Chọn những cán bộ đủ đức, đủ tài, sẵn sàng cống hiến vì lợi ích chung
(ĐCSVN) - Trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIII, nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân gửi gắm tâm tư, kỳ vọng đến Đại hội, mong sao chọn ra được những cán bộ đủ đức, đủ tài, sẵn sàng cống hiến vì lợi ích chung của đất nước.
Ông Phạm Văn Tuấn ở xã Khả Phong, huyện Kim Bảng (Hà Nam) cho biết: Bản thân là một đảng viên, tôi rất phấn khởi, tự hào trước những kết quả, những dấu ấn tốt đẹp mà nhiệm kỳ qua đã đạt được. Tôi tin tưởng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục là Đại hội của tinh thần đoàn kết, đồng sức đồng lòng của toàn dân tộc, từ đó khai thác có hiệu quả và phát huy tối đa nội lực đất nước để có những bước tiến ngoạn mục về kinh tế - xã hội, đồng thời giữ vững quốc phòng - an ninh, củng cố hơn nữa công tác xây dựng Đảng, chính quyền các cấp từ Trung ương tới cơ sở.
Ông Phạm Văn Tuấn |
Đại hội là một sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, đất nước, và dân tộc. Dịp này, cán bộ, đảng viên và người dân đều hy vọng các đại biểu sẽ đề ra những mục tiêu, giải pháp, đường hướng, chủ trương mang tính đột phá; tìm ra những người đủ đức, đủ tài, đủ trình độ, phẩm chất và năng lực, ra sức cống hiến, góp phần tiếp tục đưa vị thế của Đảng ta lên tầm cao mới, đoàn kết cùng nhau mở ra tương lai ngày càng tươi sáng cho đất nước.
Ông Đinh Công Báo, nguyên Bí thư Huyện ủy Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) cho rằng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là ngày hội lớn của Đảng, của toàn dân tộc. Đây cơ hội tốt để chúng ta củng cố chất lượng cán bộ cho Đảng; do vậy, cần chọn ra những cán bộ thực sự tiêu biểu, có đức, có tài, xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân, đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ mới.
Ông Đinh Công Báo, nguyên Bí thư Huyện ủy Đà Bắc (Hòa Bình) |
“Theo dõi thông tin trên báo, đài, chúng tôi thấy, trong các bài phát biểu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có lưu ý đặc biệt trong công tác cán bộ. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, công tác chọn cán bộ, đặc biệt là cán bộ cho Đại hội XIII cần phải chọn người thực sự xứng đáng, tức phải là những người đủ đức, đủ tài, đủ trình độ, phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ... Vì vậy tôi nghĩ, công tác nhân sự phải được xem là khâu then chốt, có tính quyết định về chất lượng của đội ngũ lãnh đạo trong nhiệm kỳ mới. Do vậy những vấn đề liên quan nhân sự cho Đảng phải được thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá mới có thể loại bỏ đi những cán bộ yếu kém, vừa đồng thời góp phần nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên…”, nguyên Bí thư Đảng ủy huyện Đà Bắc nói.
Anh Trần Công Thức, ở xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai có quan điểm: Có thể thấy mỗi kỳ đại hội đều để lại những dấu ấn với mọi tầng lớp nhân dân, bởi vậy, không chỉ có cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mà cả những người nông dân cũng háo hức, dành thời gian tìm hiểu, cập nhật thông tin.
Trước thềm Đại hội, tôi xin được gửi ý kiến tâm huyết về mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân. Hơn 90 năm qua, mối quan hệ này luôn gắn bó máu thịt, khăng khít. Đặc biệt qua hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta ngày càng phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng nâng cao đã củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng. Tôi rất mong muốn Đại hội lần này tiếp tục đề cao công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó chú trọng bàn thảo các giải pháp nhằm tăng cường, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, Nhân dân với Đảng. Do đó, phẩm chất đạo đức, chính trị của nhân sự khóa mới phải thực sự được chú trọng.
Anh Trần Công Thức |
Anh Thức cho biết thêm, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải là chỉnh đốn con người. Do đó, để làm tốt các vấn đề trên, Đảng cần xây dựng cơ chế chống tham nhũng, tiêu cực cũng như kiểm soát quyền lực trong hệ thống chính trị. Đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng gần dân, sát dân; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, biết lắng nghe ý kiến, nghe sự phản hồi của Nhân dân để điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp. Các cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh thực hành và phát huy dân chủ rộng rãi bằng nhiều hình thức: Tăng cường tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội, lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Lắng nghe và có trách nhiệm trong giải thích, giải quyết những vấn đề vướng mắc, bức xúc trong Nhân dân, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, thường xuyên theo dõi, giám sát việc xử lý, giải quyết kiến nghị, phản ánh của Nhân dân.
Ngoài ra, một số ý kiến khác của Nhân dân cũng nhấn mạnh: Việc nhiều cán bộ bị xử lý, kỷ luật trong thời gian qua là bài học cho vấn đề lựa chọn, bổ nhiệm nhân sự. Việc lựa chọn nhân sự phải qua nhiều kênh khác nhau hơn nữa, không chỉ thông qua quy trình bổ nhiệm cán bộ do các cơ quan Đảng, Nhà nước thực hiện, mà cần chú ý lắng nghe phản ánh từ cử tri, người dân nơi công tác, nơi cư trú, cũng như từ các tổ chức chính trị - xã hội. Vì vậy, cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn để phát huy vai trò của người dân, thậm chí mở rộng, tạo điều kiện để Nhân dân lựa chọn, tiến cử được những người cán bộ thực sự là công bộc của dân, vì lợi ích chung của tập thể./.