Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cảnh báo chiêu trò lợi dụng kêu gọi từ thiện để lừa sinh viên

Chủ Nhật, 08/09/2024 14:00 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Mới đây, trường Đại học Sài Gòn phát đi cảnh báo lừa đảo quyên góp. Cụ thể, sinh viên trường nhận được một văn bản với nội dung: Thư kêu gọi ủng hộ quỹ ''Vì biển, đảo Việt Nam'' năm 2024. Trong thư, sinh viên được kêu gọi tham gia ủng hộ quỹ tùy theo khả năng và sẽ cộng điểm rèn luyện. Thời hạn đóng góp là trước 15/9.

Đại học Sài Gòn ra cảnh báo lừa đảo quyên góp. Ảnh: HC 

Đại học Sài Gòn khẳng định nhà trường không có bất kỳ văn bản nào kêu gọi sinh viên quyên góp để ủng hộ quỹ "Vì biển, đảo Việt Nam". Khi thấy những tin nhắn kêu gọi ủng hộ, quyên góp mang danh nghĩa trường Đại học Sài Gòn trên mạng xã hội, sinh viên cần liên hệ cố vấn học tập, văn phòng khoa hoặc các kênh thông tin chính thống của nhà trường.

Nhà trường cũng lưu ý, sinh viên cần cảnh giác trước thông tin từ các nguồn không rõ ràng, không chính thống, nhất là từ các tài khoản trên mạng xã hội mà sinh viên không nắm rõ tài khoản đó do ai quản lý.

Trước đó, Đại học Sài Gòn cũng ra cảnh báo lừa đảo nhập học. Cụ thể, nhà trường tiếp nhận thông tin một số thí sinh trúng tuyển nhận được tin nhắn yêu cầu đóng lệ phí nhập học với số tiền hơn 6,9 triệu đồng vào một số tài khoản ngân hàng theo hướng dẫn. Trường này khẳng định, không chủ động gọi điện, gửi tin nhắn, thư điện tử đến thí sinh trúng tuyển để yêu cầu đóng lệ phí nhập học.

Không chỉ Đại học Sài Gòn, rất nhiều trường đại học trên cả nước đã phát đi cảnh báo, nhắc nhở tân sinh viên và phụ huynh cẩn trọng trước những tin nhắn lừa chuyển tiền học phí, tiền ký túc xá.

Trường Đại học Công Thương TP.HCM phát cảnh báo về việc một số thí sinh nhận được tin nhắn nhập học từ tài khoản có tên được viết theo tên viết tắt của trường là HUIT.

Tin nhắn có nội dung: "HUIT - Chúc mừng bạn đã trúng tuyển chính thức. Mời bạn đến HUIT nhập học từ ngày 18/8 đến 17h ngày 27/8. Đồng thời, HUIT tặng ngay ưu đãi 3 triệu đồng dành cho 2.000 thí sinh nhập học sớm nhất". Đáng chú ý, link nhập học để tên là HUIT nhưng số điện thoại trong tin nhắn lại là của trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF). Nhà trường khẳng định, đây là tin nhắn lừa đảo.

Trường Đại học Mở TP.HCM phát cảnh báo về việc giả mạo tài khoản của trường yêu cầu thí sinh trúng tuyển chuyển học phí, hoàn tất thủ tục nhập học. Trường chỉ thu học phí tiền mặt với thí sinh trúng tuyển khi nhập học. Trường không nhận thanh toán học phí bằng hình thức chuyển khoản.

Không chỉ lừa đảo học phí, trường Đại học Phenikaa cho hay, ban quản lý ký túc xá của trường nhận được thông tin đang có một số tài khoản mạng xã hội giả danh giảng viên, nhân viên nhà trường lừa đảo mua bán suất ở tại ký túc xá. Nhà trường khẳng định không có việc mua bán, nhường chỗ ở này.

Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cũng phát đi cảnh báo lừa đảo đóng tiền ký túc xá dành cho tân sinh viên. Theo đó, trường nhận được phản ánh về việc một số đối tượng gửi tin nhắn yêu cầu sinh viên chuyển khoản để đặt cọc ký túc xá hoặc sử dụng các dịch vụ khác mà trường cung cấp. Đại học Hàng hải Việt Nam lưu ý đây là hình thức lừa đảo trực tuyến. Thí sinh tuyệt đối không chuyển khoản cho bất kỳ tài khoản cá nhân nào qua mạng vì những lý do khác nhau.

Trường Đại học Giao thông vận tải lưu ý, hiện xuất hiện một số đối tượng nhân danh cán bộ của trường kêu gọi tân sinh viên đăng ký phòng ở ký túc xá và phải chuyển khoản đặt cọc đến tài khoản cá nhân. Nhà trường khẳng định không cho đăng ký và chuyển khoản đặt cọc ở ký túc xá qua bất kì cá nhân nào.

Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM cũng phát đi cảnh báo một số đối tượng không phải là cán bộ, chuyên viên, sinh viên của trường lập ra các nhóm tư vấn tuyển sinh mạo danh trường. Thí sinh không nghe và làm theo tư vấn của các nhóm mạo danh này, nhất là chuyển khoản học phí nhập học.

Ngoài ra, trường cũng lưu ý về những cuộc gọi mời tham gia các khóa học tiếng Anh, Tin học và việc làm thêm. Rất nhiều trong số này là các nhóm đa cấp, thí sinh cần cẩn trọng với những lời mời gọi này./.

HC

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN