Cho trẻ bú sữa mẹ để chấm dứt tình trạng suy dinh dưỡng
(ĐCSVN) – Ngày 2/8, vào Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ, hai người đứng đầu cơ quan Liên hợp quốc đã kêu gọi các Chính phủ ưu tiên môi trường thân thiện với việc nuôi con bằng sữa mẹ, phù hợp với các cam kết đã đưa ra hồi đầu năm nhằm đẩy nhanh tiến độ toàn cầu về suy dinh dưỡng.
Cho trẻ bú sữa mẹ để chấm dứt tình trạng suy dinh dưỡng. (Ảnh minh họa: Khánh Linh) |
Giám đốc Điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Henrietta Fiore và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Nuôi con bằng sữa mẹ là điều cần thiết để thực hiện cam kết này”.
Bà Fiore và ông Tedros một lần nữa nhắc lại rằng các Chính phủ, các nhà tài trợ, xã hội dân sự và khu vực tư nhân đã cùng nhau khởi động Năm Hành động dinh dưỡng cho tăng trưởng, đồng thời đánh giá đây là một cơ hội lịch sử để biến đổi cách thế giới có thể thực hiện cam kết toàn cầu nhằm chấm dứt tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em.
Theo quan chức cấp cao của UNICEF và WHO, bắt đầu cho trẻ bú mẹ trong vòng một giờ sau khi sinh, sau đó là bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng và tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 2 năm hoặc hơn, “là một tuyến phòng thủ mạnh mẽ chống lại tất cả các dạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, bao gồm cả suy dinh dưỡng và béo phì”. “Việc cho con bú cũng đóng vai trò như vaccine đầu tiên của trẻ sơ sinh, bảo vệ chúng chống lại nhiều bệnh thông thường ở thời thơ ấu” – Giám đốc UNICEF và WHO nói thêm.
Tuy nhiên, theo các quan chức cấp cao của Liên hợp quốc, mặc dù tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn đã tăng 50% trên toàn cầu trong 4 thập kỷ qua, cùng với những tiến bộ liên quan khác, song đại dịch COVID-19 đã khiến cho những tiến bộ này trở nên mong manh. Ở nhiều quốc gia, cuộc khủng hoảng do COVID-19 đã gây ra sự gián đoạn đáng kể trong các dịch vụ hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ, đồng thời làm tăng nguy cơ mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng.
Bà Fiore và ông Tedros lập luận: Tại một số quốc gia, các nhà sản xuất thức ăn trẻ em đã làm tăng thêm những rủi ro này bằng cách viện dẫn những lo ngại vô căn cứ rằng việc cho con bú sữa mẹ có thể lây truyền COVID-19 và bằng cách tiếp thị sản phẩm của họ như một giải pháp thay thế an toàn hơn cho việc cho con bú sữa mẹ.
Tuyên bố của UNICEF và WHO nhấn mạnh rằng Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ, kéo dài đến ngày 7/8, là cơ hội để thực hiện các cam kết đã đưa ra từ đầu năm bằng cách ưu tiên các môi trường hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ cho bà mẹ và trẻ sơ sinh. Điều này bao gồm việc đảm bảo thực hiện đầy đủ Quy tắc tiếp thị sản phẩm thay thế sữa mẹ, vốn được thiết lập để bảo vệ các bà mẹ khỏi các hoạt động tiếp thị của ngành công nghiệp thực phẩm trẻ em. Các chuyên gia y tế cũng nên có các nguồn lực và thông tin để giúp các bà mẹ cho con bú.
Trong khi đó, người sử dụng lao động phải cho phép phụ nữ có thời gian và không gian để cho con bú sữa mẹ, bao gồm cả thời gian nghỉ hưởng lương của cha mẹ với thời gian nghỉ thai sản dài hơn, những nơi an toàn để cho con bú tại nơi làm việc, tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc trẻ em có chất lượng và giá cả phải chăng, cũng như các khoản giảm trừ gia cảnh phổ thông và tiền lương tương xứng.
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về Hệ thống lương thực của Liên hợp quốc, sẽ được tổ chức tại New York vào tháng 9 tới đây, cũng như Hội nghị thượng đỉnh về dinh dưỡng cho tăng trưởng, sẽ diễn ra ở Tokyo 2 tháng sau đó, các quan chức Liên hợp quốc cuối cùng đã kêu gọi các khoản đầu tư và các cam kết để giải quyết cuộc khủng hoảng suy dinh dưỡng toàn cầu. Bảo vệ, thúc đẩy và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ thông qua các chính sách, chương trình và hành động mạnh mẽ hơn là một phần của nỗ lực này.
Bà Fiore và ông Tedros cho biết: “Bây giờ không phải là lúc để hạ thấp tham vọng của chúng ta, mà là lúc để hướng tới mục tiêu cao. Chúng ta cùng cam kết thực hiện Năm Hành động dinh dưỡng cho tăng trưởng thành công bằng cách đảm bảo rằng quyền được hưởng thực phẩm bổ dưỡng, an toàn, giá cả phải chăng và dinh dưỡng đầy đủ của mọi trẻ em được thực hiện ngay từ khi bắt đầu cuộc đời, bắt đầu từ việc nuôi con bằng sữa mẹ".
Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ được diễn ra từ ngày 1 - 7/8 hàng năm, bắt đầu từ năm 1992 đến nay tại 120 nước với sự tham gia tích cực của các cá nhân, tổ chức và chính phủ trong đó có Việt Nam. |