Cảnh báo tình trạng lao động trẻ em trên thế giới
(ĐCSVN) – Theo một báo cáo chung của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) vừa công bố ngày 9/6, 160 triệu trẻ em là nạn nhân của lao động trẻ em trên toàn thế giới và 9 triệu em khác đang gặp rủi ro do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
ILO và UNICEF cảnh báo tình trạng lao động trẻ em trên thế giới. (Ảnh: UNICEF) |
Báo cáo “Lao động trẻ em: Ước tính toàn cầu 2020, Xu hướng và Con đường phía trước” - được công bố vào thời điểm trước Ngày Thế giới phòng chống lao động trẻ em (12/6) - cảnh báo rằng những tiến bộ trong việc chấm dứt lao động trẻ em đã bị đình trệ lần đầu tiên sau 20 năm. Báo cáo cũng ghi nhận sự gia tăng 8,4 triệu trẻ em trong 4 năm qua, đảo ngược xu hướng giảm trước đó là lao động trẻ em giảm 94 triệu trong giai đoạn 2000 – 2016.
Trẻ càng nhỏ, công việc càng nguy hiểm hơn
Báo cáo của UNICEF và ILO ghi nhận sự gia tăng đáng kể số lượng trẻ em từ 5 – 11 tuổi tham gia lao động, hiện chiếm hơn một nửa tổng số trẻ em toàn cầu.
Số trẻ em từ 5 – 17 tuổi làm công việc độc hại - được định nghĩa là công việc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, sự an toàn hoặc sự phát triển đạo đức của chúng - đã tăng 6,5 triệu kể từ năm 2016 lên 79 triệu.
Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder cho biết: “Những ước tính mới là một lời cảnh tỉnh. Chúng ta không thể đứng yên khi một thế hệ trẻ em mới gặp rủi ro”. Theo ông, bây giờ là lúc chúng ta phải tái tạo cam kết và nghị lực để vượt qua cột mốc quan trọng này và phá vỡ chu kỳ đói nghèo và lao động trẻ em. Tổng Giám đốc ILO lập luận: “Bảo trợ xã hội toàn diện cho phép các gia đình cho con cái đến trường ngay cả trong thời điểm khó khăn về kinh tế”. Ông cũng đồng thời kêu gọi tăng cường đầu tư vào phát triển nông thôn và tạo công ăn việc làm cho cộng đồng nông nghiệp tại thời điểm quan trọng này.
Đại dịch COVID-19 cản trợ tiến bộ
Tại khu vực châu Phi cận Sahara, sự gia tăng dân số, các cuộc khủng hoảng tái diễn, nghèo đói cùng cực và các biện pháp bảo trợ xã hội không đầy đủ đã dẫn đến tình trạng thêm 16,6 triệu trẻ em bị ép buộc lao động trong 4 năm qua.
Ngay cả ở những khu vực đã có tiến bộ kể từ năm 2016, chẳng hạn như châu Á - Thái Bình Dương và châu Mỹ Latinh và Caribe, đại dịch COVID-19 cũng đang đặt tiến bộ đó rơi vào nguy cơ.
Báo cáo cảnh báo rằng sẽ có thêm 9 triệu trẻ em trên toàn cầu có nguy cơ bị đẩy vào lao động trẻ em vào cuối năm 2022 do hậu quả của đại dịch. Một mô hình mô phỏng cho thấy con số này có thể lên tới 46 triệu nếu họ không được tiếp cận với các bảo trợ xã hội thiết yếu.
Giám đốc Điều hành UNICEF Henrietta Fore cho biết: “Chúng ta đang mất chỗ đứng trong cuộc chiến chống lại lao động trẻ em và năm qua đã không làm cho cuộc chiến này trở nên dễ dàng hơn”.
Các cú sốc kinh tế và việc đóng cửa trường học liên quan đến COVID-19 có nghĩa là trẻ em đã tham gia lao động có nguy cơ phải làm việc nhiều hơn hoặc trong điều kiện xuống cấp, trong khi nhiều trẻ em khác có thể bị buộc vào hình thức lao động tồi tệ nhất của trẻ em do mất việc làm và thu nhập trong các gia đình vốn đã dễ bị tổn thương.
Giám đốc Điều hành UNICEF nhấn mạnh hiện chúng ta đang bước vào năm thứ hai của đại dịch khi nhiều hoạt động trên toàn cầu bị đình trệ, đóng cửa trường học, gián đoạn kinh tế và cắt giảm ngân sách quốc gia, “các gia đình chỉ còn lại những lựa chọn đau lòng”. Bà Fore kêu gọi các chính phủ và ngân hàng phát triển quốc tế “ưu tiên đầu tư vào các chương trình đưa trẻ em ra khỏi lực lượng lao động và đưa chúng trở lại trường học, và vào các chương trình bảo trợ xã hội có thể giúp các gia đình tránh đưa ra lựa chọn này trước tiên”.
Để đảo ngược xu hướng gia tăng trong lao động trẻ em, ILO và UNICEF đang vận động bảo trợ xã hội đầy đủ cho tất cả mọi người, bao gồm giảm trừ gia cảnh, tăng chi tiêu cho giáo dục miễn phí và có chất lượng, để tất cả trẻ em được trở lại đi học, khuyến khích công việc tốt cho người lớn, để các gia đình không còn phải sử dụng lao động trẻ em với mục đích tạo thu nhập cho gia đình.
Theo báo cáo: • 70% lao động trẻ em (112 triệu) làm viêc trong khu vực nông nghiệp, tiếp theo là khu vực dịch vụ, với 20% (31,4 triệu) và công nghiệp với 10% (16,5 triệu). • Gần 28% trẻ em từ 5 – 11 tuổi và 35% trẻ em từ 12 – 14 tuổi lao động mà không được đi học. • Lao động trẻ em ở trẻ em trai phổ biến hơn so với trẻ em gái, không phân biệt tuổi tác. Nếu tính đến các công việc gia đình được thực hiện từ 21 giờ trở lên mỗi tuần, thì khoảng cách giới sẽ thu hẹp lại. • Tỷ lệ lao động trẻ em ở nông thôn (14%) cao hơn gần 3 lần so với thành thị (5%). • Trẻ em lao động có nguy cơ bị tổn hại về thể chất và tinh thần. Lao động trẻ em làm tổn hại đến giáo dục, hạn chế quyền và hạn chế triển vọng tương lai của các em, và dẫn đến vòng luẩn quẩn của nghèo đói và lao động trẻ em từ thế hệ này sang thế hệ khác. |