Cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn chống phá bầu cử
(ĐCSVN) - Ngày 23 tháng 5 tới đây, toàn dân ta đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trong khi cử tri, nhân dân náo nức, phấn khởi sẵn sàng thực hiện quyền công dân của mình thì các đối tượng cơ hội lại được dịp “đục nước béo cò” tuyên truyền xuyên tạc, ra sức chống phá cuộc bầu cử.
Ảnh minh họa. (Ảnh: tuyengiaoangiang.vn) |
Lật lại những trang sử vàng của đất nước, trong giai đoạn “ngàn cân treo sợi tóc” những năm đầu của chính quyền nhân dân non trẻ, chúng ta thật cảm kích trước việc Bác Hồ kính yêu trong bộn bề công việc vẫn đặt lên hàng đầu công tác bầu cử. Người thiết tha kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân đi bỏ phiếu. Người không chỉ quan tâm đến việc động viên nhân dân sử dụng quyền dân chủ cơ bản của mình mà còn ân cần giải thích rất rõ ràng để mọi người dễ hiểu, dễ nghe, nắm được tầm quan trọng của quyền bầu cử. Người nói “…Trước hết, tôi xin tóm tắt Luật bầu cử của ta thật là dân chủ. Tất cả các công dân gái cũng như trai, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử, tự do lựa chọn người thay mặt mình…”.
Ôn lại tấm gương của Bác Hồ kính yêu trong công tác bầu cử, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người, chúng ta càng tâm niệm, nguyện ra sức học tập, rèn luyện và công tác, phấn đấu đi theo con đường mà Người đã chọn, quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn dân tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Thông qua cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội lần này làm dấy lên phong trào thi đua xây dựng cơ quan Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở thực sự trong sạch, vững mạnh đủ sức đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh trên đường hội nhập vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Cuộc bầu cử là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân thể hiện bản chất tốt đẹp, dân chủ, nhân văn của chế độ, Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân với cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng trên mọi mặt của đời sống xã hội. Lợi dụng vào sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng này, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị đã ra sức tuyên truyền xuyên tạc, bịa đặt chống phá cuộc bầu cử. Luận điệu mà chúng tuyên truyền đả kích về nội dung, bản chất thì không có gì mới nhưng về hình thức thì ngày càng xảo quyệt, tinh vi hơn. Mục tiêu, thủ đoạn chống phá của chúng chẳng khác gì như “bình mới, rượu cũ”, có thể khái quát ở một số nội dung sau:
Một là, xuyên tạc kích động phá hoại cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Chúng bịa đặt, suy diễn “việc bầu cử Quốc hội không phải là quyền lợi, nghĩa vụ, không có dân chủ, đều là sự sắp đặt nhân sự có chủ ý; sắp xếp ghế ngồi”, nhân dân không có quyền thật sự. Từ đó, chúng kêu gọi phải sửa đổi nguyên tắc, quy định bầu cử tạo điều kiện cho tất cả mọi người được ứng cử tự do, còn “với tư cách tổ chức bầu cử này, xã hội sẽ không có dân chủ”.
Hai là, chúng kêu gọi toàn dân tẩy chay cuộc bầu cử. Tổ chức khủng bố Việt Tân, Hội anh em dân chủ, những phần tử phản động, lưu vong kêu gọi tẩy chay bầu cử. Chúng ngụy biện tung ra các luận điệu “công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên tham gia bỏ phiếu bầu cử là quyền con người, quyền công dân, không phải là nghĩa vụ công dân”
Ba là, hạ thấp vai trò của Quốc hội với luận điệu xuyên tạc như “tất cả những người mà được gọi là đại biểu quốc hội đều được lựa chọn quyết định từ trước, bầu cử chỉ là hình thức”...
Bốn là, thông tin bịa đặt bôi nhọ đời tư của lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước được đề cử, ứng cử đại biểu quốc hội. Chúng bịa đặt về nguồn gốc xuất thân, gia đình tới bản thân cán bộ lãnh đạo. Những thông tin bịa đặt được viết theo kiểu quy chụp đen tối, bao nhiêu tiêu cực xấu xa đều quy cho cán bộ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quy chụp cho chế độ.
Mỗi người dân cần nhận thức sâu sắc cuộc bầu cử là ngày hội lớn để bầu ra cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là Quốc hội và cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, thể hiện bản chất chế độ, tính dân chủ, nhân dân sâu sắc của Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Quy định bầu cử Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp về quá trình, nguyên tắc, tổ chức, ứng cử, tự ứng cử, quyền lợi, nghĩa vụ công dân… đã được pháp luật quy định một cách chặt chẽ trong Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp và văn bản quy phạm pháp luật liên quan, được thể hiện một cách cẩn trọng, chắc chắn, dân chủ, khách quan.
Noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác bầu cử, mỗi công dân cần nhận diện thủ đoạn, ý đồ hành động chống phá của các thế lực thù địch, phản động để nhân dân, cử tri đề cao cảnh giác, không a dua, cổ xúy, mắc mưu kẻ xấu, nâng cao ý thức công dân trong sự kiện chính trị quan trọng của nước nhà./.