Chỉ xử lý nghiêm là chưa đủ
(ĐCSVN) - Thời gian gần đây, liên tiếp những vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến xe chở hàng cồng kềnh đã gióng lên hồi chuông báo động về công tác kiểm tra, kiểm soát các loại phương tiện này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy để xử lý dứt điểm tình trạng trên là việc không hề đơn giản.
Mặc dù xử lý nghiêm, tuy nhiên tình trạng vi phạm trong việc chở hàng cồng kềnh
của người dân vẫn diễn ra trong thời gian qua.
Biết sai nhưng vẫn cố làm
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an TP Hà Nội, từ 27/9 - 20/10, lực lượng CSGT các quận, huyện đã tiến hành kiểm tra, xử lý gần 4.000 trường hợp người điều khiển xe ô tô, mô tô, xe thô sơ, xe xích lô, xe ba bánh tự chế giả danh thương binh chở hàng cồng kềnh khi tham gia giao thông. Trong đó, khoảng 2/3 trong tổng số vi phạm bị xử lý tập trung trong khu vực nội thành. Thế nhưng hiện nay trên nhiều tuyến đường, tình trạng này vẫn diễn ra khá phổ biến.
Cụ thể, ngày 20/10, nhóm phóng viên chúng tôi cùng tổ công tác của Đội CSGT số 8, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội làm nhiệm vụ trên phố Nguộn, huyện Thường Tín. Chỉ trong vòng 30 phút đã có gần 10 trường hợp vi phạm bị xử lý. Điều đáng nói là trước đó, từ ngày 27/9 - 19/10, chỉ riêng Đội CSGT số 8 đã xử lý hơn 300 trường hợp vi phạm, tịch thu 22 phương tiện, phạt tiền gần 100 triệu đồng nhưng vi phạm vẫn diễn ra khá phổ biến...
Anh Tưởng Văn Tuấn (Hữu Hòa, Thanh Trì), người có ba gác chở gần 10 bao tải rau từ Phú Xuyên về Thanh Trì bị lực lượng CSGT kiểm tra, xử lý cho biết, dù biết hành vi của mình là sai, gây nguy hiểm cho người tham giao thông. Nhưng... không làm thì không biết làm gì để nuôi gia đình (!?).
Đồng quan điểm với anh Tuấn, anh Nguyễn Ngọc Luân, một người điều khiển xe máy kéo theo xe bò chở gần 10 tấm tôn dài hơn 10m cho biết, mỗi chuyến chở hàng tiền công chỉ vài chục ngàn, khi bị phạt, tiền nộp phạt lên đến vài trăm nghìn, làm vài ngày chưa chắc đủ tiền nộp phạt…, nhưng không làm thì cũng chưa biết làm gì để nuôi gia đình. Thôi thì đành phải vừa chạy vừa ngó, né các lực lượng chức năng… được chuyến nào hay chuyến đó!
Anh Nguyễn Ngọc Luân, người chở theo chiếc xe kéo với những tấm tôn dài gần 10 mét.
Chỉ xử lý nghiêm là chưa đủ
Trao đổi với phóng viên, Trung tá Bùi Ngọc Anh – Đội phó Đội CSGT số 8 chia sẻ, mặc dù các lực lượng chức năng vẫn thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng hiệu quả đem lại chưa cao. Theo lý giải của Trung tá Bùi Ngọc Anh, phần lớn các phương tiện được sử dụng để chở hàng cồng kềnh là xe đã cũ nát, giá trị chỉ vài trăm nghìn đến 1 triệu đồng. Bên cạnh đó, mức xử phạt cho hành vi mang vác, kéo, chở hàng cồng kềnh còn quá thấp (300.000 đồng - PV), trên địa bàn tập trung nhiều làng nghề, nhu cầu vận chuyển lớn, nên dù có tịch thu phương tiện thì chỉ cần 1 - 2 ngày làm việc, người vi phạm có thể mua một chiếc xe khác để tiếp tục hoạt động.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài những yếu tố kể trên, nguyên nhân khiến tình trạng chở hàng cồng kềnh còn tồn tại một phần chính là sự cơ động của các loại phương tiện này. Bởi, với chi phí thấp, phù hợp với nhiều loại mặt hàng, có khả năng luồn lách vào các ngõ, ngách… đã khiến các loại phương tiện trên trở thành lựa chọn số 1 trong việc vận chuyển hàng hóa khối lượng nhỏ.
Đơn cử như trường hợp vi phạm của lái xe Nguyễn Ngọc Luân, nếu không sử dụng xe máy để kéo theo những tấm tôn dài hơn 10m thì các đại lý, chủ hàng cũng không biết cách nào để đưa những sản phẩm trên đến tay người tiêu dùng. Trao đổi với phóng viên, một chủ cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng tại thị trấn Thường Tín cho biết, thuê ô tô thì quá đắt, do đó, để giảm chi phí phát sinh, việc sử dụng xe ba bánh, xe thô sơ, mang vác, kéo vật cồng kềnh… dường như là điều bắt buộc (?).
Thực tế cho thấy, việc các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp chở hàng cồng kềnh là điều rất cần thiết để lập lại trật tự ATGT. Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào việc kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng để giải quyết triệt để tình trạng trên là điều không hề đơn giản. Bởi các loại phương tiện này đang phổ biến và hoạt động vô cùng linh hoạt, bất kể ngày đêm. Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu đề xuất để có loại phương tiện vận chuyển phù hợp, vừa đảm bảo mưu sinh và không gây nguy hiểm cho xã hội, góp phần giảm bớt những tai nạn giao thông đáng tiếc./.