Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chợ Trời Hà Nội: “Ơn giời, cậu đây rồi!”...

Thứ Sáu, 04/03/2016 10:25 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Mất cắp phụ tùng, linh kiện ô tô, xe máy, có những mặt hàng trị giá đến hàng chục triệu đồng, thế nhưng, thay vì đi tới hãng xe để thay, nhiều người dân lại tìm tới khu vực chợ Trời với hy vọng tìm lại được đồ đã mất. Đây là một thực trạng rất đáng suy ngẫm đang diễn ra ở khu chợ Trời nhiều năm tuổi tại Hà Nội.


Siết chặt quản lý ở chợ Trời là việc cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự

 và tránh những bức xúc của người dân. (Ảnh: VH)

“Ơn giời, cậu đây rồi! Tôi đã vui mừng thốt lên như vậy khi tìm thấy chiếc biển số xe của bạn mình” - Đây là lời chia sẻ của chị Đoàn Mai Hương ở quận Đống Đa, Hà Nội về câu chuyện của mình. Chị Hương cho biết, cách đây một thời gian, chị tiếp một số người bạn đến chơi tại gia đình, khi bạn ra về, chị Hương mới tá hỏa nhận ra biển số xe máy của chị bạn đã không cánh mà bay mất. Ái ngại vì bạn đến chơi nhà lại bị mất cắp, kèm theo nhận được lời khuyên từ một số người hàng xóm, chị Hương cùng chồng đã đến khu vực chợ Trời với hy vọng tìm lại được chiếc biển số xe của chị bạn. Tại một cửa hàng bán phụ tùng xe máy cũ trên phố Thịnh Yên, khi biết vợ chồng chị đang đi tìm chiếc biển số xe máy, bà chủ cửa hàng đã gọi điện thoại cho một người nào đó. Chỉ ít phút sau, một người đàn ông từ trong chợ đi tới, sau khi hỏi han về biển số xe và khu vực bị mất, ông này cho biết  sẽ tìm ra chiếc biển số trong ngày. Và chỉ chưa đầy 1 giờ sau, điện thoại của chị Hương đã đổ chuông, bên kia đầu dây người đàn ông thông báo đã tìm  được biển số xe với giá 700 ngàn đồng. Dù tiếc số tiền lớn, nhưng nể bạn, chị Hương đã trả tiền cho người đàn ông để nhận lại biển số xe.

Câu chuyện của chị Hương có lẽ không hề lạ lẫm đối với nhiều người dân sống tại Hà Nội. Từ khá lâu, người dân tại Hà Nội đã biết tới khu vực chợ Trời như một nơi có thể mua hoặc bán những mặt hàng “đặc biệt”. Sở dĩ nó đặc biệt bởi vì người ta có thể tìm thấy tại đây từ cái đinh, con ốc vít cho đến những món đồ độc, đồ khó tìm, và đặc biệt là... đồ của chính bản thân mình vừa bị mất cắp.

Theo tài liệu cũ, chợ Trời (Hà Nội) được hình thành vào khoảng những năm 1954, 1955, nhằm phục vụ nhu cầu của một số người dân tản cư vào miền Nam cần phải bán tài sản đã qua sử dụng của gia đình. Vào khoảng thời kỳ bao cấp, chợ Trời còn được gọi theo tên gọi khác là chợ Giời, bởi thời đó nếu muốn mua hàng hóa tem phiếu thì người ta vào cửa hàng mậu dịch, nhưng khi mua bán các mặt hàng trôi nổi, hàng cũ, người ta thường ra vỉa hè chợ, khu vực không có mái che, ngoài trời, từ đó cũng hình thành tên gọi là chợ Giời. Chợ Trời hiện nay nằm ở đoạn cuối của phố Huế và một phần các phố Đồng Nhân, Trần Cao Vân, Chùa Vua, Thịnh Yên, Yên Bái 2, liên thông cả sang phần nhỏ khu chung cư Nguyễn Công Trứ và một số ngõ nhỏ hình thành nên.

Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, khu vực chợ Trời trở thành tâm điểm của dư luận sau khi dấy lên thông tin phản ánh về tệ nạn tiêu thụ hàng mất cắp, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đặc biệt là các loại phụ tùng ô tô, xe máy. Nhiều chủ xe cho biết mình đã phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua lại chính thứ đồ mà bản thân mới mất cắp tại đây.

Trong một cuộc họp của UBND Thành phố Hà Nội diễn ra trung tuần tháng 2/2016, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết sẽ kiên quyết dẹp bỏ việc bán hàng cũ, hàng không có nguồn gốc, xuất xứ tại chợ Trời. Thành phố đã chỉ đạo UBND và Công an quận Hai Bà Trưng trước mắt rà soát, xác định đích danh các hộ kinh doanh, đồng thời ký cam kết không bán hàng cũ không rõ nguồn gốc.

Nói về vấn đề này, anh Nguyễn Tiến Doanh - một nạn nhân của vụ bị trộm cắp gương xe ô tô bức xúc: Chỉ trong vòng vài giờ là tôi tìm lại được chính chiếc gương xe của tôi vừa mất lúc trước. Mặc dù rất bực bội nhưng vẫn phải bấm bụng bỏ tiền mua lại. Như vậy là mình tiếp tay cho bọn kẻ cắp, bởi phải có người mua thì mới có kẻ bán!.

Trong tháng 1/2016, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận Hai Bà Trưng đã kiểm tra hơn 20 cửa hàng kinh doanh phụ tùng ô tô. Lực lượng chức năng đã thu giữ gần 1.000 sản phẩm phụ tùng ô tô các loại như vòng bi, cần gạt nước, logo, logo ốp bánh, lazăng, gương xe đã qua sử dụng... Nguồn gốc của số tang vật trên nhiều khả năng được tuồn vào từ các đường dây trộm cắp từ các nơi trên toàn quốc chứ không riêng chỉ ở Hà Nội.

Theo Đại tá Nguyễn Thành Tín - Phó trưởng Công an quận Hai Bà trưng, lực lượng Công an quận đang phối hợp cùng đội Quản lý thị trường tìm ra những biện pháp quản lý tại địa bàn khu vực chợ sao cho hữu hiệu nhất; các biện pháp đưa ra phải hài hòa, không ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh của các hộ dân tại đây nhưng vẫn đạt hiệu quả về răn đe. "Siết chặt quản lý kinh doanh ở chợ Trời là việc phải làm để bảo đảm an ninh trật tự và tránh những bức xúc của người dân. Khi có phương án giải quyết cụ thể chúng tôi sẽ công bố rộng rãi” - ông Tín khẳng định.

Nhiều người dân Hà Thành vẫn yêu quý và muốn giữ lại khu chợ Trời. Anh Nguyễn Tấn Thành, quận Ba Đình, Hà Nội - một người đam mê với các dòng xe máy cổ cho biết: Những ngày nghỉ, tôi thường xuyên lên khu vực chợ để tìm cho mình những linh kiện còn thiếu của chiếc xe máy cổ đang lắp ráp, hầu như chỉ ở đây tôi mới tìm thấy những phụ tùng này. Có những phụ tùng có tuổi đời từ những năm 70, rất hiếm. Theo tôi, chợ Trời là một khu chợ có từ lâu đời tại Hà Nội, là một nét đẹp của Thủ đô từ nhiều năm, không nên dẹp bỏ.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, cùng với nhận thức đúng đắn về việc bài trừ, không tiếp tay cho kẻ gian, hy vọng, trong thời gian tới, chợ Trời Hà Nội sẽ có một môi trường kinh doanh lành mạnh, trong sạch, qua đó cũng giúp kéo giảm các tệ nạn về trộm cắp trên địa bàn thủ đô và các tỉnh lân cận./.

Vũ Hoàng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN