Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chủ động thích ứng với quá trình già hóa dân số

Thứ Tư, 03/10/2018 10:14 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Già hóa dân số là một trong những biến đổi nhân khẩu lớn nhất trên thế giới hiện nay. Sự chuyển đổi nhân khẩu học do già hóa dân số đang và sẽ tạo ra những tác động rất lớn đến mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc.

Già hóa dân số hiện không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà còn của nhiều quốc gia trên thế giới
 Ảnh: suckhoedoisong.vn.
 Tại Việt Nam, vấn đề thách thức đang đặt ra là dù chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, nhưng tốc độ già hóa nhanh trong bối cảnh vẫn là một nước có mức thu nhập trung bình thấp.

Theo thông tin từ Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), nước ta có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Riêng số người từ 80 tuổi trở lên là hai triệu người. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi Việt Nam chiếm 18% và năm 2050 là 26%. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần thích ứng với già hóa dân số như mục tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW (Hội nghị TW6 khóa XII) về Công tác dân số trong tình hình mới đã đặt ra.

Già hóa dân số: Cơ hội và thách thức

Tại Tọa đàm "Thích ứng với già hóa dân số nhanh ở Việt Nam: Con đường phía trước" nhân ngày Quốc tế người cao tuổi (1/10/2018), ông Lê Tấn Dũng - Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi (NCT) cho biết: Tuổi thọ cao là một thành quả của sự phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia, chứ không phải gánh nặng của xã hội hay của nền kinh tế. Do đó, phải cam kết đảm bảo cho cuộc sống mạnh khỏe và hạnh phúc cho NCT và tạo điều kiện cho sự tham gia có ý nghĩa của họ trong xã hội để tận dụng được những kinh nghiệm và kiến thức quý báu của NCT trong cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) cũng khẳng định: Trong gia đình, NCT được coi là chỗ dựa tinh thần vững chắc, giáo dục con, cháu nếp sống văn hóa lành mạnh, là tấm gương về đạo đức, lối sống để con, cháu noi theo. Còn trong công tác DS-KHHGĐ, NCT đóng vai trò là những tuyên truyền viên tích cực tham gia vào mạng lưới cộng tác viên dân số, y tế thôn bản “đến tận ngõ, gõ tận cửa” vận động người dân thực hiện các chính sách dân số, pháp luật của Nhà nước. Thực tế cho thấy, NCT sẽ là cánh tay “đắc lực” trong công tác truyền thông DS-KHHGĐ nếu biết phát huy lợi thế của đội ngũ này. Tuy nhiên, vấn đề già hóa dân số nhanh ở nước ta cũng đặt ra những thách thức to lớn đòi hỏi phải có những phương thức tiếp cận mới trong chăm sóc sức khỏe, tuổi nghỉ hưu, lương hưu, tăng cường sự tương tác trong xã hội và mối quan hệ liên thế hệ.

PGS. TS. Lưu Bích Ngọc, Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Trường đại học Kinh tế quốc dân đã đưa ra phân tích về vấn đề này: Bài toán gắn với già hóa dân số không chỉ là giải quyết vấn đề cho những người trên độ tuổi lao động, mà đáng lo hơn nữa là giải quyết vấn đề việc làm, an sinh xã hội cho những người vẫn đang trong độ tuổi lao động theo quy định nhưng bước vào độ tuổi cao hơn. Do đó, chúng ta cần có sự chuyển đổi mô hình kinh tế để có lực lượng lao động ở mô hình phát triển tương đối hài hòa, một bên là kinh tế, một bên là các vấn đề xã hội.

Người cao tuổi cần được quan tâm chăm sóc và phát huy sự đóng góp cả về trí tuệ và tinh thần
 Nguồn ảnh: giadinh.net.vn

Cần một mô hình mới phù hợp với vấn đề già hóa dân số

Nhận định Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số nhanh so với bối cảnh kinh tế hiện nay, Thứ trưởng Y tế cho biết Việt Nam đã có nhiều chính sách và hoạt động thiết thực để thích ứng với già hóa dân số.

Gần đây, Bộ Y tế ban hành Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi với nhìn nhận một cách toàn diện, tăng cường chăm sóc người cao tuổi ngay tại cộng đồng. Vì nếu chỉ dựa vào bệnh viện hay nhà dưỡng lão chi phí sẽ cao và tốn kém.

GS.TS Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho hay, trở ngại lớn đối với công tác chăm sóc người cao tuổi là hệ thống cơ sở y tế chuyên ngành lão khoa thiếu trầm trọng cả về số lượng lẫn chất lượng, hầu hết địa phương đều thiếu bác sĩ, điều dưỡng chuyên ngành lão khoa.

Theo các chuyên gia, thích ứng với già hóa dân số cần được coi là một vấn đề ưu tiên và đòi hỏi phải có các biện pháp kịp thời để chuẩn bị cho xã hội già trong tương lai không xa. Vì vậy, cần tập trung ưu tiên phát triển các loại dịch vụ chăm sóc dài hạn để đảm bảo nhu cầu của NCT cũng như giúp họ sống vui, sống khỏe và tiếp tục đóng góp vào các hoạt động kinh tế, xã hội của đất nước.

Hiện nay, Bộ Y tế đã và đang tiếp tục nghiên cứu xây dựng chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dài hạn. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi triển khai chính sách này, nhất là về kinh tế khi người cao tuổi luôn có ít nhất hai bệnh mãn tính trở lên và điều kiện kinh tế khá khó khăn. Vì thế, thích ứng với già hóa dân số, là một công việc nhiều thách thức đòi hỏi sự tham gia của các ngành, các cấp.

Cùng với đó, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện, rà soát và điều chỉnh nếu cần thiết các pháp luật, chính sách liên quan đến người cao tuổi như Luật Người cao tuổi, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bình đẳng Giới, Pháp lệnh Dân số để bảo đảm giải quyết tốt hơn các vấn đề về người cao tuổi, cũng như có quy mô dân số hợp lý, hạn chế sự gia tăng tốc độ già hoá dân số để bảo đảm giải quyết tốt hơn các vấn đề về người cao tuổi, cũng như có quy mô dân số hợp lý, hạn chế sự gia tăng tốc độ già hoá dân số./.

Châu Anh (TH)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN