Chưa có dấu hiệu để lọt người, lọt tội trong điều tra gian lận thi THPT quốc gia
(ĐCSVN)- Liên quan đến gian lận điểm thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an vì sao lại giao thẩm quyền điều tra tại các địa phương khác nhau? Liệu như vậy có bảo đảm khách quan toàn diện hay không?
Tại Hòa Bình được giao cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an, 2 tỉnh Sơn La, Hà Giang lại được giao cơ quan điều tra công an tỉnh. Vấn đề nay, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời, cho đến hiện nay, cơ quan an ninh điều tra của Bộ Công an và công an các tỉnh Sơn La và Hà Giang đang điều tra 3 vụ, 16 bị can liên quan đến gian lận thi cử xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 vừa qua. Kết quả điều tra 3 vụ án đến nay đã đủ căn cứ kết luận hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao, thực hiện can thiệp, sửa chữa, nâng điểm cho thí sinh theo tội danh đã được khởi tố.
Ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La (bìa phải) tại buổi công bố quyết định khởi tố bị can Lò Văn Huynh, cấp dưới của ông. (Ảnh: tuoitre.vn)
Đã làm rõ 214 thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi. Cụ thể, ở Hòa Bình 63 thí sinh, Hà Giang 107, Sơn La 44 thí sinh. Vấn đề làm rõ vi phạm của các phụ huynh đưa tiền cho bị can để nhờ nâng điểm thì trước mắt để đảm bảo đúng thời hạn điều tra theo quy định của pháp luật, cơ quan điều tra kết luận điều tra để truy tố các bị can, xác định rõ hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để thực hiện việc can thiệp, sửa chữa, nâng điểm cho thí sinh.
“Còn việc đưa nhận tiền nêu trên đang được tiếp tục điều tra, củng cố chứng cứ theo quy định của pháp luật. Chúng tôi sẽ có công bố sau khi có kết luận về công tác điều tra”- Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Về vấn đề cho rằng Bộ Công an phải vào cuộc để điều tra để đảm bảo khách quan, không để cho các địa phương làm, Bộ trưởng Bộ Công an cho hay, trong 3 vụ án nêu trên, có 2 vụ án xảy ra tại Sơn La và Hà Giang là do công an địa phương thụ lý điều tra, do Viện Kiểm sát địa phương kiểm sát điều tra theo đúng quy định của pháp luật. Do tính chất đặc biệt của các vụ án nên Bộ Công an vẫn đặc biệt quan tâm chỉ đạo, giám sát để đảm bảo việc điều tra đúng pháp luật, đúng người, đúng tội.
“Đến nay, chưa có dấu hiệu nào thể hiện cơ quan điều tra công an địa phương không khách quan, để lọt người, lọt tội. Bộ Công an cũng đang tiếp tục giám sát chặt chẽ vấn đề này cùng phối hợp với Việm Kiểm sát nhân dân tối cao cũng như Viện Kiểm sát địa phương để giám sát vấn đề này”- Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.
Bộ trưởng giải thích thêm, thẩm quyền điều tra của các vụ này cơ bản là của cơ quan điều tra địa phương. Nhưng vụ điều tra của Hòa Bình, trước yêu cầu đề nghị của tỉnh và Bộ Công an, chúng tôi thấy đây là loại tội phạm mới, Bộ cần phải tập trung điều tra để có kinh nghiệm trực tiếp. Với đề nghị của địa phương, của Tỉnh ủy, công an địa phương, chúng tôi tiếp nhận vụ này để cùng địa phương điều tra. Đây là loại tội phạm mới phát hiện trong năm nay.
Trong quá trình điều tra, Bộ Công an quan tâm đặc biệt đến quá trình điều tra đến các vụ tội phạm mới này cũng như phối hợp rất chặt chẽ với Viện Kiểm sát để có giám sát. Cơ quan điều tra của Bộ Công an điều tra thì Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng có giám sát và cơ quan điều tra của địa phương cũng là Viện Kiểm sát địa phương cũng giám sát.
Phối hợp đồng bộ các giải pháp để bảo đảm tổ chức thi khách quan, nghiêm minh
Chiều 4/6, báo cáo, làm rõ thêm về sai phạm thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an kiểm tra xác minh, nếu có dấu hiệu vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
“Hiện nay, Bộ Công an đang tiếp tục điều tra xác minh để xử lý sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại một số địa phương. Trong phiên họp gần đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019 bảo đảm trung thực, khách quan, tạo niềm tin cho phụ huynh, học sinh cả nước, đồng thời đề ra một số giải pháp chấn chỉnh bảo đảm kỳ thi được tổ chức khách quan trung thực” – Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Binh nói.
Phó Thủ tướng Thường trực chia sẻ thêm: Có câu chuyện, phụ huynh muốn cho con em thi đậu nên có hành động tiêu cực. Cũng có người trong ngành Giáo dục tiêu cực, quản lý nhà nước chưa được chặt chẽ nên để xảy ra sai sót, để lợi dụng dẫn đến hành vi tiêu cực.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, trước hết là ý thức, trách nhiệm chung của xã hội, phụ huynh, học sinh, cán bộ công chức nhà nước và trách nhiệm của thầy cô giáo làm thế nào để củng có nền tảng đạo đức xã hội.
“Cần nâng cao ý thức, trách nhiệm sống trung thực, tôn trọng những giá trị đạo đức, xã hội, tôn trọng quyền lợi của người khác và không làm mất đi cơ hội của người khác. Đó là nhận thức chung của xã hội; nhận thức này phải được giáo dục ngay từ trong nhà trường, từ cấp mẫu giáo và các cấp học; trong các cơ quan nhà nước, trong hệ thống chính trị, bộ máy ngành Giáo dục. Phụ huynh học sinh cũng phải nhận thức được điều này, có như vậy mới lên án các hành vi tiêu cực”- Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Cùng với đó là nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ công chức, đạo đức công vụ, trách nhiệm nhiệm quản lý nhà nước và điều hành công việc. Đồng thời củng cố quy chế thi cử chặt chẽ, có sự phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan chức năng trong tổ chức thi cử bảo đảm khách quan, nghiêm minh. Mặt khác các cơ quan cùng tham giám sát và xã hội cùng giám sát./.