Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cảnh báo chiêu thức giả mạo công chức lừa cài ứng dụng lừa đảo

Thứ Sáu, 14/04/2023 17:25 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Cục Thuế TPHCM cảnh báo về chiêu thức giả mạo công chức, viên chức ngành thuế cung cấp đường dẫn và hướng dẫn cài đặt các ứng dụng giả mạo, nhằm chiếm quyền điều khiển điện thoại, thiết bị thông minh, lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng.

 Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Hải Hà

Chiều 13-4, UBND TPHCM tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố. Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.

Tại buổi họp báo, Cục Thuế TPHCM có thông tin cảnh báo chiêu thức giả mạo công chức, viên chức ngành thuế cung cấp đường dẫn và hướng dẫn cài đặt các ứng dụng giả mạo, nhằm chiếm quyền điều khiển điện thoại, thiết bị thông minh, lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng.

Cục Thuế TPHCM cho biết các ứng dụng của ngành trên điện thoại chỉ thông qua Google Play và AppleStore. Người nộp thuế cần truy cập và tải ứng dụng qua các nền tảng này. Người dân không tải hoặc cài đặt ứng dụng không chính thống.

Cục Thuế TPHCM lưu ý một dấu hiệu nhận diện lừa đảo là khi cài đặt, các ứng dụng này thường yêu cầu cấp quyền như xem màn hình, dữ liệu nhập, điều khiển màn hình… Người dân cần kiểm tra ứng dụng và các tính năng ứng dụng trước khi cấp các quyền trên.

Tại buổi họp báo, phóng viên phản ánh tình trạng một số cơ sở giải trí có mặt tiền “vàng” nhưng đóng cửa nhiều năm, xuống cấp nghiêm trọng như: Kịch Sài Gòn (130 Cao Thắng, quận 3), Trung tâm tổ chức biểu diễn và điện ảnh (quận 5), Nhà hát nghệ thuật hát bội (Lý Tự Trọng, quận 1). Phóng viên đặt vấn đề với Sở VH-TT TPHCM về giải pháp phục hồi và phát huy hiệu quả những cơ sở này.

Trước vấn đề này, Phó Chánh Văn phòng Sở VH-TT TPHCM Nguyễn Mỹ Ngọc, cho biết hiện nay phần lớn các rạp hát do Sở quản lý được tiếp quản từ những năm 1975 nên khó tránh khỏi việc xuống cấp, không đủ điều kiện hoạt động.

Thời gian qua, các công trình chưa được đầu tư sửa chữa lớn, chủ yếu sửa chắp vá tạm thời. Một số cơ sở mặt bằng đã xuống cấp trầm trọng, buộc phải tạm ngưng hoạt động.

Theo bà Nguyễn Mỹ Ngọc, hiện chỉ có 2 nhà hát có thể hoạt động là Nhà hát Thành phố và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, các địa điểm còn lại hầu hết không đạt chuẩn về sân khấu, hệ thống âm thanh, ánh sáng…

Thời gian qua, Sở VH-TT TPHCM đã nghiên cứu đề xuất cải tạo, nâng cấp 13 hạng mục sửa chữa lớn và xây dựng mới các công trình văn hóa với 1.400 tỷ đồng. Đồng thời, Sở cũng dự kiến các dự án kêu gọi xã hội hóa theo hình thức đối tác công tư (PPP) và kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi nghị quyết thay thế nghị quyết 54 được Quốc hội thông qua.

Thông tin thêm, Phó Chánh Văn phòng Sở VH-TT TPHCM cho biết hiện nay, Sở được thành phố chấp thuận chủ trương xây dựng một số công trình như dự án Rạp xiếc đa năng Phú Thọ, dự kiến khởi công trong quý 2 với 1.300 tỷ đồng; dự án xây dựng Trung tâm Nghệ thuật truyền thống với 1.020 tỷ đồng./.

Trần Hoài Linh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN