Cảnh báo các hình thức nhắn tin tuyển nhân viên để lừa đảo
(ĐCSVN) - Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT/CC) cảnh báo người dùng cảnh giác với những tin nhắn mời gọi làm nhân viên làm việc tại nhà cho TikTok nhằm mục đích lừa đảo.
Ảnh màn hình. |
Theo thông tin từ Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT/CC) - Cục An toàn thông tin, thời gian qua, Trung tâm đã tiếp nhận nhiều phản ánh của người dân về việc nhận được tin nhắn, cuộc gọi rác giả mạo Công ty TikTok nhắn tin tuyển nhân viên nhằm mục đích lừa đảo thông qua đầu số, phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác (qua đầu số 5656).
Các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng tình hình dịch bệnh, nhiều người thất nghiệp phải ở nhà nên đã đăng tin nhắn lôi kéo mọi người tham gia. Với "mồi câu" là công việc đơn giản, có thể làm tại nhà, mức lương cao (800 nghìn/ngày), đã khiến một số người nhẹ dạ cả tin "sập bẫy".
Cụ thể, người dân nhận được nhiều tin nhắn với nội dung: “Cty TikTok tuyển nhân viên làm tại nhà!. Mỗi ngày kiếm ít nhất 800 k. Người mới sẽ có nhân viên hướng dẫn công việc. Chỉ cần có thời gian rảnh là đều có thể làm việc. Xin add số zalo liên hệ:xxxxxxxxxx.”
Hay đối tượng giả mạo Amazon sẽ nhắn tin như sau: "Amazon hợp tác với cty DSC cần tuyển nhân viên làm việc tại nhà!!! Số lượng có hạn . Công việc: Xử lý đơn hàng trên nền tảng ứng dụng . Yêu cầu độ tuổi : 24 ~ 60 tuổi . Thu nhập 300k - 1000k . Nhận tiền trong ngày . để được tư vấn thêm Liên hệ zalo: zalo.me/xxxxxxxxxxx zalo: xxxxxxxxxxx".
Đại diện VNCERT/CC nhận định, với nội dung các tin nhắn đa phần đều giống nhau. Các lời mời gọi với mức lương được đề bạt cao lên đến cả triệu đồng/ngày. Với những ai vốn đề cao cảnh giác thì tin nhắn này chỉ khiến họ cảm thấy phiền phức. Tuy nhiên đối với những người dễ tin, những dòng tin nhắn spam này lại khiến họ dễ “đâm đầu” vào đường dây đa cấp với quy mô lớn. Với lời hứa hẹn công việc đơn giản, làm tại nhà, lương cao, không ít người đã bị vướng vào những công việc đa cấp này.
Hình thức giả mạo lừa đảo bằng tin nhắn giả mạo các cơ quan, tổ chức có tên tuổi không phải là hình thức mới, thậm chí đã xuất hiện từ rất lâu và khá phổ biến, nhưng vẫn khiến nhiều người mắc lừa, bị mất tiền, mất mật khẩu tài khoản ngân hàng.
Trước tình đó, VNCERT/CC khuyến nghị, khi nhận được tin nhắn có nội dung lừa đảo, giả mạo, đề nghị người dân phản ánh ngay với Cục An toàn thông tin (Trung tâm VNCERT/CC) qua đầu số tin nhắn 5656 hoặc qua website https://chongthurac.vn/ để Cục An toàn thông tin (Trung tâm VNCERT/CC) kịp thời điều phối, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý./.