Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chậm hoàn thiện thể chế sẽ lãng phí nhiều cơ hội phát triển

Thứ Hai, 31/10/2022 16:02 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) nhấn mạnh vấn đề hoàn thiện thể chế, chính sách cấp bách và cần thiết hơn bao giờ hết và cho rằng "việc chậm hoàn thiện thể chế 1 ngày là đánh mất hoặc lãng phí nhiều cơ hội phát triển của đất nước”.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều 31/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành Phiên họp của Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Hoàn thiện thể chế, chính sách cấp bách và cần thiết hơn bao giờ hết

Nghiên cứu báo cáo và tài liệu giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) cho rằng, Đoàn giám sát đã công phu, khách quan, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, chỉ rõ nhiều công trình, dự án cần tập trung tháo gỡ, nhìn nhận rõ những nguồn lực còn sử dụng chưa hiệu quả. Đóng góp ý kiến các nội dung cụ thể để hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết, đại biểu nhấn mạnh vấn đề hoàn thiện thể chế, chính sách cấp bách và cần thiết hơn bao giờ hết.

“Việc chậm hoàn thiện thể chế 1 ngày là đánh mất hoặc lãng phí nhiều cơ hội phát triển của đất nước”, đại biểu nói và đề nghị cần bổ sung, phân tích, đánh giá sâu hơn, nhấn mạnh nguyên nhân hạn chế này.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương). Ảnh: Phạm Thắng 

Bên cạnh đó, đối với các lĩnh vực đã được chỉ rõ tại báo cáo giám sát, đại biểu đề nghị cần phân công rõ trách nhiệm, tiến độ xem xét và báo cáo giải quyết các mâu thuẫn, chồng chéo trong văn bản quy phạm pháp luật ở từng lĩnh vực, cần thiết có danh mục hoặc phụ lục phân công rõ cơ quan tổ chức thực hiện, cơ quan giám sát, thời hạn giải quyết, thời hạn báo cáo cho Quốc hội.

Giải pháp khác được đại biểu đề nghị là bổ sung về nâng cao chất lượng hiệu quả quản trị nguồn nhân lực trong khu vực công. Vì đây là yếu tố quyết định hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước.

Theo đó, đại biểu đề nghị phân tích sâu sắc thêm về cơ cấu, số lượng, chất lượng nhân lực theo địa bàn, lĩnh vực, đối tượng; đánh giá thêm chiến lược, chương trình quy hoạch, hệ thống đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong khu vực công hiện nay có đáp ứng yêu cầu hay không, cần cơ chế đột phá nào để hướng đến Chính phủ điện tử, chính quyền đô thị, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.

Đại biểu cho rằng, nhân lực khu vực công đã nghỉ việc gần 40.000 người là tình trạng báo động, khiến cho các nhà quản lý, hoạch định chiến lược phải suy nghĩ, hoàn thiện kịp thời các cơ chế thu hút, đãi ngộ, bảo vệ, bồi dưỡng và động viên, khuyến khích nhân tài cho khu vực cộng từ xa, từ sớm, nhất là các chuyên gia sâu, nhà lãnh đạo quản lý các cấp, tránh tình trạng bị động, thiếu hụt nhân sự, khi cần thì không có, hoặc khi bố trí thì làm việc không hiệu quả, chính sách cho nhân lực khu vực công phải cạnh tranh được với khu vực tư, nhân lực khu vực công phải tiếp tục nâng tầm, định hướng và dẫn dắt xã hội phát triển bền vững.

"Nhà nước cần đồng thời tiến hành việc giảm cho tinh gọn bộ máy, song song với bổ sung biên chế ở những khu vực, địa bàn cần thiết, chứ không thể cào bằng, phải xây dựng tiêu chí khoa học, cụ thể cho việc phân bổ biên chế, nhân lực và cả nguồn lực cho khu vực công một cách hiệu quả hơn nữa", đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) phát biểu ý kiến. Ảnh: Phạm Thắng

Phát biểu ý kiến tại hội trường, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) bày tỏ tán thành cao với Báo cáo của Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; Báo thêm của Chính phủ và các ý kiến đại biểu Quốc hội đã phát biểu.

Đại biểu tỉnh Đồng Nai cho rằng, Báo cáo giám sát đã làm rõ nhiều nội dung thông qua những số liệu cụ thể liên quan đến hàng trăm dự án, hecta đất, hàng chục ngàn tỷ đồng bị lãng phí… Theo đại biểu, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do yếu tố chủ quan là chính, trách nhiệm quản lý, điều hành và trách nhiệm con người đã được chỉ rõ trong Báo cáo của Đoàn giám sát.

Tuy nhiên, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, nội dung Báo cáo vẫn nên nêu rõ hơn nữa trách nhiệm của chủ thể, của tổ chức, cá nhân nào để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí để tăng thêm chất lượng của Báo cáo giám sát.

Tinh giản biên chế chủ yếu vẫn đang ép giảm về số lượng

Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn Đồng Tháp) bày tỏ quan tâm đến lãng phí trong quản lý nguồn nhân lực, bao gồm vấn đề tuyển dụng, sử dụng quản lý nhân lực và tinh giản biên chế trong khu vực công.

Đại biểu cho rằng, hiện nay, nhân lực trong khu vực công có dấu hiệu già hóa, môi trường nhà nước chưa thực sự hấp dẫn đối với người trẻ, chưa xây dựng được môi trường lý tưởng cung cấp nhiều cơ hội phát triển. Công tác tinh giản biên chế còn chưa thật sự đạt được hiệu lực thực tế. Chủ trương tinh giản là đúng, tuy nhiên hiện nay, việc tinh giản được thực hiện theo các chỉ tiêu cơ học, không đảm bảo được chất lượng thực chất.

Đại biểu đề nghị cần đưa vào Nghị quyết của Quốc hội nội dung liên quan đến quản lý nguồn nhân lực nói chung, trong đó đặc biệt là các chính sách thu hút sử dụng nhân tài trong bộ máy nhà nước nói chung, theo đúng tinh thần nhân tài là nguyên khí quốc gia. Cụ thể, đại biểu cho rằng cần tạo môi trường, cơ chế để tôn vinh, sử dụng đúng người tài. Trong cải cách tiền lương cần tính tới những nguồn để tiếp tục bồi dưỡng, tạo động lực cho người tài tham gia cống hiến cho Tổ quốc.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) phát biểu ý kiến. Ảnh: Phạm Thắng

Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) cũng chỉ ra việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Nhiều vụ việc sai phạm trong đầu tư, đấu thầu, đấu giá, thẩm định giá, quản lý sử dụng tài chính công. Đặc biệt, các công trình đầu tư dở dang, kéo dài, nhiều công trình sau khi đã hoàn thành nhưng sử dụng kém hiệu quả, cá biệt có những công trình bỏ không, gây nên sự bất bình trong Nhân dân.

“Điển hình như dự án cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nam được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đi kiểm tra và rất quyết liệt trong chỉ đạo giải quyết khắc phục. Đây là những dự án chậm tiến độ nhiều năm, đội vốn lớn làm giảm niềm tin trong Nhân dân” – đại biểu ví dụ. Trong khi điều kiện kinh tế - xã hội nhiều nơi trong cả nước còn rất khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn. Qua giám sát ở các tỉnh, thành phố đều có các dự án, cụm dự án đầu tư và sử dụng vốn ngân sách Nhà nước kém hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí lớn.

Về việc thực hiện tinh giản biên chế, theo đại biểu nhiều nơi, nhiều chỗ vẫn còn mang tính cơ học, chủ yếu vẫn đang ép giảm về số lượng chưa gắn với việc cơ cấu lại nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Đặc biệt, việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, có những địa bàn ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại và địa hình còn khó khăn nhưng chúng ta vẫn thực hiện sáp nhập 2 - 3 xã thành 1 xã, điển hình có những nơi thực hiện sáp nhập 4 xã vào thành 1 xã. Trụ sở làm việc ở những nơi đã sáp nhập thì bỏ hoang, trong khi nơi đặt trụ sở chính thực hiện nhiệm vụ lại chưa đáp ứng điều kiện, không đảm bảo đủ phòng làm việc theo tiêu chuẩn cho cán bộ, công chức; có những xã vẫn phải sử dụng trụ sở tại 2 xã cũ, gây khó khăn trong việc đi lại của cán bộ, công chức và người dân; có những nơi trụ sở mới được xây dựng nhưng khi sáp nhập lại bỏ hoang, gây lãng phí, xuống cấp nghiêm trọng. Đến thời điểm này vẫn chưa được xử lý và giải quyết...

Từ thực trạng trên, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bảo đảm đồng bộ, thống nhất và phù hợp yêu cầu thực tiễn. Xử lý nghiêm minh, kịp thời, truy đến cùng trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan kể từ khi có chủ trương đầu tư đến khi kết thúc quá trình đầu tư mà không đưa công trình vào sử dụng được. Vấn đề này đang được dư luận và cử tri đặc biệt quan tâm.

Với việc xử lý trụ sở dôi dư sau khi sáp nhập theo Nghị quyết 653/NQ- UBTVQH của Ủy ban thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021, đề nghị Chính phủ có hướng dẫn cụ thể và có giai đoạn để ổn định cơ sở vật chất, đảm bảo tiêu chuẩn định mức theo quy định. Có quy định đặc thù về số biên chế đối với những nơi đã thực hiện sáp nhập nhiều xã, từ 3-4 xã, nơi địa bàn khó khăn.

Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội trong những năm tới, vẫn tổ chức giám sát lại các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chưa được thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, chậm so với yêu cầu để có chế tài xử lý nghiêm minh, tạo niềm tin đối với cử tri và Nhân dân./.

Nhóm PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN