Chọn dự án trọng tâm, trọng điểm, cấp thiết để triển khai
(ĐCSVN) – Cho ý kiến về việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần xây dựng lộ trình theo giai đoạn và hằng năm. Đặc biệt, cần xác định những việc làm cụ thể theo hướng chọn một dự án trọng tâm, trọng điểm, mang tính cấp thiết, đột phá làm trước.
Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An). Ảnh: TTXVN |
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9. Quốc hội XIV, chiều 12/6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Hội trường về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu bày tỏ tán thành cao về sự cần thiết phải có một Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT- XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bởi đây là vùng trũng về KT- XH của đất nước, kéo dài trong rất nhiều năm chậm được khắc phục. Đồng thời, các đại biểu cũng cho rằng việc ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT- XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ giảm khoảng cách chênh lệch giữa các vùng trong cả nước.
Đồng thời các đại biểu cũng cho ý kiến, làm rõ một số nội dung như: Bảo đảm kinh phí đầu tư các dự án vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các dự án thực sự cần thiết, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho vùng "lõi nghèo", đặc biệt khó khăn, tránh dàn trải, lãng phí…
Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) đánh giá, dự thảo Chương trình được xây dựng công phu, tâm huyết, toàn diện, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta, thể hiện sự quan tâm chăm lo đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, đại biểu cũng băn khoăn về nguồn kinh phí bảo đảm thực hiện Chương trình. Đại biểu cho rằng, trước đây chúng ta ban hành một số chính sách song không có nguồn lực bảo đảm, nhất là chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo dự toán của Chính phủ, tổng ngân sách cần cho giai đoạn 2021 – 2025 là 114 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương khoảng 100 nghìn tỷ đồng, ngân sách địa phương là 10 nghìn tỷ đồng. Việc bố trí ngân sách Trung ương để bảo đảm thực hiện Chương trình này đã khó thì việc địa phương vốn đối ứng để bảo đảm thực hiện càng khó hơn vì đa số các tỉnh thụ hưởng chương trình này đều là tỉnh nghèo, hiện đang hưởng trợ cấp từ ngân sách Trung ương.
Để tránh chính sách ban hành không thực hiện được, dàn trải, lãng phí, không ảnh hưởng đến thực hiện các chương trình khác, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang đề nghị, cần xây dựng lộ trình theo giai đoạn và hằng năm. Đặc biệt, cần xác định những việc làm cụ thể theo hướng chọn một dự án trọng tâm, trọng điểm, những dự án mang tính cấp thiết, đột phá, mang tính dẫn dắt làm trước. Thay vì thực hiện đồng thời cả 10 dự án trong chương trình, giai đoạn đầu chỉ nên tập trung thực hiện một số dự án như: Dự án tập trung giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Dự án ổn định, phát triển dân cư; Dự án phát triển sản xuất, đầu tư hạ tầng, phát triển giáo dục. Có như vậy mới thực hiện nguyên tắc được Nghị quyết 88 của Quốc hội đặt ra: Ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, hiệu lực đầu tư.
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu), qua rà soát các chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện và chương trình mục tiêu quốc gia Chính phủ đang đề xuất giai đoạn 2021 – 2030, có sự trùng lắp về mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung hoạt động và địa bàn thực hiện. 6/10 dự án thành phần có nội dung tương tự đang thực hiện ở 2 chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện, chỉ 4 dự án có nội dung mới. Vì vậy, Chính phủ cần có tổng kết đánh giá kết quả, làm rõ việc tiếp tục thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.
Về thứ tự ưu tiên các dự án thành phần, trong điều kiện cân đối nguồn lực, ngân sách còn nhiều khó khăn, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn nhấn mạnh, nếu đầu tư dàn trải, không tập trung có trọng tâm, trọng điểm thì sẽ khó đạt mục tiêu đề ra.
Vì vậy, Chính phủ cần xây dựng thứ tự ưu tiên thực hiện các dự án giai đoạn đầu và nên tập trung vào các dự án giải quyết được 5 vấn đề cơ bản, mang tính chất nền tảng, như đầu tư mạnh hơn cho giáo dục, đào tạo để tạo cái gốc phát triển con người; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất; đầu tư phát triển vào dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; sắp xếp ổn định dân cư; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và sinh kế cho đồng bào.
Đồng tình quan điểm trên, đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) nhấn mạnh, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có điều kiện khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội chậm phát triển nhất, tiếp cận các dịch vụ cơ bản thấp nhất và tỷ lệ người nghèo cao nhất. Tuy nhiên, trong khi nguồn lực còn hạn hẹp thì cần tập trung vào các dự án trọng điểm, cấp thiết để đầu tư từ những năm đầu giai đoạn. Cùng với đó phải khẩn trương ban hành văn bản pháp luật để thực hiện vì nếu chậm thì dự án khó thành công.
Đại biểu cũng nhấn mạnh sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị cần có sự nghiên cứu toàn diện, nên sản xuất cái xã hội cần, cần thay đổi tư duy, lấy đặc sản thay cho cao sản, lấy trái vụ thay cho chính vụ, lấy thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay cho thuốc bảo vệ thực vật độc hại, phân bón hữu cơ thay cho phân bón vô cơ... và phải có cơ chế đảm bảo sản xuất theo chuỗi giá trị. Sáng tạo do người dân, nếu áp đặt chúng ta sẽ thất bại, do đó để đảm bảo khả thi thì khi xây dựng dự án cần quan tâm vấn đề cốt lõi.
Đại biểu Leo Thị Lịch cũng cho rằng nếu người tổ chức thiếu chặt chẽ, thiếu trách nhiệm thì hiệu quả sẽ kém, không đáp ứng được kỳ vọng của Quốc hội và của người dân./.