Chăn thả vật nuôi gây tai nạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
(ĐCSVN) – Vật nuôi thả rông chạy ngoài đường gây ra tai nạn giao thông, chó không rọ mõm cắn người qua lại là nỗi lo của rất nhiều người. Mặc dù đã có những chế tài được đưa ra nhằm hạn chế những sự việc trên, tuy nhiên, việc thực hiện vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới tai nạn giao thông...
Gần đây nhất phải kể tới vụ tai nạn giao thông tại Sóc Trăng do đâm phải chó chạy ngang đường dẫn tới tử vong. Theo Công an huyện Châu Thành (Sóc Trăng), thanh niên thiệt mạng là anh Phạm Thanh G (25 tuổi, ngụ thị xã Ngã Năm. Theo đó, vụ tai nạn xảy ra tối ngày 21/5/2017, khi anh G chở anh T bằng xe máy từ hướng Hậu Giang về Sóc Trăng. Đến ấp Cống Đôi, anh G tông phải một con chó chạy ngang qua quốc lộ và ngã ra đường. Ngay sau đó, anh G bị một chiếc xe ô tô giường nằm chạy cùng chiều va vào khiến anh này tử vong.
Tương tự, một trường hợp khác: Sáng 6/2/2017, 2 xe ô tô, gồm 1 xe cứu thương và 1 ôtô 7 chỗ chạy hai làn song song trên cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương. Đến đoạn Km 15+500 (huyện Bến Lức, Long An), do phát hiện một con chó chạy ngang qua đường, nên cả hai tài xế cùng đánh lái để tránh con chó dẫn tới 2 chiếc xe cùng va vào nhau. Cùng lúc đó, 1 chiếc ôtô du lịch 16 chỗ chạy sau không xử lý kịp đã tông thẳng vào hai xe phía trước, khiến ba phương tiện dính chùm vào nhau. Theo các tài xế, nguyên nhân của vụ việc trên là do phanh khẩn cấp và đánh lái tránh chú chó chạy ngang đường...
Nói về vụ tai nạn do đâm phải chó chạy ngang qua đường, anh Nguyên Văn Long (Hà Nội) bàng hoàng kể lại: “Lúc đó khoảng hơn 22h, đường vắng nên tôi điều khiển xe máy đi với tốc độ khá cao. Khi tới khu vực phố Yên Phụ thì bất ngờ từ trong khoảng tối bên đường, 1 con chó chạy vụt ra. Lúc đó khoảng cách giữa xe máy và con chó còn rất ngắn. Theo phản xạ, tôi phanh khẩn cấp nhưng vẫn đâm vào phần phía sau của con chó. Tôi chỉ kịp nhớ người mình va mạnh xuống đường và bất tỉnh. Đến bây giờ nhớ lại tai nạn, tôi vẫn còn rất sợ. May lúc đó tôi không chở theo vợ con đi cùng, chứ không thì hậu quả thật khó lường..."
Chế tài có, thực hiện vẫn chưa đạt được kết quả
Theo thống kê của Cục Thú y, hiện trên cả nước có tới khoảng gần 8 triệu chó nuôi và gần 4 triệu hộ nuôi chó. Thống kê cho thấy, bình quân mỗi năm có khoảng 70 người bị bệnh dại và khoảng 400.000 người bị chó cắn. Số tiền chi phí cho những thiệt hại này lên tới 800 tỷ đồng mỗi năm. Chỉ tính riêng trong năm 2016, có tới 91 người tử vong vì bệnh dại và hơn 400.000 người bị chó cắn.
Để xử lý những vi phạm của người nuôi, thả vật nuôi, pháp luật đã có những chế tài xử phạt nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại không đáng có cho người tham gia giao thông và người đi đường.
Tính từ năm 2009 cho tới nay đã có 2 quy định về việc tiêu hủy chó thả rông, tuy nhiên, việc thực hiện tại 2 thành phố lớn là Hà Nôi và thành phố Hồ Chí Minh vẫn đạt được kết quả như mong muốn. Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng. Chủ vật nuôi phải bồi thường tổn thất về sức khỏe, tinh thần, vật chất do vật nuôi của mình gây ra tai nạn hoặc bị cắn cho người bị hại.
Không chỉ riêng chó thả rông ở các khu vực thành thị gây ra tai nạn giao thông, tại một số vùng nông thôn, việc chăn thả vật nuôi gia súc, gia cầm bò, dê... cũng là một nguyên nhân dẫn tới các vụ việc đáng tiếc. Tại một số văn bản pháp luật liên quan khác như Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cũng đề cập tới các chế tài xử phạt hành chính đối với chủ vật nuôi không chấp hành các quy định về an toàn cho người tham gia giao thông.
Tại điểm b, khoản 2, Điều 10 của Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định: Các hành vi điều khiển, dẫn dắt súc vật đi không đúng phần đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi vào phần đường của xe cơ giới; để súc vật đi trên đường bộ không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông thì bị phạt tiền từ 60.000 đến 80.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm. Trường hợp chủ sở hữu thả gia súc hoặc dẫn dắt súc vật đi trên đường không thực hiện đúng quy định nêu trên mà không may gây tai nạn cho người tham gia giao thông dẫn đến chết người thì họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vô ý làm chết người” được quy định tại Điều 98 Bộ luật Hình sự. Đồng thời, người dẫn dắt súc vật phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự theo quy định của pháp luật về trách nhiệm dân sự được xử lý theo Điều 606 Bộ luật Dân sự 2015.
Mặc dù cho đến nay, chưa có thống kê nào về các vụ tai nạn giao thông do vật nuôi như: Trâu bò, chó... thả rông gây ra, tuy nhiên trên thực tế, có thể thấy rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng có nguyên nhân bắt nguồn từ việc người điều khiển phương tiện va chạm với vật nuôi thả chạy ngang qua đường gây ra.
Mới đây, ngày 15/9/2017, Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y chính thức có hiệu lực. Theo đó, một số hành vi như: Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng sẽ bị xử phạt hành chính với mức tăng cao từ 600-800 ngàn đồng. Ngoài ra, đối với một số trường hợp đặc biệt sẽ có hình thức xử phạt bổ sung như buộc phải tiêu hủy vật nuôi. Bên cạnh đó, cũng theo quy định trên, người nuôi chó thả rông, không tiêm phòng cho chó sẽ bị phạt tới 1,6 triệu đồng cho cả hai mức phạt. Theo quy định trước đây, hành vi thả chó rông chỉ bị phạt 100 tới 300 ngàn đồng.
Thiết nghĩ, cùng với những quy định và chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với việc chăm sóc, chăn thả vật nuôi, cơ quan chức năng cần thường xuyên tuyên truyền, giải thích về tác hại của việc thả rông chó hoặc vật nuôi để người dân có ý thức tốt hơn đối với việc chăn, thả vật nuôi; qua đó, thực hiện tốt những quy định của pháp luật nhằm hạn chế những tai nạn đáng tiếc xảy ra./.