Cảnh báo lừa đảo đưa lao động đi nước ngoài
(ĐCSVN) - Thu tiền cọc, cố tình giữ giấy tờ gốc dù ứng viên có nguyện vọng lấy lại,… đó là những nội dung bạn đọc phản ánh liên quan đến hoạt động thi tuyển, đưa người đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài của Công ty Cổ phần Đào tạo và Phát triển Cộng đồng. Dư luận cho rằng, cơ quan chức năng cần sớm làm rõ và xử lý những sai phạm (nếu có) của doanh nghiệp này để bảo vệ quyền lợi của người lao động có nhu cầu làm việc tại nước ngoài.
Thời gian gần đây, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhận được đơn thư của bạn đọc phản ánh về một số vi phạm của Công ty Cổ phần Đào tạo và Phát triển Cộng đồng trong việc tổ chức thi tuyển, đưa người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài.
Cụ thể, nội dung đơn phản ánh của chị Nguyễn Thị Như Mơ ở phường Lê Hồng Phong, thành Phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam cho biết, ngày 23/06/2023, chị Mơ đăng ký tham gia thi tuyển đơn hàng kỹ sư Nhật Bản do Công ty Cổ phần Đào tạo và Phát triển Cộng đồng tổ chức tại địa điểm: Số 7B, khu đô thị Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội. Công ty yêu cầu chị Mơ và các ứng viên khác ký "Bản cam kết tự nguyện" và nộp giấy tờ gốc bao gồm: Bằng tốt nghiệp, bảng điểm, giấy chứng nhận thực tập sinh về nước đúng thời hạn, chứng chỉ Nattest N4 cùng với 10 triệu đồng tiền cọc thi tuyển. Trong đợt thi tuyển này, có tất cả 15 ứng viên tham gia.
Một phiếu thu tiền của Công ty Cổ phần Đào tạo và Phát triển Cộng đồng. Ảnh: TL. |
Tuy nhiên sau đó, do thấy nhiều điểm không hợp lý, chị Mơ đã yêu cầu Công ty Cổ phần Đào tạo và Phát triển Cộng đồng hoàn trả lại giấy tờ gốc và số tiền 10 triệu đồng. Song, đến nay sau nhiều tháng, Công ty vẫn chưa hoàn trả theo yêu cầu của chị Mơ. Theo chị Mơ, hoạt động của Công ty Cổ phần Đào tạo và Phát triển Cộng đồng có nhiều dấu hiệu “bất thường”, biểu hiện vi phạm pháp luật.
Tìm hiểu được biết, Công ty Cổ phần Đào tạo và Phát triển Cộng đồng có địa chỉ trụ sở chính tại số 23 Nguyễn Bá Khoản, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã thường xuyên tổ chức các hoạt động thi tuyển, đưa người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Điều đáng nói, theo phản ánh của người lao động, việc thi tuyển, đưa người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài của Công ty Cổ phần Đào tạo và Phát triển Cộng đồng có nhiều dấu hiệu đáng nghi ngờ như: Gửi thông báo trúng tuyển cho ứng viên nhưng không có dấu xác nhận; cố tình giữ giấy tờ gốc và tiền của ứng viên;… Nhiều người còn đặt câu hỏi về tư cách pháp nhân và giấy phép hoạt động của đơn vị này khi tổ chức hoạt động thi tuyển, đưa người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài.
Thông báo trúng tuyển do Công ty Cổ phần Đào tạo và Phát triển Cộng đồng cấp cho ứng viên. Ảnh: TL. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật sư Nguyễn An Bình, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội nhìn nhận, về bản chất, việc nộp tiền và tham gia thi tuyển để được đi xuất khẩu lao động là giao dịch dân sự giữa ứng viên với Công ty Cổ phần Đào tạo và Phát triển Cộng đồng. Tuy nhiên, việc Công ty tuyển dụng lao động giữ văn bằng gốc của ứng viên là hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật hiện hành. Điều 17, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:
“Điều 17. Hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động
1. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
3. Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.
Theo quy định này, việc giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động là hành vi trái pháp luật. Do đó, Công ty Cổ phần Đào tạo và Phát triển Cộng đồng không có quyền giữ bằng gốc của người lao động.
Bên cạnh đó, điểm a, khoản 2, Điều 9, Nghị định 12/2022/NĐ-CP cũng quy định về mức xử phạt đối với hành vi nêu trên.
Cụ thể, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng đối với người sử dụng lao động khi có hành vi giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng hoặc chứng chỉ của người lao động khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động.
Đặc biệt, theo khoản 1, Điều 6, Nghị định 12/2022/NĐ-CP, trường hợp tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi với số tiền từ 40 - 50 triệu đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền, tổ chức, cá nhân vị phạm còn buộc phải trả lại văn bằng gốc đã giữ của người lao động.
Cũng theo Luật sư Nguyễn An Bình, việc tổ chức thi tuyển, đưa người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài là lĩnh vực hoạt động có điều kiện được quy định cụ thể tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Doanh nghiệp đưa người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài phải có Giấy phép đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp. "Đối với người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, cần tìm hiểu kỹ tư cách pháp nhân, giấy phép hoạt động của doanh nghiệp tổ chức hoạt động thi tuyển, đưa người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Trường hợp phát hiện dấu hiệu bất thường, người lao động có quyền báo với cơ quan chức năng để tránh trở thành nạn nhân của các hoạt động lừa đảo, trục lợi", Luật sư Bình chia sẻ thêm.
Được biết, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, chị Nguyễn Thị Như Mơ đã gửi đơn tố cáo dấu hiệu phạm tội của doanh nghiệp này đến cơ quan công an và một số cơ quan của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Hiện các cơ quan đang thu lý giải quyết theo quy định của pháp luật.
Thực tế cho thấy, đẩy mạnh đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đang là chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước ta; qua đó, vừa tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao trình độ cho người lao động, vừa góp phần tăng nguồn kiều hối, thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Song, lợi dụng chủ trương này, thời gian qua vẫn có một số đơn vị cố tình vi phạm các quy định của pháp luật về tổ chức thi tuyển, đưa người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Không ít người lao động đã trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo, trục lợi trong hoạt động xuất khẩu lao động.
Liên quan đến những thông tin phản ánh về những sai phạm trong hoạt động của Công ty Cổ phần Đào tạo và Phát triển Cộng đồng, thiết nghĩ cơ quan chức năng các cấp cần sớm vào cuộc xác minh làm rõ và xử lý những sai phạm để bảo vệ quyền lợi của người lao động có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài. Qua đó, vừa bảo đảm hiệu quả thiết thực trong một chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước, vừa thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo vệ những doanh nghiệp hoạt động chân chính./.