Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cảnh báo về lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội

Thứ Sáu, 28/10/2022 10:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Mặc dù trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều cảnh báo về việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, về tội phạm công nghệ cao nhưng trên thực tế, với những chiêu trò vô cùng tinh vi của bọn lừa đảo thì số người bị “sập bẫy” vẫn không ngừng gia tăng.

 Công an TP Hồ Chí Minh triệt phá một đường dây mạo danh ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản (nguồn ảnh: báo pháp luật)

Theo đại diện Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an cho biết, thời gian qua, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng với diễn biến ngày càng phức tạp và thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Bộ Công an đã khởi tố gần 500 vụ án và hơn 1.000 bị can liên quan các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, bằng con số của cả năm 2020, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2021. Một số vụ án đã được triệt phá trong thời gian gần đây có thể kể tới như vụ công an Thanh Hóa triệt phá băng nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn sử dụng công nghệ cao, lập sàn giao dịch tiền ảo trên trang web tradenew.io với tổng số tiền giao dịch trên 1.000 tỉ đồng, chiếm đoạt tiền của người đầu tư. Công an Thanh Hóa cũng triệt phá nhóm đối tượng lập sàn thương mại điện tử Bigbuy24h.com để chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền chiếm đoạt hơn 517 tỉ đồng…

Công an Hà Tĩnh đấu tranh triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng bằng hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng online, bắt giữ, triệu tập 83 đối tượng, khởi tố 41 bị can…

Tình hình tội phạm công nghệ cao giả mạo tin nhắn các ngân hàng gửi đến điện thoại di động để lừa khách hàng truy cập hiện cũng có chiều hướng diễn biến phức tạp, con số thiệt hại lên đến hàng trăm tỉ đồng. Mới đây, tại TP Hồ Chí Minh, Công an quận Tân Phú phối hợp cùng Phòng Cảnh sát Hình sự - PC02 - Công an TP Hồ Chí Minh triệt phá một đường dây mạo danh ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong lời khai ban đầu, nhóm đối tượng thừa nhận đã thực hiện hành vi lừa đảo nhiều người dân khắp các tỉnh thành trong cả nước. Riêng ở TP Hồ Chí Minh, nhóm khai lừa đảo hơn 600 người…

Nói về nguyên nhân của các vụ lừa đảo sử dụng công nghệ cao hiện nay, đại diện C02 cho biết một phần do công tác tuyên truyền chưa được sâu, rộng dẫn đến việc người dân chưa hiểu biết, cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin về quy hoạch, chế độ, chính sách xã hội, đầu tư sản xuất... Bên cạnh đó, còn có một bộ phận người dân nhận thức pháp luật còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa thiếu hiểu biết về chủ trương, chính sách và nhẹ dạ cả tin, hám lợi… để tội phạm có cơ hội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cùng với đó, một số văn bản quy phạm pháp luật trên một số lĩnh vực liên quan còn thiếu đồng bộ, công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, an ninh mạng, đất đai, công chứng… còn tồn tại sơ hở, thiếu sót nên tội phạm lừa đảo lợi dụng hoạt động.

Các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội, sau đó, nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè của người bị hại

Từ thực tế phức tạp của hoạt động lừa đảo hiện nay, công an khuyến cáo người dân không công khai các thông các tin cá nhân lên các trang mạng xã hội. Khi chia sẻ thông tin, cần chọn lọc những thông tin có thể chia sẻ công khai, thông tin giới hạn người xem.

Cảnh giác những chiêu trò nhận thưởng qua mạng mà yêu cầu nạp tiền thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng; tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn với những người lạ trên mạng xã hội, đặc biệt là những người hứa hẹn cho, tặng số tiền lớn, những món quà đắt tiền.

Cảnh giác với những website giả mạo dịch vụ chuyển tiền quốc tế, giả mạo website ngân hàng. Tuyệt đối không cung cấp mã OTP do ngân hàng gửi cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng.

Đối với các tin nhắn qua mạng xã hội, qua điện thoại, người quen, bạn bè nhờ mua thẻ cào điện thoại, nhờ chuyển tiền hộ, cần gọi điện trực tiếp để xác nhận thông tin với người nhà, không trao đổi qua tin nhắn.

Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân khi bị lừa đảo, nạn nhân phải liên hệ ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để trình báo, thực hiện các bước xác minh của cơ quan có thẩm quyền. Với lừa đảo liên quan đến giao dịch chuyển tiền qua tài khoản, phải liên hệ ngay với các ngân hàng mà mình đã thực hiện các giao dịch thanh toán, để có hoạt động tra soát những giao dịch. Nếu nhanh chóng có thể thu hồi được.

Dù có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng phải thừa nhận rằng mấu chốt của những thủ đoạn lừa đảo là đánh vào lòng tham của nhiều người, cũng như sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu cảnh giác. Do đó, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo thì thiết nghĩ chính mỗi chúng ta cũng cần phải tự nâng cao sự cảnh giác, trình độ hiểu biết pháp luật, công nghệ để tránh “sập bẫy” trước các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi hiện nay.

Cảnh báo 8 thủ đoạn các đối tượng thường lừa đảo qua mạng:

1. Giả mạo các trang thông tin điện tử cơ quan, doanh nghiệp (bảo hiểm xã hội, ngân hàng…) đánh cắp, chiếm đoạt thông tin dữ liệu cá nhân của người đăng nhập; hoặc thiết lập các trạm BTS viễn thông giả mạo để phát tán tin nhắn thương hiệu (SMS Branname) của các ngân hàng để đánh cắp thông tin, tài khoản người dùng sau đó thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

2. Thông qua hoạt động của các sàn đầu tư chứng khoán quốc tế, giao dịch vàng, ngoại hối, quyền chọn nhị phân (BO), giao dịch tiền ảo, dự án bất động sản… hoặc hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép qua mạng để quảng cáo, lôi kéo số lượng lớn người tham gia đầu tư, kinh doanh nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt số tiền của người tham gia.

3. Đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng online trên các trang mạng xã hội để chiếm đoạt số tiền tạm ứng hoặc thanh toán đơn hàng.

4. Sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội, sau đó, nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè của người bị hại; hoặc chiếm đoạt quyền sử dụng SIM điện thoại bằng cách gọi điện tư vấn chuyển đổi hoặc nâng cấp SIM điện thoại sang mạng 4G miễn phí, từ đó chiếm đoạt mật khẩu tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản mạng xã hội để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

5. Giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện qua giao thức VoIP để hăm dọa bị hại có liên quan đến các vụ án đang điều tra, yêu cầu bị hại chuyển tiền đến các tài khoản do các đối tượng chỉ định hoặc yêu cầu cung cấp mã OTP để xác thực chuyển tiền để kiểm tra, xác minh sau đó chiếm đoạt.

6. Thông qua hoạt động thương mại điện tử để rao bán hàng giả, hàng nhái.

7. Sử dụng thông tin trên CCCD để đăng ký mã số thuế ảo hoặc để vay tiền các tổ chức tín dụng trên mạng xã hội với lãi suất “cắt cổ” hoặc sử dụng thông tin để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

8. Thủ đoạn cố ý chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng để lừa đảo: các đối tượng cố ý chuyển nhầm một khoản tiền vào tài khoản của bị hại, rồi giả danh là người thu hồi nợ, yêu cầu người nhận trả lại số tiền kia như một khoản vay với lãi suất “cắt cổ”./.

V.Lê

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN