Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chăm sóc sức khoẻ tinh thần và thể chất cho trẻ em trong mùa dịch

Thứ Hai, 15/11/2021 16:59 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới, trong thời gian qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại các tỉnh, thành diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt và sức khỏe của người dân, trong đó trẻ em là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch. Để phòng tránh dịch bệnh, trẻ phải ở nhà thay vì đến trường, nhịp sinh hoạt và học tập bị đảo lộn.

Chưa bao giờ mà trẻ em lại buộc phải ở  trong nhà lâu đến vậy, trong khi các em cần được vận động và giao tiếp với bạn bè, với mọi người xung quanh để phát triển cả về thể lực, trí lực và các kỹ năng xã hội của mình. Nhiều phụ huynh, thầy cô và ngay cả các bạn nhỏ hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thích nghi với trạng thái bình thường mới và phải đối mặt với rất nhiều vấn đề ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tinh thần, trong khi dịch bệnh thì vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lượng và thời điểm trẻ có thể quay lại trường vẫn còn chưa xác định được.

   
 Ảnh minh họa. Nguồn: TL

Về những khó khăn trong giai đoạn giãn cách xã hội, em Tô Hoàng Vi Anh, học sinh Hà Nội cho biết: “Trong giai đoạn giãn cách xã hội, con cảm thấy khá lo lắng không chỉ cho bản thân và gia đình mà còn cho mọi người xung quanh. Giãn cách xã hội đã khiến cho cuộc sống của gia đình con bị đảo lộn, con cũng không quen với việc học online mỗi ngày. Hàng ngày, khi nghe tin số ca nhiễm tăng lên liên tục, con cũng cảm thấy rất băn khoăn rằng bao giờ tình trạng này mới chấm dứt. Đồng thời, Khi học online, chúng con sẽ phải nhìn vào màn hình trong thời gian rất lâu, ảnh hưởng đến mắt con rất nhiều đồng thời dẫn đến tình trạng cơ thể sẽ nặng nề hơn do không được vận động nhiều.”

Em Nguyễn An Huy cũng chia sẻ thêm về những trải nghiệm của bản thân: “Em đã bị cận rồi và bây giờ, khi phải tiếp xúc nhiều với máy móc, em cảm thấy khá lo sợ rằng không biết mình có bị tăng độ cận hay không. Em cũng là con người khá hướng ngoại, em muốn gặp gỡ, giao lưu và vui chơi với các bạn, tuy nhiên, khi phải học online ở nhà, em cảm thấy khá bí bách. Vì vậy, em thường phải dùng Zalo để giao tiếp với các bạn, chia sẻ với nhau những khó khăn cũng như sử dụng Zoom để trao đổi việc học với các bạn.”

Từ góc độ của một người có chuyên môn, bác sỹ Mai Xuân Phương cho biết: “Đến thời điểm này, chúng ta đang chuẩn bị bước sang năm thứ 3 đối diện với COVID tổn thương đối với các em là vô cùng lớn. Đầu tiên là tổn thương về mặt tinh thần. Trẻ em là đối tượng rất hiếu động, rất muốn được quan tâm, thương yêu. Nhưng khi đại dịch diễn ra, các cháu chỉ tiếp xúc với 4 bức tường, bố mẹ dễ cáu gắt, quát mắng dẫn đến tổn thương, có thể dẫn đến những phản ứng mạnh mẽ, thậm chí là cực đoan như loạn thần, trầm cảm, tự kỷ,… Đây là điều rất dễ hiểu. Bên cạnh đó, các em cũng tiếp xúc với nhiều nội dung tiêu cực trên mạng gây ảnh hưởng đến tâm lý , dẫn đến một số hậu quả rất thương tâm. Chúng ta cũng phải đề cập về những tổn thương về thể chất. Các em phải ngồi học quá lâu, quá nhiều, gây ảnh hưởng đến mắt, cột sống, xương khớp. Vì vậy, vai trò của bố mẹ trong việc hướng dẫn các con rất quan trọng. Chúng ta cần phải hướng dẫn cho các con rất tỉ mỉ tư thế ngồi, ánh sáng ngồi học điều chỉnh thế nào cho đúng.”

Theo em An Huy, việc chủ động tự sắp xếp lịch học, lịch vui chơi, giải trí cho bản thân là một phương pháp rất hữu ích giúp em có thể cảm thấy thoải mái trong giai đoạn giãn cách xã hội: “Trong quá trình học trực tuyến ở nhà, con sẽ cố gắng bố trí thời gian học tập 1 cách hợp lý. Buổi sáng, con sẽ dậy sớm hơn 1 chút để thư giãn trước giờ vào học. Sau khi kết thúc buổi học, con sẽ tìm một số bài tập thể dục để bản thân có thể giải phóng năng lượng. Bên cạnh đó, con cũng sẽ sử dụng các nền tảng trực tuyến như Zoom, Zalo để tham gia các hoạt động Đoàn, Đội, giao lưu, vui chơi với các bạn để có thể cùng nhau chia sẻ việc học tập cũng như về những vấn đề bức bối trong khoảng thời gian giãn cách ở nhà.”

Em Vi Anh cũng chia sẻ thêm: “Trong bối cảnh dịch bệnh, con cũng dần làm quen với lịch trình học tập, vui chơi tại nhà. Vào buổi chiều, con sẽ học theo lịch học ở trường. Buổi tối, con sẽ làm bài tập về nhà và tập thể dục một chút để vận động cơ thể, giải phóng năng lượng. Sau khi hoàn thành tất cả công việc trong ngày, con sẽ dành ra khoảng 30 phútđến 1 tiếng để giải trí như xem phim, đọc sách, trò chuyện cùng bạn bè trên mạng xã hội.”

Nói thêm về phương pháp đang áp dụng để đồng hành cùng con, anh Lê Xuân Đức chia sẻ:“Khi ở nhà với con, bố mẹ cũng thay phiên nhau để quan sát con. Ở nhà mình, mình cũng thử rất nhiều cách để bạn Sâu có thể giao lưu nhiều hơn với bố mẹ cũng như vận động cơ thể như hai bố con sẽ cùng hít đất, tập thể dục, trượt patin,...Hãy để con được làm những thú con hứng thú trước để tinh thần con luôn hào hứng, phấn chấn trong suốt thời gian học, sau đó mới làm những việc con ít hứng thú hơn. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên tiếp sức cho các con bằng cách trong lúc con học, bố mẹ có thể pha một cốc nước, chuẩn bị phần ăn nhẹ để con có được sức lực và tinh thần tỉnh táo trong quá trình học tập.”

Bác sỹ Mai Xuân Phương cũng có những hướng dẫn dành cho bố mẹ trong việc đồng hành cùng con xây dựng những kỹ năng cần thiết: “Bố mẹ hãy trang bị cho các con những kĩ năng sống, kĩ năng mềm, quan trọng nhất là kĩ năng giao tiếp: làm quen và tạo mối quan hệ, quan sát,sử dụng ngôn ngữ không lời,phản hồi, khích lệ và động viên, kĩ năng thành thật, không nói dối,từ chối lịch sự, lắng nghe, tổng hợp, nói và thuyết trình. Những kĩ năng này sẽ giúp em dễ dàng thích nghi và tương tác với các bạn kể cả trong giai đoạn giãn cách"./.

Minh Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN