Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn: Góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân

Thứ Tư, 10/08/2016 13:58 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trong nhiều năm qua, Chương trình cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) tại tỉnh Nam Định đã giúp trên 151 nghìn hộ được vay vốn để xây dựng, nâng cấp và cải tạo gần 148 nghìn công trình nước sạch và gần 137 nghìn công trình vệ sinh.

Chương trình NS&VSMTNT đang chứng minh hiệu quả trong thực tiễn (Ảnh: P.A)

Theo đó, nhờ có nguồn vốn vay NS&VSMTNT, nhiều hộ dân ở thôn Dịch Diệp, xã Trực Chính, huyện Trực Ninh được sử dụng nước sạch trong sinh hoạt. Nỗi lo từ về nguồn nước sạch đã không còn khi chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Vân, một hộ cận nghèo ở thôn Dịch Diệp, xã Trực Chính huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Bà Vân phấn khởi khoe: “Được vay chương trình này, nhà tôi đã đầu tư đường ống nước sạch, xây bể chứa nước, xây nhà tắm, tách riêng khu truồng trại, chăn nuôi. Nhờ nguồn nước sạch và công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn nên gia đình chúng tôi đã có cuộc sống ổn định hơn; các thành viên trong gia đình đều khỏe mạnh, ít ốm đau”.

Cũng như hộ gia đình bà Vân, hộ bà Vũ Thị Phượng ở cùng thôn cũng được vay vốn chương trình này. Với việc tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này, gia đình bà đã đầu tư đường ống cấp nước sạch vào tận nhà, xây công trình nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt cũng như trong hoạt động sản xuất dệt khăn len thủ công. Trước đây, gia đình bà phải sử dụng nước giếng khoan chưa qua xử lý để dùng trong sinh hoạt, nguồn nước không đảm bảo, công trình vệ sinh dùng trong sinh hoạt thì tạm bợ. Kể từ khi được vay vốn chương trình NS&VSMTNT từ năm 2014, gia đình rất phấn khởi vì không chỉ được sử dụng nước sạch mà bà còn đầu tư cả công trình vệ sinh, xử lý nước thải trong sinh hoạt và trong sản xuất.

Được biết, để giúp người dân được tiếp cận nguồn vốn này, nhiều năm qua, đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa NHCSXH huyện và chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể. Nguồn vốn này được triển khai nhanh chóng từ khâu lập kế hoạch đến khâu cho vay, người dân có nhu cầu về nước sạch và vệ sinh môi trường dễ dàng được tiếp cận để xây mới, cải tạo các công trình này.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trực Chính, bà Đoàn Thị Dịu cho chúng tôi biết: Kể từ khi chương trình này được triển khai, Hội phụ nữ xã đã phối hợp chặt giữa NHCSXH huyện và UBND xã để cho vay đúng các đối tượng hiện đang có nhu cầu về NS&VSMTNT trong xã. Hội đang nhận ủy thác trên 2,5 tỷ đồng từ chương trình cho vay NS&VSMTNT của NHCSXH huyện. Nguồn vốn vay ưu đãi này đã giúp trên 250 hộ vay do Hội quản lý có nước sạch để sử dụng, bên cạnh đó nguồn vốn vay còn khắc phục được tình trạng ô nhiễm ở khu vực nông thôn, nhất là đối với địa bàn xã hiện nay còn nhiều hộ làm nghề dệt truyền thống.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh, Nguyễn Đại Thắng cho biết thêm: Hiện nay, toàn huyện đã có 15/21 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, huyện sẽ phấn đấu đến năm 2017, tất cả các xã sẽ đạt chuẩn nông thôn mới và chương trình cho vay NS&VSMTNT là một trong những tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá này. Đến nay, huyện Trực Ninh đã có hơn 89% hộ dân được sử dụng nước sạch, 465 công trình xử lý nước thải trong chăn nuôi. Chương trình NS&VSMTNT không chỉ hộ nghèo, hộ cận nghèo được thụ hưởng mà mọi người dân có nhu cầu về xây dựng công trình NS&VSMT ở khu vực nông thôn đều có thể được vay vốn. Chương trình đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo môi trường xanh – sạch – đẹp phục vụ đời sống và sinh hoạt cho người dân, góp phần tích cực trong việc xây dựng nông thôn mới.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Nam Định, Phạm Thị Tuyết cho biết trong thời gian qua, từ nguồn vốn của chương trình đã có hơn 151 nghìn hộ được vay vốn để xây dựng và cải tạo gần 148 nghìn công trình nước sạch và gần 137 nghìn công trình vệ sinh. Cùng với nguồn vốn của ngân hàng, nguồn vốn trong cộng đồng dân cư cũng được huy động để xây dựng công trình, góp phần khơi dậy phong trào tự bỏ vốn ra xây dựng các công trình nước sạch và công trình vệ sinh, thúc đẩy xã hội hóa thực hiện mục tiêu quốc gia về NS&VSMTNT. Chương trình NS& VSMTNT đã góp phần không nhỏ vào việc cải thiện môi trường nông thôn, nâng cao cuộc sống, sức khỏe, sinh hoạt của người dân.

Nguyên Phan

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN