Chuẩn bị chu đáo để cuộc bầu cử diễn ra an toàn, dân chủ, đúng pháp luật
(ĐCSVN) - Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cũng yêu cầu các tiểu ban và Ủy ban Bầu cử cấp huyện tăng cường tập huấn, hướng dẫn các tổ bầu cử của cơ sở; tăng cường kiểm tra, giám sát để nắm bắt, có chỉ đạo kịp thời; chuẩn bị chu đáo để cuộc bầu cử diễn ra an toàn, dân chủ, đúng pháp luật…
Quang cảnh phiên họp. |
Ngày 4/3, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố (TP), Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã chủ trì phiên họp thứ hai của Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội, nhằm đánh giá kết quả thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Dự phiên họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo bầu cử TP, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến.
Báo cáo tại phiên họp, đại diện các tiểu ban phục vụ cuộc bầu cử cho biết, đến nay, việc triển khai công tác bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 đã đạt được kết quả bước đầu. Ủy ban Bầu cử TP đã triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương và TP, đồng thời tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác bầu cử đến các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn.
Đến ngày 05/02/2021, Ủy ban MTTQ TP đã tổ chức xong hội nghị hiệp thương lần thứ nhất thoả thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị,… được giới thiệu ứng cử, trong đó, ĐBQH được bầu 29 đại biểu, số lượng người được giới thiệu ứng cử 59 người; đại biểu HĐND TP được bầu 95 đại biểu, số lượng người được giới thiệu ứng cử 190 người.
Đối với cấp huyện, xã, đến ngày 06/02/2021, Ủy ban MTTQ quận, huyện, thị xã, xã, thị trấn đã tổ chức xong hội nghị hiệp thương, thống nhất đại biểu HĐND quận, huyện, thị xã được bầu là 1.054 người, số lượng người được giới thiệu ứng cử 2.091 người; đại biểu HĐND xã, thị trấn được bầu 10.814 người, số lượng người được giới thiệu ứng cử 21.342 người.
Về chia các đơn vị bầu cử, TP Hà Nội có 10 đơn vị bầu cử ĐBQH, 30 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND TP, 269 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND quận, huyện, thị xã và 3.056 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND xã, thị trấn. Đến thời điểm này, các đơn vị bầu cử đã có kế hoạch, tập huấn, hướng dẫn công tác chuẩn bị bầu cử theo đúng quy định và tiến độ.
Tại hội nghị, các ủy viên Ủy ban Bầu cử TP đã phát biểu ý kiến, nhấn mạnh về một số giải pháp trong công tác chuẩn bị, triển khai cuộc bầu cử thời gian tới. Các đại biểu đề nghị, Ủy ban Bầu cử các cấp cần tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn để các tiểu ban chuẩn bị kỹ lưỡng, chú trọng nâng cao hiệu quả của lực lượng phục vụ cuộc bầu cử ở tổ dân phố. Bên cạnh đó, đặc biệt chú trọng giải quyết đơn, thư liên quan. Đồng thời cần tăng cường chỉ đạo Ủy ban Bầu cử cấp huyện nâng cao tinh thần trách nhiệm, tập huấn, hướng dẫn tới từng thành phần của tổ dân phố và lực lượng tham gia tổ bầu cử ở địa phương…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại phiên họp. |
Phát biểu tại phiên họp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, từ khi thành lập đến nay, hoạt động của Ủy ban Bầu cử thành phố đã được triển khai thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Trung ương. Đồng thời đề nghị Ủy ban Bầu cử từ cấp cơ sở đến TP cần nắm rõ quy định và hướng dẫn để giới thiệu ứng cử bảo đảm đúng thành phần, số lượng; rà soát kỹ, nắm chắc số lượng cử tri để tính toán cụ thể, bố trí đến từng điểm bỏ phiếu.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy kích hoạt 15 đoàn kiểm tra, sau hiệp thương lần thứ hai sẽ tiến hành kiểm tra công tác chuẩn bị cuộc bầu cử trên địa bàn TP. Vì vậy, các địa phương phải chú trọng bảo đảm an ninh trật tự và chuẩn bị tốt cho hiệp thương lần thứ hai; các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền, nhấn mạnh nghĩa vụ và trách nhiệm của cử tri đi bầu cử.
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch HĐND thành phố, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TP Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu các tiểu ban phục vụ cuộc bầu cử nâng cao tinh thần trách nhiệm, phân công rõ nhiệm vụ để công tác bầu cử diễn ra an toàn, đúng pháp luật. Trong đó, Tiểu ban thông tin tuyên truyền, Tiểu ban bảo đảm an ninh trật tự - an toàn xã hội và Tiểu ban giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử cần có kế hoạch chi tiết, tổ chức triển khai, phân chia các giai đoạn, phương án cụ thể, sát thực.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cũng yêu cầu các tiểu ban và Ủy ban Bầu cử cấp huyện tăng cường tập huấn, hướng dẫn các tổ bầu cử của cơ sở; tăng cường kiểm tra, giám sát để nắm bắt, có chỉ đạo kịp thời; chuẩn bị chu đáo để cuộc bầu cử diễn ra an toàn, dân chủ, đúng pháp luật…/.