ giải ngân nguồn vốn được giao, huyện Văn Bàn đã chủ động, quyết liệt chỉ đạo triển khai kế hoạch, với các nhóm giải pháp cụ thể, gắn với phân công, phận nhiệm tới từng ban ngành đoàn thể… Cụ thể, thành lập Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia huyện và ban hành Quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ từng thành viên Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia huyện gắn với chức năng, nhiệm vụ được giao. Huyện cũng tập trung chỉ đạo các xã hoàn thiện thể chế theo quy định.
Đặc biệt, huyện đã thành lập 03 tổ công tác, đôn đốc tiến độ giải ngân và triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia do đồng chí Chủ tịch UBND huyện phụ trách chung. Các đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm tổ trưởng các tổ công tác này; mỗi tổ phụ trách 7-8 xã, thị trấn và các chủ đầu tư.
Nhiệm vụ của các tổ công tác là nắm bắt chi tiết các nội dụng, nhiệm vụ, công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công và Chương trình mục tiêu quốc gia…
Cùng với đó, huyện cũng quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện việc phân khai vốn cho các chủ đầu tư, các đơn vị chủ trì thực hiện để khẩn trương giải ngân vốn đầu tư, vốn sự nghiệp. Đến nay, huyện đã giao 26,8/50 tỷ đồng vốn đầu tư cho 63 công trình; 3,3/14,4 tỷ đồng vốn sự nghiệp với 5/10 dự án.
Đối với một số hợp phần vốn sự nghiệp mặc dù chưa có hướng dẫn cụ thể, song huyện cũng chỉ đạo chủ động triển khai lập hồ sơ, dự án theo dự thảo hướng dẫn.
Trên cơ sở triển khai thực hiện nguồn vốn đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương, huyện Văn Bàn cũng tích cực đề xuất với tỉnh, các sở ngành kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư hiệu quả nhất.
Hiện trên địa bàn huyện Văn Bàn đang triển khai đồng bộ 03 Chương trình mục tiêu quốc gia là: Xây dựng nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững và Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đối với chương trình xây dựng nông thôn mới, theo rà soát các tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, tính đến tháng 7/2022, toàn huyện Văn Bàn có 10/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới được UBND tỉnh công nhận, bình quân số tiêu chí/xã đạt 16,05 tiêu chí/xã. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, đối chiếu với Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 thì bình quân số tiêu chí/xã huyện Văn Bàn chỉ đạt 10,6 tiêu chí/xã (giảm số tiêu chí bình quân là 5,45 tiêu chí/xã). Theo đó trên địa bàn huyện Văn Bàn sẽ không có xã nào đạt tiêu chí nông thôn nới theo bộ tiêu chí mới.
Trước thực tế này, huyện Văn Bàn xác định “nhìn thẳng vào vấn đề, tôn trọng thực tiễn”, từ đó đề ra các giải pháp tập trung khắc phục những tiêu chí chưa đạt, với đích đến là hoàn thành tiêu chí nông thôn mới một cách bền vững, thiết thực. Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Để đạt được mục tiêu này, huyện Văn Bàn đã và đang tiếp tục rà soát, rà soát lại hệ thống các tiêu chí đảm bảo mức độ chính xác nhất, đặc biệt là tiêu chí về giáo dục, tỷ lệ hộ nghèo, tổ chức sản xuất và phát triển nông thôn… Đây là cơ sở quan trọng nhất để với mỗi tiêu chí chưa đạt, cần tập trung nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân và cả hệ thống chính trị một cách hiệu quả nhất.
Cùng với đó, triển khai có hiệu quả, thực chất nhất nguồn vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 (tổng vốn đầu tư cả giai đoạn theo Kế hoạch 510 tỷ đồng; tổng vốn sự nghiệp năm 2022 theo kế hoạch 21 tỷ đồng) theo phương châm mỗi nguồn vốn, mỗi dự án, mỗi tiểu dự án, hoạt động phải gắn với mục thiêu về hoàn thành các tiêu chí nông thông mới của tất cả các xã.
Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án huyện nông thôn mới đến năm 2030 báo cáo UBND tỉnh, Tỉnh uỷ xem xét, phê duyệt làm cơ sở hoạch định chiến lược, lộ trình, bước đi và các giải pháp cụ thể để xây dựng nông thôn mới một cách căn cơ, bài bản...
Tích cực thu hút đầu tư nguồn vốn ngoài ngân sách, nhất là lĩnh vực phát triển du lịch và nông nghiệp- là 2 trụ cột quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế xã hội của huyện Văn Bàn trong giai đoạn tới. Qua đó, tạo việc làm, nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh, thu nhập cho nhân dân, góp phần hành thành các tiêu chí về đích nông thôn mới.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân về Chương tình xây dựng nông thôn mới để chương trình trở thành phong trào thi đua sâu rộng và toàn diện. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực đóng góp của nhân dân và doanh nghiệp tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới….
Có thể thấy, các Chương trình mục tiêu quốc gia có vai trò hết sức quan trọng, góp phần hoàn thiện các thiết chế hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản ở nông thôn, miền núi. Tăng cường hỗ trợ phát triển sản xuất, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, tạo cơ hội việc làm và ổn định thu nhập cho người dân. Với nguồn lực từ 03 chương trình, đặc biệt là Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đang là điều kiện và cơ hội thuận lợi để địa phương tập trung xây dựng nông thôn mới thực chất, bền vững.