Chính sách giáo dục vùng dân tộc thiểu số góp phần nâng cao mặt bằng dân trí
(ĐCSVN) – Các chính sách dân tộc sau khi triển khai thực hiện tại các trường học ở Sóc Trăng đã góp phần chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân vùng đồng bào dân tộc, đặc biệt lĩnh vực giáo dục và đào tạo có bước chuyển biến tích cực đối với việc đưa trẻ ra lớp. Đây là điều kiện góp phần nâng cao mặt bằng dân trí trong cộng đồng nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.
Ngày 25/11, Đoàn khảo sát do bà Trần Thị Hoa Ry, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng về tình hình triển khai, kết quả thực hiện một số chính sách giáo dục, đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
Công tác giáo dục dân tộc luôn được Sóc Trăng quan tâm và triển khai hiệu quả |
Báo cáo với đoàn khảo sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết, các chính sách dân tộc sau khi triển khai thực hiện tại các trường học đã góp phần tích cực trong nhận thức của người dân vùng đồng bào dân tộc, đặc biệt lĩnh vực giáo dục và đào tạo có bước chuyển biến tích cực đối với việc đưa trẻ ra lớp. Đây là điều kiện góp phần nâng cao mặt bằng dân trí trong cộng đồng nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.
Thực hiện Quyết định số 1299/QĐ-TTG, ngày 3/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” tại các trường tiểu học vùng dân tộc thiểu số, UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các sở, ban ngành có liên quan tuyên truyền đến cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong trường học. Từ đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành vi tuân thủ pháp luật của học sinh, sự chuyển biến trong ứng xử của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh học sinh nhà trường.
Bên cạnh đó, tính đến năm 2022, thì 100% các trường tiểu học vùng dân tộc đều được tổ chức dạy tiếng dân tộc theo đúng tinh thần Nghị định số 82/NĐ-CP và được đánh giá đúng theo tinh thần hướng dẫn Thông tư số 30, Thông tư số 22 và Thông tư số 27. Tất cả học sinh dân tộc thiểu số được tăng cường tiếng Việt lớp 1, lớp 2, lớp 3; được bố trí, sắp xếp thời khóa biểu hợp lí không ảnh hưởng đến các giờ chính khóa... Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có 10 trường phổ thông dân tộc nội trú dành riêng cho con em đồng bào dân tộc thiểu số với 102 lớp, trên 3.400 học sinh; 134 trường học các cấp tổ chức dạy song ngữ Việt - Khmer (đạt 100% số trường ở vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số có dạy song ngữ) với 1.625 lớp, trên 44.500 học sinh; một trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ với 93 vị tăng sinh đang tu học; 4 trường phổ thông dạy song ngữ Việt - Hoa với 51 lớp, trên 1.600 học sinh.
Theo lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, công tác đầu tư cho giáo dục, đào tạo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được tỉnh quan tâm. Quy mô, mạng lưới giáo dục các cấp học vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là đồng bào Khmer tiếp tục được củng cố, đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào. Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được quan tâm đầu tư và mang lại hiệu quả cao trong dạy và học. Tỉnh chú trọng việc thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp dạy và học, tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry đánh giá cao những kết quả tỉnh Sóc Trăng đạt được trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đợt khảo sát nhằm đánh giá một cách khách quan tình hình triển khai, tổ chức thực hiện chính sách giáo dục, đào tạo đối với học sinh dân tộc thiểu số; làm rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, các cơ sở giáo dục trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chính sách giáo dục, đào tạo./.