Cảnh báo các vụ việc điều tra đối với hàng xuất khẩu vào thị trường các nước CPTPP
(ĐCSVN) - Doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chiến lược ứng phó phù hợp để đạt được hiệu quả và tránh làm ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời nâng cao năng lực sử dụng công cụ phòng vệ thương mại trong bối cảnh số lượng các vụ việc điều tra đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ta có sự gia tăng rõ rệt.
Thực hiện chủ trương chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã tham gia 15 FTA, trong đó có các FTA thế hệ mới với những cam kết toàn diện, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Hiệp định này một mặt mở rộng thị trường, đem lại lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, nhất là những ưu đãi về thuế quan song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về những rào cản thương mại, trong đó nổi bật nhất là rào cản phòng vệ thương mại (PVTM). Đây là một công cụ hạn chế nhập khẩu được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các FTA cho phép các thành viên sử dụng trong những điều kiện nhất định.
PVTM bao gồm 3 biện pháp chính, đó là: chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Ngoài ra, các nước có thể áp dụng biện pháp chống lẩn tránh PVTM khi chứng minh được hàng hóa, nguyên liệu từ nước đang bị áp thuế được xuất khẩu, gia công thêm ở một nước thứ ba với giá trị gia tăng không đáng kể.
Tham gia Hiệp định CPTPP, Việt Nam trở thành đối tác của 10 thành viên khác gồm: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore và tới đây, có thể cả Vương quốc Anh. Hiệp định CPTPP đã chứng tỏ được sức hút rất lớn khi một số nền kinh tế lớn mong muốn và nộp đơn xin gia nhập.
Đối với Việt Nam, sau hơn 3 năm kể từ khi có hiệu lực, Hiệp định CPTPP đã chứng minh những tác động rõ rệt đối với hoạt động xuất nhập khẩu. Ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng với dịch bệnh COVID-19, thương mại Việt Nam vẫn duy trì được xuất siêu và đạt được những tăng trưởng đáng ghi nhận.
Năm 2021, tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với 10 nước CPTPP đạt 91,29 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 45,71 tỷ USD (tăng 18,1% so với năm 2020); nhập khẩu đạt 45,58 tỷ USD, xuất siêu hơn 122,09 triệu USD.
Tám tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sang khối CPTPP đạt 41 tỷ USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2021, gần bằng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2021 sang khu vực này (45,4 tỷ USD). Xuất siêu ghi nhận 6 tỷ USD.
Nhật Bản giữ vai trò là đối tác thương mại ở cả 2 chiều xuất, nhập khẩu lớn nhất trong nhóm CPTPP của Việt Nam, với tổng kim ngạch trị giá 42,77 tỷ USD, chiếm 46,84% tổng trị giá kim ngạch xuất, nhập khẩu trong khối.
Ấn tượng nhất là xuất khẩu gia tăng mạnh tại một số nước thành viên CPTPP mà trước đây Việt Nam chưa ký hiệp định thương mại tự do (FTA). Cụ thể là với Canada, năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này khoảng 5,3 tỷ USD, tăng khoảng 75% so với trước khi CPTPP có hiệu lực. Với Mexico, xuất khẩu đạt 4,6 tỷ USD, tăng tới hơn 100% so với thời điểm trước khi hiệp định này có hiệu lực.
Các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: thủy sản, giày dép… đang tận dụng CPTPP để tăng tốc xuất khẩu hiệu quả. Tuy nhiên, tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và các nước CPTPP phát triển cũng đồng nghĩa với việc các quốc gia sẽ tăng cường các biện pháp PVTM để bảo vệ những mặt hàng sản xuất trong nước.
Gỗ là một trong những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị điều tra phòng vệ thương mại (Ảnh: vietnamplus.vn) |
So với 3 biện pháp PVTM cơ bản (tự vệ toàn cầu, chống bán phá giá và chống trợ cấp), các thành viên CPTPP đã đàm phán bổ sung 2 biện pháp PVTM, đó là biện pháp tự vệ trực tiếp và biện pháp khẩn cấp đối với hàng dệt may. Do đó, Hiệp định CPTPP có tất cả 5 biện pháp PVTM giúp các doanh nghiệp sản xuất của nước sở tại có căn cứ để cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia nội khối.
Singapore và Brunei chưa từng điều tra áp dụng các biện pháp PVTM. Brunei không nội luật hóa các quy định về PVTM cũng như không thành lập cơ quan chuyên trách điều tra áp dụng các biện pháp PVTM. Các thành viên còn lại đã chủ động xây dựng các văn bản pháp luật nhằm thực thi các cam kết về PVTM. Đứng đầu về số lượng vụ việc PVTM phải kể đến Úc, Canada, Mexico, Malaysia. Điều này cũng chứng tỏ các quốc gia này có nhiều kinh nghiệm trong xử lý các vụ việc PVTM.
Với Việt Nam, số lượng các vụ việc điều tra của các đối tác CPTPP đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ta trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 11/2022 có sự gia tăng rõ rệt so với giai đoạn trước đó. Điều này khẳng định một thực tế là mức độ chủ động và năng lực điều tra PVTM của các thành viên CPTPP đang ngày càng nâng cao.
Các quốc gia đang có xu hướng quan tâm và tích cực sử dụng các công cụ PVTM nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước xu hướng toàn cầu hóa thương mại ngày càng mạnh mẽ.
Việt Nam hiện mới là đối tượng điều tra PVTM của 4 đối tác CPTPP. Tuy nhiên, con số này có thể tăng lên nhiều hơn nữa trong quá trình hội nhập kinh tế, nhất là với một số đối tác như: Nhật Bản, Chile và New Zaeland là những thành viên rất tích cực sử dụng công cụ PVTM để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
Trước thực trạng có thể đối mặt với biện pháp PVTM từ các thành viên trong khối CPTPP, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị, tìm hiểu kỹ về lĩnh vực PVTM để có ứng phó kịp thời trong trường hợp bị các nước thành viên của Hiệp định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp PVTM.
Trước tiên, doanh nghiệp cần theo dõi sát hệ thống cảnh báo sớm về nguy cơ điều tra các vụ việc PVTM của Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, việc theo dõi xu hướng điều tra áp dụng các biện pháp PVTM của các nước trên thế giới và các nước xuất khẩu đối tác cũng rất quan trọng, do một số thị trường áp dụng biện pháp PVTM với một loại hàng hóa cụ thể có thể dẫn đến việc các thành viên khác cũng xem xét điều tra áp dụng biện pháp PVTM đối với sản phẩm đó.
Ngoài ra, việc tham gia ứng phó một vụ việc PVTM sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và nguồn lực. Vì vậy doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chiến lược ứng phó phù hợp để đạt được hiệu quả và tránh làm ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp cần nâng cao năng lực sử dụng công cụ PVTM. Cụ thể, các doanh nghiệp nên lưu ý các điểm sau đây:
Trong bối cảnh các vụ kiện về PVTM ngày càng gia tăng, các doanh nghiệp cần thiết lập quỹ dự phòng về PVTM để bảo đảm những nguồn lực cần thiết cho việc theo đuổi các vụ kiện.
Chú trọng đào tạo, xây dựng đội ngũ pháp lý của doanh nghiệp có kiến thức về PVTM để có thể chủ động ứng phó khi vụ kiện PVTM xảy ra.
Phối hợp với các doanh nghiệp cùng ngành cũng như hiệp hội doanh nghiệp trong việc thu lập số liệu, chứng cứ và theo đuổi các vụ kiện.
Lưu trữ hồ sơ, tài liệu đầy đủ, rõ ràng và tuân thủ theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế để bảo đảm rằng, những hồ sơ đó sẽ được cơ quan điều tra nước ngoài chấp nhận.
Tham gia đầy đủ vào quy trình điều tra của cơ quan điều tra, đặc biệt là trong các vụ kháng kiện.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần tận dụng một cách có hiệu quả sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến các vấn đề về PVTM, cụ thể là Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương.