Câu chuyện Việt Nam trên cao nguyên Salavan
(ĐCSVN) - Chúng tôi tìm tới Salavan - một tỉnh thuộc miền Trung đất nước Lào, có chung đường biên giới với tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) để lắng nghe những câu chuyện lịch sử cũng là là “lí do” để tình hữu nghị Việt - Lào anh em trên cao nguyên này càng thêm gắn bó, khăng khít theo thời gian. Từ người bước vào tuổi xưa nay hiếm đến người trưởng thành hay các bạn trẻ, mỗi người đều có “câu chuyện Việt Nam” của riêng mình.
CBCS Đồn Biên phòng CKQT La Lay thăm và tặng quà cho Hồ Thị Nghin. |
Ông Ty Văn Ngọa (bản Thê Rê Ban, huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan) đã bước vào tuổi xưa nay hiếm, mắt đã mờ, chân đã chậm, thế nhưng lại không quên dù là chi tiết nhỏ nhất về thời gian tham gia cách mạng ở Việt Nam. Ông Ngọa vốn là lính trinh sát thuộc đơn vị K3 (Quân khu Bình Trị Thiên), có thời gian chiến đấu ở mặt trận Khe Sanh, đánh đồn La Vang. Do bị sức ép của bom, ông được đưa ra miền Bắc chữa trị. Ông Ngọa được đưa lên Cao Bằng để học văn hóa, sau đó về Hà Nội học Trường Nguyễn Ái Quốc rồi quay trở lại Quảng Trị làm văn phòng ủy ban. Năm 1979, ông Ngọa về huyện Tu Muồi (tỉnh Salavan) sinh sống và làm công việc chiếu phim cho đến lúc nghỉ hưu. Mỗi khi có khách Việt Nam tới chơi, ông Ngọa đều mang ra chiếc áo quân phục cũ của mình giới thiệu. Điều đặc biệt là, đầy 2 bên ngực áo là những tấm huân, huy chương có được khi chiến đấu ở Việt Nam. Đó là Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng 1; Huân chương Quyết thắng; Dũng sĩ diệt Mỹ ưu tú năm 1973; Chiến sĩ thi đua năm 1967… Nhiều năm qua, ông Ngọa luôn giữ gìn cẩn thận những kỉ vật này bởi đây là thanh xuân và niềm tự hào của mình.
Ông Ba Lê, Phó Chủ tịch phụ trách mảng kinh tế huyện Sa Muồi vốn là sinh viên của Trường Đại học Ngoại thương ở Việt Nam. Những năm học tập và sinh sống ở Hà Nội, dù còn khó khăn nhưng nhà trường vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho các sinh viên Lào. Và, đó là những thứ khiến ông Ba Lê khắc ghi trong lòng để rồi sau này về nhận công tác ở Sa Muồi ông luôn nỗ lực, cố gắng gắn kết với huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) như một cách đền đáp với những gì đã nhận được từ đất nước Việt Nam. Chúng tôi khá bất ngờ khi biết Thiếu tướng Trần Đình Dũng (nguyên Phó Tư lệnh BĐBP) là cha đỡ đầu của vợ ông Ba Lê. Câu chuyện được bắt đầu từ khi Thiếu tướng Trần Đình Dũng còn là chàng y sĩ, khám chữa bệnh cho nhân dân vùng núi Hướng Hóa, tỉnh Bình Trị Thiên. Lần đó, mẹ vợ ông Ba Lê sinh khó, nhờ sự giúp đỡ của y sĩ Trần Đình Dũng, bà hạ sinh vợ ông Ba Lê an toàn. Bố vợ của ông Ba Lê cảm kích nên thay mặt gia đình nhận y sĩ Trần Đình Dũng làm cha đỡ đầu cho con gái. Cho tới tận bây giờ, dù sống ở hai đất nước khác nhau, gia đình ông Ba Lê vẫn luôn nhớ và nhắc đến Thiếu tướng Trần Đình Dũng như người thân nơi phương xa.
Những tấm huân, huy chương được ông Ty Văn Ngọa khâu cẩn thận vào bộ quân phục như một kỉ vật vô cùng quý giá. |
Thực ra, mối nhân duyên giữa gia đình Thiếu tướng Trần Đình Dũng và ông Ba Lê không vì khoảng cách mà hẹp lại. Thượng tá Phan Thanh Hoàng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng CKQT La Lay có bố là em trai của mẹ Thiếu tướng Trần Đình Dũng. Ở gần, Thượng tá Phan Thanh Hoàng thay mặt gia đình giữ mối quan hệ họ hàng với gia đình ông Ba Lê. Thực ra, những năm qua, ông Ba Lê luôn giữ mối quan hệ thân tình với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng CKQT - những người luôn coi người dân Lào là anh em. Các anh luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất công dân Lào xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế La Lay. Cũng chính CBCS Biên phòng sang sửa chữa đường dẫn nước để bà con La Lay A Sói trồng lại lúa. Khi kêu gọi các đoàn thiện nguyện tặng quà, khoan giếng nước, bà con ở La Lay A Sói cũng luôn có phần… Rõ ràng, đó là tình cảm, việc làm của người người thân dành cho nhau. Niềm vui của vợ chồng ông Ba Lê đó là các con đều giống cha mẹ- yêu quý đất nước, con người Việt Nam. 3 người con đã tốt nghiệp Đại học ở Việt Nam, cô con gái út đang học phổ thông và cũng có dự định sang Việt Nam du học như các anh chị. Như vậy, “thế hệ sau” của gia đình ông Ba Lê cũng có sự kết nối với đất nước, con người Việt Nam và nó là sự kế thừa, tiếp nối và viết tiếp tương lai cho câu chuyện tình hữu nghị Việt Nam - Lào.
Từ cô bé còi cọc, thiếu ăn, suýt phải bỏ học vì nhà nghèo, nhờ có sự đùm bọc, giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng CKQT La Lay mà nay Hồ Thị Nghin (bản La Lay A Sói, huyện Sa Muồi) đã chuẩn bị tốt nghiệp cấp 3. Câu chuyện được bắt đầu vào một buổi sáng đầu tháng 8/2017, trưởng bản La Lay A Sói đưa 2 cán bộ Đồn Biên phòng CKQT La lay đến nhà, nói với bố mẹ của Nghin sẽ giúp em đi học. Từ ấy, đều đặn vào ngày 5 hàng tháng, những người lính Biên phòng đều chuyển tiền cho cha mẹ Nghin để mua sách vở, gạo, cá.
Bước vào cấp 2, Hồ Thị Nghin phải tới trường cách nhà 7km, nếu đi bộ sẽ rất mất nhiều thời gian và sẽ rất vất vả vào ngày mưa, nắng. CBCS Đồn Biên phòng CKQT La Lay đã tặng cho Nghin 1 chiếc xe đạp mới. Và thế là, con đường đến trường của cô học sinh bé bỏng như gần lại. Điều đặc biệt là, chiếc xe đạp của những người lính Biên phòng Việt Nam không chỉ đưa cô gái nhỏ tới trường mà còn “đưa” em tới tận thủ đô Hà Nội của đất nước Việt Nam. Câu chuyện về chiếc xe đạp của bố nuôi BĐBP đã được Ban Tổ chức trao giải Ba tại Cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện” do Tạp chí Thời đại phối hợp với Đại sứ quán Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam tổ chức chào mừng “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào -Việt Nam 2022”. Và, chiếc xe đạp của những người lính Biên phòng đã giúp cô bé ở bản làng xa xôi trên đất nước Lào thực hiện được “giấc mơ Việt Nam”- tới thăm Lăng Bác Hồ,.
Chúng tôi chợt hiểu rằng, tình hữu nghị Việt Nam - Lào không chỉ bền vững vì lịch sử kề vai, sát cánh mà còn vì những câu chuyện nhân văn đang và tiếp tục được người dân hai nước chăm chút, vun đắp vì tương lai.