Cao Bằng thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Lao động - Thương binh và Xã hội
(ĐCSVN) - Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, điều hành, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chuyên môn của ngành.
Nếu như trước đây, để nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải trực tiếp đến Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, thì hiện nay chỉ cần máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet người lao động có thể nộp hồ sơ, mà không phải tốn thời gian đến Trung tâm. Để giúp người lao động nắm được thông tin về nộp hồ sơ trực tuyến, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện đa dạng hóa hình thức tuyên truyền; đặc biệt, khi người lao động đến Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh để làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp đã được nhân viên ở Trung tâm hướng dẫn cách nộp hồ sơ trực tuyến. Với cách làm này góp phần tạo thói quen cho người lao động.
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang trở thành xu hướng toàn cầu và là động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Cao Bằng đã có những bước tiến đáng kể trong việc thực hiện chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Người dân và doanh nghiệp chỉ phải cung cấp thông tin một lần khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến
Có thể thấy, thời gian qua công cuộc chuyển đổi số, hiện đại hóa hành chính góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính địa phương; giảm thời gian và chi phí từ ngân sách; nâng cao chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh phát biểu chỉ đạo các nội dung thực hiện chuyển đổi số của tỉnh. |
Trong quá trình triển khai, tỉnh Cao Bằng luôn xác định chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân nhận thấy công nghệ là hữu ích, thiết thực. Một trong những nỗ lực lớn của Cao Bằng trong lĩnh vực chuyển đổi số là việc duy trì và triển khai hiệu quả các hệ thống thông tin dùng chung phục vụ chính quyền điện tử. Tỉnh Cao Bằng đã phát triển hệ thống chính quyền số, nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức trong việc thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Hiện tại, Cao Bằng đã hoàn thành việc kết nối, chia sẻ kho dữ liệu điện tử của các tổ chức, cá nhân, giúp người dân và doanh nghiệp chỉ phải cung cấp thông tin một lần khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Bộ phận một cửa các cấp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh thường xuyên thực hiện số hóa hồ sơ và trả kết quả theo quy định tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ, cụ thể trong kỳ báo cáo đã thực hiện việc số hóa việc tiếp nhận được 16 hồ sơ trực tuyến; giải quyết đúng hạn 14 hồ sơ, 02 hồ sơ đang giải quyết chưa đến hạn. Tính đến 14/7/2024 đã số hóa tiếp nhận được 38 hồ sơ (21 hồ sơ trực tuyến, 17 hồ sơ trực tiếp); giải quyết đúng hạn 36 hồ sơ, 02 hồ sơ đang giải quyết chưa đến hạn. Việc tạm dừng hoặc huy hồ sơ được thực hiện đảm bảo theo đúng quy định.
100% các phòng, ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở, các cán bộ, công chức, viên chức sử dụng phần mềm Quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOffice, văn bản gửi đến được luân chuyển trong nội bộ cơ quan dưới dạng điện tử. Các văn bản được xử lý, có ký số ban hành đến các cơ quan, đơn vị thông qua phần mềm Quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOffice. 100% cán bộ, công chức được đăng ký và sử dụng thư điện tử công vụ. Đẩy mạnh ứng dụng các phần mềm tại cơ quan, đơn vị như phần mềm Quản lý tài sản, phần mềm kế toán, hệ thống họp hội nghị trực tuyến, phần mềm họp không giấy, phần mềm igate Cao Bằng, phần mềm chữ ký số, hệ thống một cửa điện tử dùng chung igate Cao Bằng; phản ánh kiến nghị Cổng dịch vụ công quốc gia; phản ánh kiến nghị tỉnh Cao Bằng, hệ thống báo cáo tỉnh Cao Bằng, hệ thống báo cáo Văn phòng Chính phủ.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong thời gian tới tiếp tục thực hiện rà soát, thu thập thông tin các đối tượng chi trả chính sách an sinh xã hội đủ điều kiện mở tài khoản thanh toán để thực hiện việc chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt.
Góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
Cùng với đó, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cao Bằng hoạt động ổn định kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các hệ thống của các Bộ, ngành đảm bảo an toàn, an ninh thông tin theo hướng dẫn của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông phục vụ tra cứu, xác thực thông tin từ Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đến hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các hệ thống của các Bộ, ngành.
Triển khai thực hiện tiểu dự án "Hỗ trợ việc làm bền vững" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 về quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và triển khai Đề án 06/CP của Chính phủ. Kết quả, số phiếu đã thu thập được 268.891/321.546 phiếu; số phiếu đã cập nhật lên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư 268.006 phiếu, tỷ lệ phiếu cập nhật trên số phiếu đã thu thập đạt 99,67% (trong đó huyện Bảo Lạc có 2.209 phiếu, huyện Bảo Lâm có 510 phiếu).
Người dân sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng rộng rãi. |
Việc thực hiện chi trả không dùng tiền mặt chế độ, trợ cấp cho đối tượng an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh được Sở hướng dẫn, đôn đốc các huyện, thành phố chủ động thực hiện rà soát, thu thập thông tin các đối tượng chi trả chính sách an sinh xã hội đủ điều kiện mở tài khoản thanh toán để thực hiện việc chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Tổng số đối tượng an sinh xã hội (ASXH) đang quản lý là 33.209 người (trong đó, người có công là 3.922 người; đổi tượng bảo trợ xã hội là 29.287 đổi tượng), đã thực hiện thu thập thông tin đối tượng ASXH, mở tài khoản được 11.068 tài khoản cho đổi tượng, chiếm 33,33% trên tổng số đối tượng ASXH quản lý trên địa bàn tỉnh.
Có thể thấy, chuyển đổi số đã mang lại “làn gió mới”, góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải thiện dịch vụ công, giảm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án số 06/CP. Đẩy mạnh tuyên truyền về thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đến các doanh nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục rà soát, cập nhật chỉnh sửa bổ sung các dữ liệu dùng chung thuộc lĩnh vực quản lý của ngành theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan chuyên môn có liên quan nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong triển khai thực hiện chính quyền số, liên thông với dữ liệu dân cư quốc gia./.