Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cảnh giác với "tín dụng đen"!

Thứ Hai, 29/08/2016 10:39 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)- Tìm kiếm trên các trang mạng, hẳn mọi người đều thấy rất nhiều quảng cáo cho vay vốn ngân hàng, vay tín chấp, vay sinh viên với những lời mời chào rất hấp dẫn, công khai.


                                                                 Biển quảng cáo vay vốn "giăng" khắp nơi ở phố Hoàng Cầu, Quận Đống Đa (Hà Nội).

Tìm kiếm trên các trang mạng, hẳn mọi người đều thấy rất nhiều quảng cáo cho vay vốn ngân hàng, vay tín chấp, vay sinh viên với những lời mời chào rất hấp dẫn, công khai. Theo số hotline 0934.1…115 của một dịch vụ cho vay tiền, phóng viên đã trao đổi với một người tên Thắng. Anh này cho biết: Chỉ với tấm thẻ sinh viên hoặc chứng minh thư nhân dân, sinh viên có thể đem đặt tại các cửa hàng để vay được hàng chục triệu đồng, lãi từ 2.500 đồng đến 3.000 đồng/triệu đồng/ngày...

Một cách khác, khách hàng cũng có thể cầm ô-tô, xe máy, bảng lương, chứng minh thư gốc; cho vay theo hóa đơn thu tiền điện, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ; cho vay trả góp, cầm bằng lái xe, cầm đăng ký xe, bằng đại học, cao đẳng, hộ khẩu thường trú, thẻ ATM... với mức phí từ 1.500 đồng/triệu đồng/ngày đến 3.000 đồng/triệu đồng/ngày. Đó là những nội dung quảng cáo bằng tờ rơi được dán la liệt, chằng chịt trên nhiều tủ cáp điện, cột điện ở TP Hà Nội.

Chị Nguyễn Thu Trang, ở phường Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Một số doanh nghiệp hành nghề cho vay tiền rất lộn xộn. Thí dụ, trên đường Trương Định, quận Hoàng Mai và phố Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng có tới hàng trăm tờ rơi quảng cáo cho vay tiền không thế chấp của nhiều cơ sở cầm đồ. Còn trên tuyến đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy cũng la liệt các tờ rơi quảng cáo rao vặt cho vay tiền bằng hình thức cầm cố điện thoại, máy tính xách tay, bằng lái xe, đăng ký xe, thẻ sinh viên, chứng minh thư.

Tìm hiểu về dịch vụ cầm đồ tại TP Hà Nội, trên tuyến đường Láng, Thụy Khuê, Thanh Nhàn và nhiều ngõ phố nhỏ hẹp khác cho thấy, không ít cơ sở hoạt động ngầm cho vay nặng lãi, cầm cố tài sản trộm cắp, xe máy, xe ô-tô không chính chủ và liên kết các đối tượng đầu gấu, sẵn sàng đòi nợ thuê, đang khiến người dân lo ngại. Đối tượng mà các cơ sở này nhắm tới là sinh viên, lao động tự do ...

Khách hàng chỉ cần dùng thẻ sinh viên, bằng đại học, cao đẳng, đăng ký xe, chứng minh thư gọi tới địa chỉ in trên các tờ rơi quảng cáo là được đáp ứng tức thì, thậm chí các cơ sở còn cho người mang tiền đến tận nhà. Sinh viên vay thì lãi suất là 2.500 đồng đến 3.000 đồng/triệu đồng/ngày. Nếu không trả đúng hạn, lãi suất lại tăng lên 10.000 đồng/triệu đồng/ngày, thậm chí 20.000 đồng/triệu đồng/ngày. Với mức lãi suất siêu lợi nhuận này chẳng khác nào chiếc thòng lọng sẵn sàng siết nợ các khổ chủ. Như trường hợp Nguyễn Minh Long và bạn là Nguyễn Hồng Sơn ở Cầu Giấy, Hà Nội. Ông Nguyễn Hải T., bố Long cho biết: Con trai tôi vốn hiền lành, ham học, vậy mà chẳng hiểu sao đi vay số tiền lớn như vậy để ăn chơi, cờ bạc rồi hư hỏng. Thật không thể hiểu nổi. Cả đời tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện động trời như thế..

Qua tìm hiểu, Long và Sơn đã vay lãi số tiền 150 triệu đồng và 300 triệu đồng của Hoàng Quốc Anh 29 tuổi ở cùng phố với lãi suất 2.000 đồng/triệu/ngày. Số tiền có được cả hai dồn vào các phi vụ chơi bời, không hề nghĩ đến hậu quả. Khi không đòi được nợ, chủ nợ đã bắt và đánh đập Long và Sơn. Ông T. đã phải chứng kiến các đối tượng cho vay lãi nặng đánh đập con trai ông và bắt ông viết giấy nhận nợ.

Phòng Cảnh sát Hình sự Công an thành phố Hà Nội đã tiếp nhận nhiều vụ việc và xử lý nhiều đối tượng liên quan đến “tín dụng đen”. Các cơ quan chức năng đã cảnh báo về những kết cục nếu chạm tay tới những gói tín dụng không an toàn. Ngay tại những hiệu cầm đồ, các sinh viên đến cầm cố đồ đều được nói đến mức giá cao. Thí dụ một sinh viên cắm thẻ lấy 8 triệu đồng, với mức lãi suất 10.000 đồng/1 triệu/ngày thì một ngày số tiền lãi phải trả cho chủ hiệu là 80.000 đồng. Nếu không có tiền chuộc thẻ nhanh, trong vòng một tháng số tiền lãi đã lên tới 2,4 triệu đồng. Chỉ hai tháng thôi, số tiền lãi đã lên gần 5 triệu đồng.

Trung tá Nguyễn Xuân Vượng, Phó Trưởng Công an phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Thời gian qua, trên địa bàn phường đã xảy ra một số vụ người dân liên quan vay nặng lãi và những đối tượng ở địa bàn khác đến đòi nợ thuê. Đó là trường hợp chị Nguyễn Thị Thanh, ở số 43 đường Xuân Thủy, sau khi vay không có tiền trả, bỏ đi khỏi nhà, một số đối tượng đến dọa, siết nợ chồng chị là anh Đỗ Mạnh Hùng. Trong khi đó, anh Hùng không biết vợ mình vay mượn như thế nào, vay của ai, vay bao nhiêu tiền, vì hai vợ chồng sống ly thân, nên anh rất lo sợ. Sau khi trình báo, Công an phường đã can thiệp kịp thời, anh Hùng may mắn thoát nạn.

Hành vi quảng cáo tờ rơi tùy tiện ở nơi công cộng nêu trên là vi phạm Luật Quảng cáo. Nhưng xem ra, chính quyền ở một địa phương của TP Hà Nội và một số địa phương khác vẫn chưa thật sự quan tâm, dẹp bỏ loại hình quảng cáo này. Trao đổi với một số cán bộ Công an ở Hà Nội, chúng tôi nhận thấy: Tình trạng quảng cáo và cho vay nặng lãi thông qua các hình thức cầm đồ, qua thẻ sinh viên, chứng minh nhân dân, hộ khẩu, đăng ký xe máy, ôtô... như những quảng cáo của một số cơ sở cầm đồ, doanh nghiệp tư nhân nêu trên là lĩnh vực rất nhạy cảm về an ninh trật tự, dễ phát sinh tiêu cực, gây hậu quả khôn lường. Hơn lúc nào hết, lực lượng công an cần tăng cường, kiểm soát các cơ sở cầm đồ, ngăn chặn những đối tượng xấu liên kết với nhau nhằm  thao túng  "tín dụng đen", gây bất ổn xã hội!./.

Bài, ảnh: Thùy Linh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN