Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chính sách bảo hiểm xã hội là trụ cột chính của an sinh xã hội

Thứ Sáu, 04/05/2018 21:58 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trong những năm qua, chính sách bảo hiểm xã hội của Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện, hướng tới mở rộng phạm vi bao phủ, tạo cơ hội cho mọi người dân trong việc tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Trong hệ thống an sinh xã hội thì hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) giữ vai trò trụ cột, bền vững nhất. Phát triển BHXH sẽ là tiền đề và điều kiện để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 – 2020 cũng đã chỉ rõ: “Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội; Mở rộng và hoàn thiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế có bước đi, lộ trình phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế phải theo nguyên tắc có đóng, có hưởng, quyền lợi tương ứng với nghĩa vụ, có sự chia sẻ giữa các thành viên, bảo đảm công bằng và bền vững của hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; Thực hiện tốt các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và của mỗi người dân”.

Người dân làm thủ tục khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT. (Ảnh: Đỗ Thoa)

Nghị quyết cũng đặt ra mục tiêu là: Thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện; thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Sử dụng an toàn và bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn; quản lý, sử dụng có hiệu quả và bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm y tế. Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Như vậy, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định và nâng tầm chính sách BHXH, BHYT trở thành những trụ cột chính sách của hệ thống an sinh xã hội quốc gia.

Có thể nói rằng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) giữ vai trò trụ cột, bền vững trong hệ thống an sinh xã hội, dựa trên những nguyên tắc sau:

Một là, người lao động khi có việc làm và khỏe mạnh sẽ đóng góp một phần tiền lương, thu nhập để hỗ trợ bản thân hoặc người khác khi ốm đau, tai nạn, lúc sinh đẻ và chăm sóc con cái, lúc tuổi già để duy trì và ổn định cuộc sống của bản thân và gia đình. Cho nên, hoạt động BHXH, BHTN, BHYT một mặt đòi hỏi tính trách nhiệm cao của từng người lao động đối với bản thân mình, với gia đình và cộng đồng, xã hội theo phương châm “mình vì mọi người, mọi người vì mình” thông qua quyền và nghĩa vụ, mặt khác nó thể hiện sự gắn kết trách nhiệm giữa các thành viên trong xã hội, tạo thành một khối đoàn kết thống nhất về quyền lợi trong một thể chế chính trị - xã hội bền vững. Thông qua đó người sử dụng lao động cũng có trách nhiệm đóng góp BHXH, BHTN, BHYT cho người lao động, góp phần trách nhiệm bảo vệ người lao động khi gặp phải rủi ro.

Hai là, thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT đảm bảo sự bình đẳng về vị trí xã hội của người lao động trong các thành phần kinh tế khác nhau, thúc đẩy sản xuất phát triển. Xóa bỏ nhận thức trước đây cho rằng chỉ có làm việc trong khu vực nhà nước, là công nhân viên chức nhà nước mới được gọi là có việc làm và được hưởng các chính sách BHXH, BHTN, BHYT.

Ba là, thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT nhằm ổn định cuộc sống người lao động, trợ giúp người lao động khi gặp rủi ro. Người lao động tham gia BHXH, BHTN, BHYT khi ốm đau sẽ được khám chữa bệnh và được quỹ BHYT chi trả chi phí và được trợ cấp ốm đau, được nghỉ chăm con khi con ốm; khi thai sản được nghỉ khám thai, được nghỉ sinh đẻ và nuôi con, được nhận trợ cấp khi sinh con và trợ cấp thai sản;  khi bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp sẽ nhận được phần trợ cấp do giảm khả năng lao động do tai nạn, bệnh nghề nghiệp gây ra; được nghỉ dưỡng sức và phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau, sinh đẻ hay điều trị thương tật; được hưởng trợ cấp thất nghiệp và được giới thiệu việc làm hoặc được học nghề để có cơ hội tìm kiếm việc làm mới. Với tâm lý của mọi người, luôn tin tưởng vào các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, vì vậy khi làm việc được tham gia BHXH, BHTN, BHYT và nhất là sau này sẽ được hưởng lương hưu đã tạo sự phấn khởi, tâm lý ổn định, an tâm làm việc. Và thực tế nhiều doanh nghiệp, khi tuyển dụng lao động, thì tiêu thức được tham gia BHXH, BHTN, BHYT cũng là một quyền lợi quan trọng để thu hút được nhiều lao động.

Bốn là, BHXH, BHTN, BHYT là một công cụ đắc lực của Nhà nước, góp phần vào việc phân phối lại thu nhập một cách công bằng, hợp lý giữa các tầng lớp dân cư, đồng thời giảm chi cho ngân sách Nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội bền vững.

Năm là, quyền lợi của các chế độ BHXH, BHTN, BHYT không ngừng được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện và mức sống chung toàn xã hội tại từng thời điểm, đảm bảo cuộc sống của người tham gia BHXH, BHTN, BHYT và đặc biệt là người hưởng lương hưu sau cả cuộc đời lao động cực nhọc.

Có thể nói, trong những năm qua, với sự vào cuộc của hệ thống chính trị, việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT đã thu được những kết quả quan trọng. Số lượng các đối tượng tham gia BHXH, BHYT đã tăng dần qua từng năm.

Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, ước đến 30/4/2018, số người tham gia: BHXH bắt buộc là 13,75 triệu người; BHXH tự nguyện là 240 nghìn người; bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 11,6 triệu người; BHYT là 80,8 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 86,1% dân số cả nước.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tế triển khai chính sách bảo hiểm xã hội vẫn còn những hạn chế như: người lao động ở khu vực phi chính thức tham gia BHXH còn thấp; quỹ bảo hiểm xã hội vẫn tiềm ẩn nguy cơ về mất cân đối trong trung và dài hạn; các chế độ bảo hiểm xã hội còn chưa đa dạng, linh hoạt nên thiếu hấp dẫn; hồ sơ, thủ tục hành chính còn chưa thực sự thuận lợi cho doanh nghiệp, người lao động…

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém, ngành Bảo hiểm xã hội cần tập trung tiếp tục đẩy mạnh cải cách chính sách bảo hiểm xã hội như một công cụ quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội và phát triển bền vững của Đảng và Nhà nước. Bởi hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội là một trong những giải pháp quan trọng để tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam đến năm 2030; gắn kết tăng trưởng kinh tế với bảo đảm phát triển bền vững, tiến bộ và công bằng xã hội; tập trung đổi mới mô hình, xây dựng hệ thống hiện đại, đa tầng, đa dạng các hình thức chế độ, linh hoạt trong thiết kế, chuyên nghiệp trong vận hành gắn với nâng cao chất lượng bảo đảm an sinh xã hội./.

Đỗ Thoa

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN