Chọn nhà thầu cho dự án nước sạch Sông Đà 2: Liệu có đi theo vết xe đổ?
(ĐCSVN) - Thông tin một công ty của Trung Quốc trúng thầu cung cấp ống dẫn nước cho dự án xây dựng đường nước sạch Sông Đà giai đoạn 2 đang khiến dư luận băn khoăn: Liệu lần này Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex- Viwasupco có đi theo vết xe đổ?
Đường ống nước sạch Sông Đà 1 sử dụng ống composite cốt sợi thuỷ tinh và phụ kiện không đảm bảo tiêu chuẩn
khiến tuyến ống nước liên tục bị hư hỏng. Ảnh: tuoitre.vn
Thông tin trên đã khiến dư luận lo ngại, bởi đã có quá nhiều bài học đắt giá từ việc chọn nhà thầu Trung Quốc. Điển hình nhất với chính người dân Thủ đô là dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Dự án này do nhà thầu Trung Quốc xây dựng, chỉ sau vài năm đã bị đội vốn lên gấp hai, gấp ba lần so với giá trúng thầu và cuối cùng vẫn lệ thuộc vào thiết bị hàng hoá của họ. Trong khi đó, tiến độ thì chậm, hay xảy ra các vụ tai nạn đe dọa tính mạng người đi đường. Hiện nay, hàng ngày người dân vẫn phải “chui rúc” qua những công trường bụi bặm và nguy hiểm đó, và vẫn phải chịu cảnh tắc đường do dự án chậm tiến độ.
Dự án tai tiếng nữa liên quan đến nhà thầu Trung Quốc là Nhà máy Thép Thái Nguyên. Theo Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), chỉ sau một năm dự án này đã "đội vốn" gấp đôi với những lí do "rất trên trời", nhưng chúng ta vẫn phải chạy theo. Như vậy, cái giá trúng thầu ban đầu tuy thấp, nhưng trên thực tế sau đó đã trở thành đắt hơn gấp nhiều lần.
Ông Đinh La Thăng khi còn ở ngành Giao thông Vận tải đã từng nhận xét về sự yếu kém của nhà thầu Trung Quốc. Nhiều chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội cũng đã lên tiếng về nhà thầu Trung Quốc và cảnh báo “đừng ngồi lên lưng hổ”. Bởi khi đã chọn nhà thầu Trung Quốc, sẽ phải lệ thuộc họ rất nhiều thứ và cuối cùng phải theo yêu cầu của họ. Đa số các nhà thầu Trung Quốc khi tham gia đấu thầu đều khẳng định có thiết bị tốt, kỹ thuật cao. Nhưng khi đã trúng thầu, trong quá trình thi công, máy móc thiết bị thường lạc hậu, kỹ thuật yếu kém, dẫn đến các dự án thường chậm tiến độ và không đảm bảo chất lượng.
Ngay cả Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đơn vị thẩm định hồ sơ đấu thầu dự án đường ống nước Sông Đà 2, vừa qua cũng tỏ ý thiếu tin tưởng về chất lượng ống gang dẻo của đơn vị này. Báo cáo của trung tâm cho biết: “Mặc dù nhà thầu được đánh giá đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, chất lượng ống gang dẻo của nhà thầu tại một số dự án thực hiện tại Việt Nam chưa làm hài lòng khách hàng. Một số thông tin khác từ khách hàng trên thế giới cũng không hài lòng với sản phẩm ống gang dẻo của Xinxing”. Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu cũng cho rằng, tiêu chuẩn đánh giá tại hồ sơ mời thầu của Viwasupco chưa quy định nội dung đánh giá liên quan đến dây chuyền công nghệ, thiết bị sản xuất. Vì vậy, nếu chỉ dựa trên hồ sơ mời thầu và đánh giá theo khía cạnh xem xét hồ sơ tài liệu thì có thể dẫn tới loại bỏ những nhà thầu có năng lực, tiềm năng để thực hiện dự án.
Những bài học kinh nghiệm cũng như những cảnh báo trên, chắc chắn lãnh đạo Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex- Viwasupco đã biết. Đường nước Sông Đà giai đoạn 1 đã từng vỡ 17 lần gây khốn khổ cho đời sống sinh hoạt người dân, lãnh đạo Viwasupco cũng quá rõ. Vậy có nên chọn nhà thầu Trung Quốc trong dự án nước Sông Đà 2? Liệu lần này, Viwasupco có đảm bảo được chất lượng đường ống nước hay lại một lần nữa đi theo vết xe đổ? Đây chính là điều mà dư luận đang đặc biệt quan tâm.
Vấn đề dẫn nước từ Sông Đà về rất quan trọng, liên quan đến cuộc sống của hàng trăm ngàn hộ dân trên địa bàn Hà Nội. Vì vậy nếu Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex- Viwasupco quyết chọn nhà thầu trên, họ phải cam kết bảo đảm độ an toàn của đường ống và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật, chứ không thể đổ lỗi cho các yếu tố khách quan như đã từng xảy ra nhiều lần trước đây./.