Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chứng chỉ hành nghề được đưa vào dự thảo Luật Nhà giáo

Thứ Sáu, 17/05/2024 19:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, chứng chỉ hành nghề nhà giáo không phải là tăng cường quản lý nhà giáo, tăng thêm sức ép về văn bằng, chứng chỉ đối với nhà giáo, mà là để phát triển nhà giáo.

Chiều 17/5, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Ngọc Thưởng chủ trì Tọa đàm với các cơ quan báo chí về dự án Luật Nhà giáo.

Phát huy trí tuệ của nhân dân trong xây dựng Luật Nhà giáo

Phát biểu mở đầu, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, đây là tọa đàm đầu tiên với cơ quan báo chí về dự án Luật Nhà giáo.

Dự án Luật Nhà giáo được Chính phủ đồng ý xây dựng, Quốc hội đồng ý đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh đã trở thành bước đột phá và mang lại ý nghĩa động viên to lớn với hàng triệu nhà giáo trong cả nước.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng chủ trì Tọa đàm . Ảnh: TL.

Bộ GD&ĐT xác định việc đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành trong giai đoạn từ 2021-2025, vì vậy, việc chuẩn bị đề xuất xây dựng luật đã được chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng, tạo cơ sở bước đầu quan trọng để xây dựng Luật.

Dự thảo Luật Nhà giáo đã được đăng công khai trên Cổng thông tin Chính phủ, Bộ GD&ĐT để tiếp thu ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân và các cơ quan, đoàn thể; trong đó cơ quan báo chí có vai trò quan trọng trong định hướng truyền thông những vấn đề cốt lõi của dự án luật.

Theo Thứ trưởng, dự án Luật Nhà giáo là luật khó, phạm vi lớn, tác động đến nhiều chính sách và liên quan đến nhiều văn bản mà các bộ, ngành đã ban hành; vì vậy cần phát huy trí tuệ của nhân dân, tầng lớp xã hội để dự án được hoàn thiện, đáp ứng mong mỏi của khoảng 1,6 triệu nhà giáo trên cả nước.

Nâng tầm vị thế, vai trò của nhà giáo

Dự thảo Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 71 điều trong đó có 5 chính sách và 6 điểm mới. 5 chính sách đã được được thiết kế trong Dự thảo Luật Nhà giáo gồm: Định danh nhà giáo; Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý nhà nước về nhà giáo.

Một trong những quy định được nêu trong dự thảo Luật Nhà giáo là quy định Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt tiêu chuẩn chức danh nhà giáo theo quy định.

 Toàn cảnh Toạ đàm. Ảnh: TH.

Tại tọa đàm, nội dung này nhận được nhiều sự quan tâm của cơ quan báo chí.

Về vấn đề này, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục - Bộ GD&ĐT cho hay: Luật Nhà giáo nhằm kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển nhà giáo. 

Theo ông Đức, chứng chỉ hành nghề nhà giáo nhằm nâng tầm vị thế, vai trò của nhà giáo khi được phân biệt với các nghề khác, phân biệt người đủ tư cách hành nghề dạy học với người tự nhận là “nhà giáo” nhưng không đảm bảo đạt chuẩn.

“Một nhà giáo cần đảm bảo ba yếu tố, gồm kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng giảng dạy. Nhiều người chỉ có đủ hai yếu tố đầu và thiếu yếu tố còn lại nhưng vẫn tham gia giảng dạy. Do vậy, chứng chỉ hành nghề nhà giáo giúp đảm bảo được người nhà giáo có đầy đủ các yếu tố cần thiết, phù hợp với yêu cầu đặc thù của nghề” - ông Đức nói.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, chứng chỉ hành nghề không phải là tăng cường quản lý nhà giáo, tăng thêm sức ép về văn bằng, chứng chỉ đối với nhà giáo, mà là để phát triển nhà giáo. Tùy theo nhu cầu và năng lực, mỗi nhà giáo có thể có nhiều chứng chỉ hay hơn một chứng chỉ. Khi có chứng chỉ hành nghề và đầy đủ điều kiện, thì nhà giáo dạy ở cấp học mầm non, tiểu học hoặc cấp học cao hơn và ngược lại…/.

Vy Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN