Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chung tay đẩy lùi nạn tảo hôn ở Tây Nguyên

Thứ Ba, 11/07/2023 11:38 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Tảo hôn là một vấn nạn của xã hội, một trở ngại lớn đối với sự phát triển bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cả nước nói chung và Tây Nguyên nói riêng. Tảo hôn không chỉ vi phạm pháp luật mà còn để lại nhiều hệ lụy lâu dài đối với gia đình và xã hội, trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực, một trong những lực cản đối với sự phát triển tiến bộ xã hội.

Huyện Sa Thầy, Kon Tum tổ chức Hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống 

Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Đăk Lăk, giai đoạn 2015 - 2020 toàn tỉnh có trên 2.600 cặp vợ chồng tảo hôn, riêng năm 2020 có 276 trường hợp; năm 2021 có 188 trường hợp; tập trung ở các huyện Krông Bông, Lăk, Ea Súp, M’Drăk, Ea H’leo, thành phố Buôn Ma Thuột. Quý 1/2022, địa phương này vẫn có thêm 32 cặp tảo hôn tại các xã: Cư Pui, huyện Krông Bông; xã Yang Tao, huyện Lăk; xã Cư San, huyện M’Đrăk; xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc. Tuy nhiên, con số thực tế là nhiều hơn vì có nhiều cặp về sống chung với nhau mà chưa đăng ký kết hôn.

Thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai: Năm 2015 toàn tỉnh có gần 11.000 cặp kết hôn, trong đó, tảo hôn là 1.132 cặp, chiếm 10,34%; năm 2016 có gần 13.000 cặp kết hôn, tảo hôn 1.355 cặp, chiếm 10,49%; năm 2020, có hơn 8.600 cặp kết hôn, tảo hôn 869 cặp, chiếm 10%. Như vậy, trong 5 năm (2015 - 2020) Gia Lai chỉ giảm được 0,34% tỷ lệ tảo hôn trong đồng bào DTTS. Năm 2022, toàn tỉnh có 952 cặp tảo hôn, trong đó, 939 trường hợp là người DTTS, tăng 72 cặp so với năm 2021. Trên thực tế, con số này có thể cao hơn, bởi nhiều gia đình không khai báo.

Tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên như Đăk Nông, Kon Tum, tình hình cũng tương tự. Vấn nạn tảo hôn trở thành rào cản đối với công tác giảm nghèo và an sinh xã hội, đang là vấn đề đáng báo động hiện nay.

Tại Đăk Nông, theo số liệu của Ban Dân tộc tỉnh, giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh có 347 trường hợp tảo hôn. Còn tại Lâm Đồng, theo Ban Dân tộc tỉnh, giai đoạn 2015 - 2020, qua điều tra, khảo sát chưa đầy đủ, toàn tỉnh có 1.064 trường hợp tảo hôn, chiếm tỷ lệ 3,68% so với tổng số kết hôn. Tuy nhiên, con số thực tế về tình trạng trên còn cao hơn rất nhiều.

Tại tỉnh Kon Tum, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, nỗ lực giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào DTTS đã đạt được những kết quả hết sức khả quan. Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 1.048 trường hợp tảo hôn. Đến năm 2018 giảm còn 172 cặp và đến tháng 9/2020 giảm xuống con số 76 cặp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn chủ yếu là do ảnh hưởng của những phong tục, tập quán xưa để lại. Bên cạnh đó là nhận thức về xã hội, về kiến thức pháp luật hôn nhân và gia đình của đồng bào còn những hạn chế nhất định dẫn đến việc kết hôn sớm.

Có thể khẳng định, Tây Nguyên hiện vẫn là vùng có tỷ lệ tảo hôn cao so với trung bình của cả nước và cao nhất trong các khu vực. Theo kết quả điều tra thu thập thông tin 53 DTTS năm 2019 do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê phối hợp thực hiện, tỷ lệ tảo hôn chung của người DTTS ở Tây Nguyên là 27,5% (trong đó nữ 28,5%; nam 26,5%).

Tuyên truyền tránh quan hệ tình dục sớm và phòng chống tảo hôn do Hội Bảo trợ trẻ em tỉnh Kon Tum tổ chức tháng 6-2023 

Theo ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, nâng cao vai trò của các tổ chức đoàn thể, tạo sự thống nhất về nhận thức, đồng thuận xã hội trong công tác phòng, chống tảo hôn. Nâng cao trách nhiệm, phối hợp của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, vận động, xử lý vi phạm hành chính về vấn đề tảo hôn. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở cơ sở phải chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống tảo hôn ở địa phương.

Ông Kpă Đô - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai cho biết, công tác tuyên truyền còn gặp nhiều khó khăn do bất đồng ngôn ngữ; vùng có tỷ lệ tảo hôn cao là vùng kinh tế, văn hóa còn lạc hậu, nhiều người không biết chữ; đối tượng chính của việc tuyên truyền là thanh thiếu niên, ít tham gia sinh hoạt cộng đồng, đoàn thể dẫn đến hiệu quả không cao. Tình trạng không có việc làm hoặc cần thêm lao động trong gia đình cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ kết hôn sớm tăng cao, họ lấy nhau về để cùng làm nương rẫy…

Đấu tranh bài trừ nạn tảo hôn và là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài. Vì vậy, rất cần sự quan tâm, chỉ đạo thực hiện của các ngành, các cấp, sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của cả hệ thống chính trị để trong thời gian tới, tình trạng tảo hôn trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên được đẩy lùi, hướng tới chấm dứt trong thời gian sớm nhất, góp phần phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS ở Tây Nguyên./.

Bài, ảnh: Nguyễn Văn Chiến

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN