Cạnh tranh lành mạnh mới có thị phần!
(ĐCSVN) - Việc một số hãng taxi truyền thống dán “biểu ngữ” phía sau xe đề nghị dừng thí điểm taxi công nghệ (Grab và Uber) gợi cho dư luận bao suy nghĩ về “thương trường taxi” !
Với nhiều quốc gia, Grab và Uber không có gì xa lạ, thậm chí càng ngày càng phát triển hơn. Ở Việt Nam, Grab và Uber hoạt động bằng hình thức thí điểm được hai năm nhưng đã và đang chịu không ít... “sóng ngầm”!
Về bản chất, taxi truyền thống và taxi công nghệ đều là đều là dịch vụ đưa đón khách. Nhưng taxi công nghệ có nhiều khác biệt: Ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối bằng điện thoại thông minh trực tiếp với khách hàng; không đeo biển taxi; không mào xe; không sử dụng màu sơn riêng; không đồng hồ tính tiền...
Cuộc sống không ngừng đổi thay, cũng như cái mới ra đời mà tiện ích với xã hội, với mọi người chắc chắn sẽ được đón nhận. Thực tế đã chứng minh, với triết lý kinh doanh khác taxi truyền thống, taxi công nghệ đã và đang là sự lựa chọn của nhiều người. Sự lựa chọn đó không phải là cảm tính mà nó được đo đếm bằng giá cả, chất lượng dịch vụ và phong cách phục vụ.
Bản chất kinh doanh tương tự nhau, nhưng taxi truyền thống phải chịu nhiều thủ tục pháp lý, thuế, phí... Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc taxi truyền thống liên tục phản đối việc cho phép thí điểm taxi công nghệ.
Đòi sự bình đẳng hơn về môi trường kinh doanh là việc cần làm, nhưng thay đổi triết lý kinh doanh để chiều lòng người dân, giành lại thị phần đã mất còn có ý nghĩa sống còn. Nhưng một số hãng taxi truyền thông đã không làm vậy, chọn cách cạnh tranh bằng việc dán “biểu ngữ” phía sau xe với nội dung đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber.
Việc tạo ra “biểu ngữ” phản đối taxi công nghệ để taxi truyền thống độc chiếm thị trường không xác lập thêm chữ tín với người dân mà còn gây phản cảm với người tham giao thông, dư luận và cơ quan quản lý. Trước sự lên tiếng của cơ quan quản lý, dư luận, một số hãng taxi truyền thống đã dừng việc dán “biểu ngữ” phản đối đối thủ cạnh tranh.
Taxi truyền thống và taxi công nghệ vẫn là vấn đề “nóng”, và cơ quan quản lý ngành không thể đứng ngoài cuộc. Điều cần làm là cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý chuẩn mực, minh bạch chung cho cả hai loại hình taxi để đảm bảo môi trường kinh doanh được bình đẳng.
Môi trường kinh doanh bình đẳng cho hai loại hình taxi là điều kiện cần, còn lợi nhuận thu được và giá trị thương hiệu của các hãng taxi lại phụ thuộc vào cái tầm và tâm của chủ doanh nghiệp. Điều này tưởng chừng như đơn giản, nhưng làm được không dễ, nếu như triết lý kinh doanh không được xây dựng từ việc thượng tôn pháp luật, từ nền tảng đạo đức và văn hóa./.