Cảnh giác trước các loại hình thiên tai nguy hiểm
(ĐCSVN) - Mùa mưa lũ đã bắt đầu đến. Đây cũng là khoảng thời gian người dân địa phương tại các khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai cần tiếp tục nâng cao tính cảnh giác, đồng thời sẵn sàng tâm thế, các giải pháp để ứng phó với thiên tai, nhất là đối với các loại hình thiên tai nguy hiểm như sạt lở đất, lũ quét,…
Lũ quét xảy ra tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An trong năm 2022 (Ảnh: P.V) |
Trong những ngày vừa qua, khu vực miền núi phía Bắc đã xảy ra mưa to đến rất to, phổ biến từ 150-250mm, có nơi trên 250mm, gây sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt và thiệt hại về người, cơ sở hạ tầng, nhà ở, sản xuất của người dân.
Đêm hôm qua và sáng sớm 26/6 tiếp tục ghi nhận ở khu vực phía Đông Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An tiếp tục có mưa vừa, cục bộ có mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 19h ngày 25/6 đến 7h ngày 26/6 ghi nhận có nơi trên 90mm như: Mỹ Lộc (Thái Bình) 99,4mm, Cửa Ông (Quảng Ninh) 140 mm, Cát Bà (Hải Phòng) 117,2mm, Quán Hành (Nghệ An) 100,6mm,…
Trong 24 giờ qua (từ 7 giờ ngày 25/6 đến 7 giờ ngày 26/6) ở khu vực các tỉnh vùng núi Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Quảng Yên 162,6mm (Quảng Ninh), Cẩm Trung 150,6mm (Quảng Ninh), Trường Sơn (Bắc Giang) 108,6mm, Lộc Bình 95,8mm (Lạng Sơn), Văn Quang 96,2mm (Lạng Sơn), Cây Thị (Thái Nguyên) 86,3mm,…
Trong khi đó, theo bản tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 25-27/6, khu vực miền núi phía Bắc tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to.
Với mưa lớn trong những ngày vừa qua và hiện chưa có dấu hiệu sẽ dừng trong những ngày tới, trong khi mưa lớn là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các loại hình thiên tai nguy hiểm như lũ quét, sạt lở đất. Cảnh báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cũng cho thấy, mưa to cục bộ có khả năng gây ra nguy cơ cao lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc trong những giờ tới tại nhiều huyện như: Thị xã Đông Triều, TP. Móng Cái, TP. Uông Bí, TP. Hạ Long, Ba Chẽ, Vân Đồn, Tiên Yên, Hải Hà,…(tỉnh Quảng Ninh), Chợ Đồn, Bạch Thông (Bắc Kạn), Đồng Hỷ, Phú Bình, Võ Nhai, Phú Lương (Thái Nguyên); Hữu Lũng, Văn Lãng, Tràng Định, Chi Lăng, Bắc Sơn,… (Lạng Sơn).
Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang đã gần bão hòa (trên 90%) hoặc đạt trạng thái bão hòa. Do đó, nếu mưa vẫn tiếp tục diễn ra trong những ngày tới, các địa phương những ngày qua chịu mưa lớn cần nâng cao cảnh giác với các loại hình thiên tai như lũ quét, sạt lở đất. Bởi đây chính là các loại hình thiên tai nếu không được cảnh báo trước về địa điểm cụ thể, thường xảy ra bất ngờ, nhanh, độ nguy hiểm cao và gây rất nhiều thiệt hại về về người và tài sản.
Theo số liệu thống kê, trong 20 năm qua (2001-2019) đã xảy ra 590 trận lũ quét trên hầu hết các tỉnh vùng núi phía Bắc ở Việt Nam. Những địa phương thường xuyên chịu thiệt hại do lũ quét là: Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn,…Trung bình hàng năm, toàn vùng xảy ra khoảng 30 trận lũ quét, riêng năm 2008 xảy ra tới 69 trận, trong đó, Lào Cai xảy ra 18 trận; Yên Bái xảy ra 17 trận, Lạng Sơn xảy ra 9 trận.
Với sạt lở đất, theo kết quả điều tra thống kê, từ năm 2001-2019, trên địa bàn 15 tỉnh miền núi phía Bắc (Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ), đã có 829 điểm xảy ra sạt lở đất. Số điểm sạt lở đất có xu hướng ngày càng tăng. Năm 2017, ghi nhận 235 điểm xảy ra sạt lở đất, trong đó, nhiều nhất là tại tỉnh Hòa Bình với 45 điểm, tỉnh Cao Bằng với 40 điểm. Sạt lở đất có thể xảy ra vài lần tại cùng 1 điểm. Kết quả thống kê sơ bộ năm 2018 đã có 3 điểm sạt lở đất lớn xảy ra tại Hòa Bình, Lào Cai, Sơn La gây ảnh hưởng lớn về người và tài sản.
Những con số thiệt hại do lũ quét và sạt lở đất gây ra là không hề nhỏ. Theo kết quả thống kê thu thập được, thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất từ năm 2001-2017 tại 15 tỉnh miền núi phía Bắc là hết sức nặng nề với tổng số 748 người chết; 52.544 nhà ở bị thiệt hại; 3.910 hộ phải di dời.
Gần đây, năm 2022, trận lũ quét đặc biệt nghiêm trọng diễn ra tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã làm 1 người chết, 14 nhà bị cuốn trôi; 85 nhà ngập; 19 nhà bị sạt lở; 15 điểm giao thông sạt lở, vùi lấp,…Trong lúc xảy ra lũ quét, nhiều bản bị cô lập hoàn toàn, không thể tiếp cận. Hậu quả của trận lũ quét để lại là hết sức nặng nề.
Đây là những số liệu thống kê được trong các báo cáo của địa phương và Trung ương về thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất. Có nhiều trận lũ quét, sạt lở đất không được thống kê thiệt hại hoặc thống kê không đầy đủ nên trên thực tế, mức độ thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất còn nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Khi sạt lở đất hay lũ quét đi qua đều gây những hậu quả rất lớn. Do vậy, việc nhận biết cũng như có các giải pháp để giảm thiểu việc xảy ra lũ quét, sạt lở đất là công việc mà chính quyền, người dân các địa phương cần quan tâm và chủ động các giải pháp để ứng phó khi mùa mưa bão đã bắt đầu đến.
Trước tiên chúng ta cần hiểu, về bản chất, lũ quét là một loại thiên tai thường xảy ra ở các vùng núi do khối lượng nước rất lớn di chuyển từ cao xuống thấp với tốc độ nhanh cuốn theo nhiều bùn đất hoặc các cục đá, tảng đá, cây cối, nhà cửa,…Lũ quét thường xảy ra đột ngột trong thời gian ngắn nhưng có sức tàn phá lớn.
Các dấu hiệu mà chúng ta có thể nhận biết lũ quét gồm: mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày hoặc mưa rất lớn trong nhiều giờ ở vùng núi; nước sông, suối chảy xiết chuyển màu đục; có tiếng động bất thường do đất, đá, cây cối bị dịch chuyển; xuất hiện những âm thanh lạ của dòng chảy (âm thanh như thác nước đổ),…
Với sạt lở đất, là hiện tượng khối đất ở sườn dốc bị tách khỏi vị trí ban đầu và dịch chuyển xuống phía dưới. Quá trình sạt lở là sự đan xen giữa hiện tượng dịch chuyển trượt và hiện tượng sụp đổ của khối đất ở sườn dốc.
Các dấu hiệu của sạt lở đất gồm: mưa trong thời gian dài hoặc mưa với cường độ rất lớn trong nhiều giờ. Nước chảy ra từ chân sườn dốc, khe, rãnh của sườn dốc mang theo bùn đất; xuất hiện vết rạn nứt ở bề mặt sườn dốc, bờ sông, suối. Mặt đất bắt đầu dịch chuyển xuống theo chiều dốc, các lớp đất ở khối trượt hạ thấp so với xung quanh. Kết cấu của các công trình xây dựng trên mặt đất bị thay đổi,…
Lũ quét và sạt lở đất có thể xảy ra ở những nơi mà chúng ta đều không ngờ tới. Do vậy, đây là những loại hình thiên tai rất nguy hiểm. Vì vậy, đang trong thời điểm mùa mưa bão đã đến, lượng mưa trong nhiều ngày qua tại nhiều địa phương đã ghi nhận lớn, do đó, việc đề phòng và chuẩn bị các giải pháp để phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do các loại hình thiên tai này gây ra là rất cần thiết.
Theo các chuyên gia, có rất nhiều các giải pháp để chúng ta phòng, tránh lũ quét và sạt lở đất. Trước tiên, có thể kể đến, đó là việc xây dựng các hệ thống thoát nước, các công trình bảo vệ sườn dốc nhằm giảm ảnh hưởng của mưa xuống lưu vực. Chủ động di dời những vùng đất cao có nguy cơ bị sạt trượt. Củng cố thảm phủ bề mặt trên sườn dốc, duy trì các công trình tường ngăn. Trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn - đây là giải pháp sinh thái kết hợp đa mục tiêu, vừa nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, vừa chống xói mòn, tăng thấm, giảm dòng chảy mặt, hạn chế khả năng tập trung dòng chảy lũ,…
Đi cùng với đó là việc sơ tán người dân khỏi vũng lũ quét. Đây chính là việc tái định cư tạm thời cho người dân từ các vùng có thể có nguy hiểm đến vùng an toàn hơn. Để thực hiện công tác này có hiệu quả thì việc cảnh báo sớm phải được làm trước một bước. Bên cạnh đó, để người dân có ý thức chủ động thì các kế hoạch về di dân phải được tuyên truyền đến cộng đồng trước đó.
Thứ nữa, đó là trước mùa mưa lũ, cần tổ chức diễn tập phương án phòng chống bão lụt ở cấp huyện, ở những nơi có điều kiện tổ chức ở cấp xã, phường nhằm phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, đặc biệt là lực lượng tại chỗ, thường xuyên tập luyện chủ động ứng phó khi sự cố xảy ra, trong đó có việc ứng phó với loại hình thiên tai lũ quét và sạt lở đất. Đồng thời, công tác cứu trợ khi lũ quét đi qua, đang trong khi ngập lũ là biện pháp đặc biệt cần thiết để giảm thiểu thiệt hại.
Thêm một giải pháp không thể không nhắc đến, đó là công tác nghiên cứu về lũ quét, sạt lở đất, xây dựng hệ thống cảnh báo, dự báo sớm lũ quét, sạt lở đất. Trong đó, cần lập bản đồ, phân vùng khả năng xuất hiện lũ quét, sạt lở đất. Việc này giúp đưa ra những dự báo, cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất, giúp cho người dân địa phương chủ động trong việc phòng tránh lũ quét, sạt lở đất, có biện pháp phòng ngừa lâu dài. Đồng thời, xây dựng, phổ biến, tập dượt các phương án đối phó với lũ quét, sạt lở đất cho nhân dân ở khu chịu lũ, nơi có nhiều khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Đặc biệt, đó là công tác phổ biến kiến thức phòng chống các loại hình thiên tai nguy hiểm cho người dân. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cần được thực hiện thường xuyên làm sao để cho mọi người dân đều được tiếp cận với các thông tin, kiến thức phòng chống thiên tai, qua đó, nhận thức mức độ nguy hiểm của thiên tai, biết cách tự bố trí phòng tránh.
Đây cũng là công tác đòi hỏi phải đạt hiệu quả để giúp người dân hiểu rõ phòng chống thiên tai là trách nhiệm của cả cộng đồng để từ đó đề cao ý thức cảnh giác, theo dõi chặt chẽ thông tin thời tiết thủy văn, tuân thủ sự chỉ đạo chung trong các vấn đề phòng chống thiên tai của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, đoàn kết, tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau trong hoạn nạn.
Trước diễn biến của mưa lớn trong những ngày vừa qua, tại Công điện 02/CĐ-QG, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai – Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã đề nghị các tỉnh miền núi phía Bắc cần theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân để chủ động phòng tránh. Đồng thời, khẩn trương triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Sạt lở đất, lũ quét là các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra tại nước ta, nhất là tại các tỉnh miền núi. Do vậy, đây cũng là khoảng thời gian mà chính quyền các địa phương, người dân vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai này cần đề cao tính cảnh giác, đồng thời, nâng cao tính chủ động phòng ngừa để giảm thiểu thiệt hại từ các loại hình thiên tai nguy hiểm này./.