Cây dược liệu cát cánh thu tiền tỉ cho đồng bào Mông
(ĐCSVN) - Những ngày cuối năm, khi nắng vàng trải dài trong veo cả một vùng trời, đồng bào Mông xã vùng cao Tả Van Chư (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) tập trung thu hoạch củ cây dược liệu cát cánh, không khí lao động sản xuất diễn ra sôi nổi, tấp nập trên khắp các cánh đồng, đặc biệt tại thôn Lả Dì Thàng - vùng dược liệu lớn nhất của xã.
Dược liệu được mùa mang đến niềm vui lớn cho đồng bào người Mông xã Tả Van Chư (Bắc Hà) |
Tả Van Chư là xã vùng cao đang có 31,3 ha cây dược liệu (gồm đương quy và cát cánh) đến kì cho thu hoạch củ, trong đó cây cát cánh được bà con trồng nhiều nhất với diện tích khoảng 25 ha.
Xã Tả Van Chư đánh giá đây là một vụ thu hoạch thắng lợi, bởi theo ước tính, bình quân mỗi ha cây dược liệu mang về nguồn thu từ 120-140 triệu đồng, cao gấp 5 - 6 lần so với cấy lúa, trồng ngô, lại có đơn vị thu mua tận nơi với giá cả ổn định… nên bà con rất yên tâm, phấn khởi. Để thuận lợi cho thu hoạch, nhất là việc bảo quản, bao tiêu sản phẩm củ, ngay từ đầu tháng 10, UBND xã Tả Van Chư đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn kĩ thuật cho bà con. Hiện nay các thôn của xã đã, đang thu hoạch theo hình thức “cuốn chiếu”, thu hoạch vận chuyển sản phẩm hết tại thôn này sẽ chuyển đến thôn khác. Chỉ cần người dân sau khi thu hoạch xong, chuyển sản phẩm củ tươi lên vị trí thuận lợi, sẽ có xe tải của Trung tâm đến tận chân ruộng để thu mua, cân đếm với giá cả ổn định, bà con không phải lo lắng về đầu ra cho sản phẩm củ tươi. Ông Bùi Trọng Nam, Chủ tịch UBND xã Tả Van Chư cho biết: "Với diện tích gần 30 ha, sản lượng 170 tấn, giá bán trung bình 25.000 đồng/kg, bà con người Mông - Tả Văn Chư có doanh thu trên 5,2 tỷ đồng, tăng trên 3 tỷ đồng so với vụ trước. Đây thực sự là nguồn thu lớn, giúp cải thiện, nâng cao đời sống bà con địa phương, giúp đồng bào Mông có điều kiện sắm sửa đầy đủ cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới".
Toàn bộ sản phẩm củ tươi sau thu hoạch được thu mua với giá cả ổn định, khiến bà con rất yên tâm. |
Tại Lả Dì Thàng, thôn được xem là vùng dược liệu cát cánh lớn nhất của xã với diện tích gần 25 ha, đa phần các diện tích trồng dược liệu cát cánh ở đây đã được bà con thu hoạch xong, một số hộ đang tranh thủ thời tiết thuận lợi, tiến hành cày xới đất, lên luống, chuẩn bị túi ni-lông cho vụ sản xuất mới, không khí lao động đang diễn ra tích cực, khẩn trương trên khắp cánh đồng.
Gia đình anh Giàng Seo Tráng, 34 tuổi, ở thôn Lả Gì Thàng là hộ đã tham gia mô hình trồng cây cát cánh lấy giống của huyện từ vụ Đông Xuân 2017- 2018. Niên vụ 2020- 2021, gia đình anh trồng hơn 1ha cây cát cánh, thu 135 triệu đồng, niên vụ 2021- 2022, gia đình anh trồng nhiều nhất xã với diện tích 1,2ha. Anh Sáng cho biết: "Bắt đầu từ tháng 12, cán bộ huyện, xã xuống hướng dẫn thu hoạch, cán bộ trung tâm dịch vụ tổng hợp nông nghiệp huyện đến tận nhà cân mua với giá cao ổn định như trước với mức 20 ngàn đồng/kg củ tươi. Cây cát cánh sinh trưởng và phát triển tốt tại địa phương, năm nay vẫn ổn định song củ bé hơn năm trước đôi chút nên sản lượng có giảm đôi chút song giá cả cao, ổn định, gia đình hi vọng thu hoạch bán trên 100 triệu đồng. Trồng cây cát cánh hơn hẳn các loại cây khác, gấp 3-4 lần trồng cây ngô, lúa...".
Từ chỗ chỉ có vài ha trồng thử nghiệm, đến nay diện tích cây cát cánh toàn xã đã tăng lên hơn 60ha. |
Có thể nói, cùng với đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, xã Tả Van Chư cũng tăng cường tuyên truyền, vận động bà con cần tranh thủ thời tiết ủng hộ, tiến hành làm đất, chuẩn bị sẵn quỹ đất để chuẩn bị cho vụ sản xuất mới. Thông qua tuyên truyền, vận động, nhiều hộ dân trồng dược liệu của xã Tả Van Chư đã chú trọng bám sát khung thời vụ sản xuất, chủ động huy động anh em, họ hàng đổi công, thu hoạch đến đâu làm đất ngay đến đó để có thể thực hiện trồng sớm theo khuyến cáo của xã và cơ quan chuyên môn đó là khung thời vụ tốt nhất là từ cuối tháng 11 đến trung tuần tháng 12, tránh việc rét đậm, rét hại khắc nghiệt vào mùa đông sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ nảy mầm của hạt cũng như việc sinh trưởng phát triển của cây con sau này.
Khu vực trồng cây cát cánh còn trở thành điểm du lịch hấp dẫn của huyện. |
Những ngày này, có dịp lên xã Tả Van Chư, chúng ta sẽ được ngắm những cánh đồng hoa cát cánh bạt ngàn đẹp đến nao lòng, nơi không chỉ hấp dẫn du khách mà cánh đồng cát cánh còn mang lại thu nhập tiền tỷ cho đồng bào các dân tộc nơi đây.
Cát cánh là cây thuốc quý chữa ho, tiêu đờm, bắt đầu được trồng ở Tả Văn Chư cách đây 5 năm. |
Cát cánh là cây thuốc quý chữa ho, tiêu đờm nhưng chưa được nhiều người biết tới tại Việt Nam. Cuốn "Cây thuốc và động vật làm thuốc" của Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, ghi: Cát cánh phân bố chủ yếu ở vùng ôn đới ấm Đông - Bắc Á, gồm Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên. Cây được trồng lâu đời ở Trung Quốc và được nhập vào nước ta khoảng 40 năm gần đây. Trên lâm sàng, chất saponin của cát cánh có tác dụng tiêu đờm rõ rệt. Rễ cát cánh có tác dụng giảm đau, hạ nhiệt, giảm ho và khử đờm, chống loét và chống viêm./.