Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Tiết kiệm không phải như “cây kéo” cắt xén chi tiêu
(ĐCSVN) - Tiết kiệm, chống lãng phí không phải đơn thuần như “cây kéo” để cắt xén chi tiêu, mà một khía cạnh khác rất quan trọng là phải kịp thời tháo gỡ khó khăn, kiến tạo thể chế, kiến tạo sự phát triển, tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn. Thực hiện tinh thần nếu 1 tỷ đồng mà cần thiết thì chi ngay nhưng 1 đồng mà không cần thiết cũng không chi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ.
Ngày 23/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự cuộc làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội với Bộ Tài chính về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội chủ trì cuộc làm việc.
Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường - Phó Trưởng đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường - Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh – Phó Trưởng đoàn giám sát; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.
Quang cảnh cuộc làm việc (Ảnh: Doãn Tấn) |
Thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, ngân sách nhà nước
Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 trong quản lý, sử dụng nguồn lực, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ đã thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN), tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, tiết kiệm được 6.087,9 tỷ đồng trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí NSNN; cắt giảm 100% các dự án đầu tư công không nằm trong quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản.
Giai đoạn 2016 - 2021, Bộ Tài chính tinh giản được 1.166 biên chế, đạt 105% kế hoạch; chủ động tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền của Bộ, giảm từ 36 đơn vị xuống còn 26 đơn vị.
Ngay trong quá trình lập dự toán chi NSNN, giai đoạn 2016 – 2020, Bộ Tài chính đã tính toán, giảm chi hơn 22.300 tỷ đồng. Năm 2021, tiếp tục giảm chi NSNN khoảng 3.260 tỷ đồng gắn với tinh giản biên chế và sắp sếp lại tổ chức bộ máy. Trong 6 tháng cuối năm 2020 các địa phương cắt giảm 70% công tác phí hơn 1.000 tỷ đồng, tiết kiệm chi thường xuyên hơn 6.440 tỷ đồng.
Năm 2021, tiết kiệm hơn 6.000 tỷ đồng, trong đó cắt giảm 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và nước ngoài là gần 900 tỷ đồng, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên.
Về công tác quản lý đầu tư công, qua thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành sử dụng vốn nhà nước giai đoạn 2016-2020 đã giảm giá trị đề nghị quyết toán hơn 27 nghìn tỷ đồng; đã chuyển dịch hơn 230 nghìn ha đất sang các mục đích phi nông nghiệp; xử lý, thu hồi, yêu cầu đưa vào sử dụng 100 nghìn ha đất của các dự án chậm triển khai.
Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm và từng giai đoạn; trình cấp có thẩm quyền ban hành 1.206 văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực tài chính ngân sách, nhiều văn bản đã giúp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và từng bước cơ cấu lại NSNN.
Tập trung sửa đổi, bổ sung các định mức, tiêu chuẩn đã “lỗi thời”
Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát lưu ý, Bộ Tài chính chủ trì tham mưu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nhiều lĩnh vực quan trọng liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhưng trong giai đoạn giám sát, một số văn bản thuộc chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của Bộ Tài chính vẫn chưa được hoàn thành theo đúng tiến độ, một số văn bản chi tiết chậm ban hành hoặc ban hành chậm hơn so với thời điểm Luật có hiệu lực, một số vướng mắc chậm hoặc chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Việc chậm tham mưu, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật ảnh hưởng đến chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; lãng phí nguồn lực nhà nước, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; làm thất thu NSNN. Vì vậy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà đề nghị Bộ Tài chính cần rà soát, bổ sung danh mục các văn bản quy phạm pháp luật chưa hoàn thành, chậm tiến độ, còn bất cập; trong đó, làm rõ số văn bản được giao chủ trì xây dựng hoặc ban hành theo thẩm quyền nhưng đến nay chưa ban hành hoặc chậm so với tiến độ yêu cầu; lộ trình, kế hoạch ban hành các văn bản này trong thời gian tới...
Thực tế giám sát tại các bộ, ngành, địa phương cho thấy, có những tồn tại, bất cập do quy định trong một số luật chuyên ngành đã được chỉ ra từ năm 2012-2013 nhưng đến nay vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung, gây thất thoát, lãng phí. Do đó, các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị Bộ Tài chính đánh giá làm rõ hơn những bất cập tại các luật chuyên ngành khiến việc quản lý, sử dụng nguồn lực nhà nước bị thất thoát, lãng phí cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để Đoàn giám sát tổng hợp, báo cáo Quốc hội.
Ghi nhận sự gương mẫu của Bộ Tài chính trong việc thực hiện nghiêm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong phạm vi quản lý của Bộ, song, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Bùi Đức Thụ cũng cho rằng, xét trên bình diện chung, công tác quản lý, sử dụng NSNN vẫn còn rất nhiều tồn tại, hạn chế đòi hỏi Bộ Tài chính phải chủ động, quyết liệt tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về vấn đề này. “Giám sát của Quốc hội là cơ hội rất lớn để chúng ta hoàn thiện chính sách, pháp luật để quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước hiệu quả hơn”, ông Bùi Đức Thụ nói.
Các thành viên Đoàn giám sát cũng lưu ý vấn đề sửa đổi, bổ sung các quy định về định mức, tiêu chuẩn rất thấp, đã “lỗi thời” trong thời gian qua vì nếu không sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế thì rất dễ làm cho cán bộ, công chức buộc phải nghĩ cách để “vận dụng linh hoạt”, từ đó dẫn đến vi phạm, làm sai quy định, gây thất thoát, lãng phí nhiều hơn.
Phát động phong trào thi đua gắn với chính sách quốc gia về tiết kiệm, chống lãng phí
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc (Ảnh: Tú Giang) |
Qua ý kiến thảo luận tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội đánh giá rất cao sự chuẩn bị của Đoàn giám sát và Bộ Tài chính. Trong đó, Bộ Tài chính vừa phải thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí như các bộ, ngành khác trong khi số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động rất đông (gần 7 vạn người) và lĩnh vực quản lý rất rộng, vừa được giao trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Với gần 400 trang báo cáo, chưa kể các phụ lục kèm theo, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Bộ Tài chính đã rất nghiêm túc thực hiện các yêu cầu của Đoàn giám sát.
Lưu ý thời gian hoàn thiện, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát không còn nhiều, (theo kế hoạch sẽ trình tại Phiên họp tháng 9 tới – PV), Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, kết quả quan trọng nhất là dự thảo Nghị quyết giám sát trình Quốc hội như thế nào để tạo chuyển biến thực sự, rõ nét trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội gợi mở một số vấn đề cần nghiên cứu đưa vào dự thảo Nghị quyết giám sát trình Quốc hội.
Cụ thể, theo Chủ tịch Quốc hội, Đoàn giám sát nên kiến nghị Chính phủ đổi mới việc ban hành Chương trình hành động hàng năm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tổ chức thực hiện Chương trình. “Thay vì chương trình năm nào cũng gần giống nhau, còn hình thức thì mỗi năm nên tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm nổi lên, có mục tiêu cụ thể để tạo chuyển biến rõ rệt. Khi ban hành xong phải tổ chức triển khai, thu thập, đánh giá, tổng kết hiệu quả cụ thể. Khi trình ra Quốc hội cũng nên cải tiến cách thức báo cáo và thảo luận, bảo đảm tính toàn diện nhưng mỗi năm phải tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể”.
Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ hai năm COVID-19, chúng ta cắt giảm triệt để các khoản chi thường xuyên để tăng nguồn lực chống dịch. Vậy những năm tới, Chính phủ, Quốc hội xác định năm nào tập trung trọng điểm vấn đề tiêu chuẩn, định mức; năm nào tập trung giải quyết vấn đề thất thoát, lãng phía trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai; năm nào tập trung vào tài sản công.. “Quốc hội quyết được vấn đề này cũng đã là thành công rất lớn của Đoàn giám sát, nếu vẫn duy trì cách làm như trước đây thì thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sẽ còn hình thức”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội cũng gợi mở, Đoàn giám sát nghiên cứu kiến nghị phát động một cuộc vận động thực hiện phong trào thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sâu rộng trong toàn dân, cả khu vực công và khu vực tư, cả khu vực sản xuất, sinh hoạt, tiêu dùng, nhân lực, vật lực, tài lực... Thất thoát do lãng phí nhiều khi không kém gì thất thoát do các vụ án tham nhũng, tiêu cực. Một cuộc vận động với mục tiêu, tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, gắn với đó là chính sách quốc gia về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sẽ dễ được nhân dân ủng hộ và phát huy hiệu quả.
Nêu ví dụ cụ thể một chính sách quốc gia của Nhật Bản là quy định các công sở chỉ được bật điều hoà ở 28 độ, trong khi chúng ta đến công sở vẫn bật 18 – 20 độ suốt cả ngày vừa ảnh hưởng sức khoẻ, vừa lãng phí nguồn lực, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, những quy định cụ thể như vậy nhưng hiệu quả, tác dụng rất lớn. Giám sát của Quốc hội có đề xuất được những việc như vậy không? Các tiêu chuẩn, tiêu chí đầu tư, khoa học công nghệ... cũng tương tự như vậy. Đất nước còn khó khăn, nếu chúng ta tự tạo ra áp lực để phấn đấu cao hơn thì cũng sẽ thu hút được các nhà đầu tư chất lượng hơn. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phải đề xuất được các chính sách quốc gia về tiết kiệm, chống lãng phí như vậy mới là vấn đề lớn của chuyên đề giám sát lần này.
Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ quản lý nhà nước về lĩnh vực quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, tiết kiệm, chống lãng phí không phải đơn thuần như “cây kéo” để cắt xén chi tiêu, mà một khía cạnh khác rất quan trọng là phải kịp thời tháo gỡ khó khăn, kiến tạo thể chế, kiến tạo sự phát triển, tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn. Ngành tài chính phải lo cân đối ngân sách, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia nên cũng luôn phải cẩn trọng hơn, luôn thực hiện tinh thần nếu 1 tỷ đồng mà cần thiết thì chi ngay nhưng 1 đồng mà không cần thiết cũng không chi.
Do đó, đánh giá việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với ngành tài chính cần tiếp cận theo hướng này chứ phải chỉ là câu chuyện mỗi năm tiết kiệm được bao nhiêu tiền. Bộ Tài chính cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành rà soát lại, chỉ rõ những văn bản nào đang gây ách tắc cả về nhân lực, vật lực, tài lực để tập trung tháo gỡ, nhất là trong 3 lĩnh vực hết sức quan trọng thuộc phạm vi quản lý của Bộ gồm: dịch vụ công, dịch vụ sự nghiệp công và dịch vụ, sản phẩm công ích.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh việc rà soát, quy định định mức chi thường xuyên theo hướng ban hành định mức khung và phân cấp để các bộ, ngành, địa phương chủ động quy định, thực hiện, gắn với đó là cơ chế khoán chi; đánh giá lại việc khoán xe công, xem xét lại các định mức về chi tiêu công, tài sản công và xe công; đánh giá, báo cáo tổng hợp nguồn cải cách tiền lương; thu hồi các khoản cho vay của NSNN; xem xét lại trách nhiệm quản lý nhà nước đối với phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu phát hành riêng lẻ; rà soát, xác định lộ trình sửa đổi, bổ sung các luật về thuế...
Theo Chủ tịch Quốc hội, Đoàn giám sát nên kiến nghị Chính phủ: rà soát lại việc miễn, giãn, giảm thuế bằng công văn, các quyết định hành chính không đúng thẩm quyền, nhất là áp dụng cho các doanh nghiệp FDI; tăng cường chống chuyển giá trong các doanh nghiệp FDI; xử lý các tồn đọng của dự án BT, BOT; rà soát các quy định về quản lý nợ công; rà soát xử lý các dự án treo, chậm tiến độ, phân loại để có kiến nghị giải pháp cụ thể...
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Đoàn giám sát tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội để hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát. Đối với Bộ Tài chính, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị phân tích rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, trong đó tập trung chủ yếu vào nguyên nhân chủ quan cả ở những việc làm tốt và chưa tốt trong thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; báo cáo bổ sung những địa chỉ làm tốt để nhân rộng; đề xuất cụ thể với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ để hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; trực tiếp chỉ đạo giải quyết những vấn đề đã rõ, thuộc thẩm quyền để tạo chuyển biến ngay trong quá trình giám sát…/.