Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài!
(ĐCSVN) – Hình ảnh Giáo sư Nguyễn Anh Trí từ biệt nhiệm sở trong vòng tay lưu luyến của đồng nghiệp đã khiến nhiều người xúc động. Sự thật, thay vì những lá phiếu tín nhiệm hay những bằng khen vô giác, nhiều khi cảm xúc bủa vây tờ quyết định nghỉ hưu mới là thước đo chính xác nhất cho giá trị đích thực của nhiều cán bộ lãnh đạo.
Chắc chắn, những giọt nước mắt chia ly không chỉ đến ở khía cạnh chuyên môn của Giáo sư Trí, điều mà báo chí đã nói tới quá nhiều trong suốt 14 năm ông giữ cương vị lãnh đạo Viện Huyết học Truyền máu Trung ương. Những con người từng đồng cam cộng khổ với ông, trước hết, sẽ kính trọng vị Viện trưởng của mình như một thành viên mẫu mực trong gia đình huyết học – truyền máu. Từ người bảo vệ đến lao công, từ các chuyên gia đầu ngành tới những sinh viên mới rời giảng đường đại học, đó chính là những người cảm nhận rõ nhất điều này. Một vị Viện trưởng thường xuyên có mặt vào 6 rưỡi sáng và chỉ ra về khi trời tối mịt, một lãnh đạo luôn đi làm vào cả ngày nghỉ, trước hết, là một con người tận tâm.
Không phải chỉ đến Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, các vấn đề liên quan đến đơn vị sự nghiệp công lập mới được nhắc đến. Đã từ lâu, tình trạng công chức “xách ô đi về” đã trở thành vấn đề khó điều chỉnh và khó xử lý. Trong chủ trương tinh giản biên chế, khi con số 2,5 triệu người là quá lớn khi đặt cạnh trình độ, hiệu quả, hay năng lực làm việc, thì trong xã hội vẫn có nhiều tấm gương. Những hình ảnh lưu luyến và ngưỡng mộ Giáo sư Nguyễn Anh Trí là minh chứng điển hình về lòng tốt và sự tri ân cái đẹp.
Từ lâu, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương đã được xem là “hiện tượng lạ” trong ngành y tế. “Lạ” vì hình mẫu văn hóa ứng xử của bác sỹ với người bệnh, giữa các đồng nghiệp, và “lạ” nhất chính là cách thể hiện cái tâm y đức không chạy theo bất cứ một mệnh lệnh hành chính nào. Xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh, tạo những gì tốt nhất cho bệnh nhân, tích lũy và nghiêm túc trong nghiên cứu, thực hành, đó là những tài sản vô giá mà Viện trưởng Trí đã cùng biết bao người tạo nên. Dĩ nhiên, cũng “lạ” vì chẳng có một cấp nào, một văn bản luật pháp nào quy định họ phải làm những điều đó.
Một vị Viện trưởng tận tụy và tài ba dĩ nhiên xứng đáng được tôn vinh. Nhưng với người dân, họ cũng sẽ không bao giờ quên ngả mũ trước ngay cả những con người âm thầm và đơn giản nhất. Không cần học hàm học vị, cũng chẳng cần những phát ngôn kiệt xuất hay công trình lừng lẫy. Đó có thể chỉ là một buổi chia tay người thầy giáo đã gần gũi, hết mình với học sinh. Là anh cảnh sát giao thông luôn sẵn sàng cứu người và cũng sẵn sàng vẫy tay chào tài xế. Không ai biết họ đã sống từng ngày như thế nào, và vượt qua những gì để hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ đến thời khắc chia ly, sự trống vắng mới bất chợt ập đến, hệt như ta thấy một chỗ dựa không còn.
Trong cuộc sống, không phải ai cũng có may mắn được làm công việc mình yêu thích, chất xúc tác căn bản để có thể cháy hết mình với niềm đam mê. Nhưng cũng không phải ai cũng được nhớ đến với cái tâm tự nguyện và cách hành xử đề cao đạo đức. Chân giá trị từ gia tài mà những người như Giáo sư Trí để lại sẽ là bài học cho những cán bộ, công chức vẫn còn sống trong sự đối phó, tự mãn, và cả nhàn nhạt trong cái vỏ ốc mang tên biên chế. Hơn thế nữa, tài năng hay lòng nhiệt thành sẽ luôn giúp người ta đứng thẳng khi mang theo một cái tâm trong sáng.
Vì không có nỗ lực nào là vô ích. Vì không có công danh nào là mãi mãi. Và trên hết, vì “chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài!”.