Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

ChatGPT với báo chí truyền thông – cơ hội và thách thức

Thứ Tư, 01/03/2023 22:16 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Các nhà báo đến từ các cơ quan báo chí khác nhau cùng các chuyên gia về truyền thông và công nghệ đã thảo luận về ChatGPT, ứng dụng của công cụ này và thách thức, cơ hội đối với người làm báo trong thời kỷ nguyên số.

Hội thảo "ChatGPT với báo chí truyền thông – cơ hội và thách thức” diễn ra chiều 1/3 tại Tuyên Quang (Ảnh: Nguyễn Việt) 

Chiều 1/3, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp cùng Báo Tuyên Quang tổ chức Hội thảo "ChatGPT với báo chí truyền thông – cơ hội và thách thức”.

Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Trương Văn Chuyển, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Cần Thơ, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Cần Thơ; PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam; Thạc sỹ Mai Đức Thông, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Tuyên Quang.

Hội thảo nhằm giúp những người làm báo của các cơ quan báo chí tại tỉnh Tuyên Quang nói riêng và những người làm báo cả nước nói chung nhận diện rõ những cơ hội và thách thức khi ứng dụng ChatGPT trong công việc làm báo.

Trong thời đại số hóa hiện nay, truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền tải thông tin đến công chúng. Cùng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, các hệ thống chatbox, ChatGPT đang ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, việc ứng dụng ChatGPT đang đặt ra nhiều thách thức và cơ hội nhất là đối với các nhà báo và các nhà quản lý báo chí.

Ông Vũ Thế Cường, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ: ChatGPT là ứng dụng phát triển nhanh nhất trong lịch sử. Chỉ trong 2 tháng đã có 100 triệu người dùng; 28 triệu người dùng trong một ngày. Hiện ứng dụng này mới ở cấp độ 3.5; phiên bản 4.0 ra đời, dự kiến với 100.000 tỷ tham số thì tốc độ xử lý dữ liệu sẽ nhanh chóng khủng khiếp.

Không phủ nhận vai trò của ChatGPT, PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng chia sẻ quan điểm, ChatGPT vừa mang lại thách thức, vừa là cơ hội. Ông cho rằng, ChatGPT hoạt động dựa trên cơ sở dữ liệu. Trong khi đó, nhà báo là người tạo ra dữ liệu. Tuy nhiên, những dữ liệu gốc sống động hàng ngày xảy ra trong cuộc sống thực mà nhà báo chứng kiến tận mắt, đến tận nơi… thì ChatGPT không thể làm thay được. Với kinh nghiệm 30 năm làm báo, TS.Nguyễn Ngọc Oanh nhận định: “ChatGPT không thể thay thế vai trò của nhà báo trong tương lai”.

Nhà báo Vũ Hà, Trưởng ban Công tác Hội, Hội Nhà báo Việt Nam cũng cùng chung quan điểm. Ông cho rằng, sản phẩm báo chí làm ra phải xuất phát từ kỹ năng, cảm xúc của con người, nhất là những tác phẩm phân tích, mang tính điều tra.

Tại hội thảo, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong báo chí là công cụ tốt, sử dụng tính ưu việt của ChatGPT và ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phục vụ trong hoạt động nghiệp vụ như tóm tắt nội dung văn bản và tài liệu lớn, tạo nội dung với chủ đề mà người dùng không quen hoặc đang tìm kiếm ở góc nhìn mới; gợi ý chủ đề, đề tài phù hợp hoặc xác định nhiều hướng dư luận xã hội và nhu cầu công chúng, tìm kiếm câu trích dẫn từ một nhân vật nào đó; dịch thuật nội dung từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác; gợi ý kịch bản, nhân vật phỏng vấn…

Tuy nhiên, ChatGPT cũng tiềm ẩn nguy cơ về thông tin sai lệch, xuyên tạc, tin giả, thách thức lớn từ góc nhìn an ninh truyền thông. Do đó, để làm chủ được ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo khác, mỗi nhà báo cần phải trau dồi năng lực, phẩm chất, học hỏi để làm chủ công nghệ chứ không để công nghệ dẫn dắt và làm chủ./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN