Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cảnh báo các hành vi lừa đảo liên quan tiêm vaccine COVID-19

Thứ Ba, 06/07/2021 22:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Thời gian gần đây, xuất hiện một số tình trạng quảng cáo, mời gọi các tổ chức, doanh nghiệp, người dân đăng ký mua, tiêm vaccine COVID-19 mang tính chất lừa đảo nhằm trục lợi làm ảnh hưởng công tác phòng, chống dịch bệnh, gây bức xúc trong dư luận.

Theo thông tin từ các cơ quan chuyên môn, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, tình trạng tội phạm lừa đảo qua các hình thức liên quan đến dịch bệnh đang gia tăng tại nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, thời gian qua đã xuất hiện nhiều lời mời các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mua, nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 hoặc tiêm chủng cho người lao động, đối tác, khách hàng,… qua điện thoại, tờ rơi quảng cáo, mạng xã hội.

Cảnh báo các hành vi lừa đảo liên quan tiêm vaccine COVID-19, nhằm chiếm đoạt tài sản.
(Ảnh HC) 

Nhằm lợi dụng sự sợ hãi, lo lắng và hiểu biết nhầm lẫn của mọi người về COVID-19, những kẻ lừa đảo bán những sản phẩm không hiệu quả, tính tiền cho những dịch vụ miễn phí và đánh cắp thông tin cá nhân. Những kẻ lừa đảo hoạt động trên trực tuyến, trên mạng xã hội, trên đường phố với các hình thức quả cáo khác nhau.

Chúng có thể gọi điện, gửi các tin nhắn hoặc gửi thư điện tử cho mọi người, thậm chí có thể tiếp cận mọi người trên đường phố hay gõ cửa nhà để chào bán vaccine hoặc cuộc hẹn tiêm vaccine, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm ảnh hưởng tới công tác phòng chống dịch bệnh.

Đơn cử, anh Nguyễn Quang Tuấn, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) cho biết, cách đây chưa lâu, anh nhận được một thư điện tử, hướng dẫn đăng ký tiêm phòng tự nguyện, kèm theo một đường link đến một địa chỉ website khác. Thư yêu cầu cung cấp thông tin thẻ tín dụng, tài khoản, mã OTP, chuyển trước khoản tiền hơn một triệu đồng và truy cập vào đường link trong thư để xác thực việc đăng ký tiêm phòng đã thành công.

Nghi vấn có gì đó không ổn, anh tìm hiểu và hỏi thông tin một số người thì được biết, đây là thủ đoạn mới của các đối tượng lừa đảo, Anh Tuấn chia sẻ: May mắn mình đã không tin và làm theo yêu cầu từ thư điện tử lạ kia, nếu không rất có thể đã bị các đối tượng đánh cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản để chiếm đoạt tiền hoặc phá hoại máy tính bằng các phần mềm độc hại.

Trước đó, tháng 12/2020, Tòa án nhân dân thành phố Quy Nhơn (Bình Ðịnh) đã mở phiên tòa xét xử Tiêu Thị Tuyết Sương (46 tuổi, ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, Bình Ðịnh) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến việc tiêm ngừa vaccine giả cho nhiều người, trong đó có vaccine phòng COVID-19.

Do nợ nần và thấy nhiều người dân có nhu cầu tiêm ngừa nên bị cáo nảy sinh ý định lừa đảo. Sương tự xưng là nhân viên của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Bình Ðịnh, có dịch vụ tiêm ngừa vaccine tại nhà. Sau khi có người sập bẫy, Sương đến hiệu thuốc mua nước cất, thuốc kháng sinh rồi pha trộn, bơm sẵn dung dịch vào các ống tiêm cất và thông tin rằng có khả năng ngừa các bệnh: viêm gan A, viêm gan B, thậm chí ngừa COVID-19...

Với thủ đoạn này, Tiêu Thị Tuyết Sương đã chiếm đoạt tổng cộng hơn 63 triệu đồng của 18 bị hại tại TP Quy Nhơn và huyện Tuy Phước (Bình Ðịnh). Hành vi của bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, Sương đã bị tuyên phạt bốn năm tù giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân tự nhận tiếp cận được nguồn vaccine của các hãng sản xuất hoặc mua lại của một số nơi dư thừa nên có thể bán lại và tiêm cho người dân. Ðây thực chất là những hành vi lừa đảo.

Vaccine được tiêm chủng miễn phí cho tất cả người dân đang sinh sống tại Việt Nam. (Ảnh HC)

Theo đó, Bộ Y tế vừa ban hành Công văn 4719/BYT-TT-KT, ngày 14/6/2021 về việc tăng cường truyền thông cảnh báo về lừa đảo, giả mạo tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Để tránh nguy cơ bị lừa đảo tiêm chủng vaccine giả mạo, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, không an toàn, Bộ Y tế khuyến cáo: Người dân cần bình tĩnh, cảnh giác trước những lời mời đăng ký tiêm vaccine lan truyền trên mạng xã hội, tin nhắn, tờ rơi và các hình thức quảng cáo khác; Chỉ đi tiêm vaccine phòng COVID-19 tại các cơ sở y tế và các cơ sở, điểm tiêm chủng đủ điều kiện hoạt động; Tuyệt đối không tiêm chủng những loại vaccine trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được Bộ Y tế kiểm định, cấp phép.

Đồng thời, Bộ Y tế cho biết, thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19, Bộ Y tế đã và đang tích cực đàm phán với các nhà sản xuất vaccine, các tổ chức quốc tế để mua và nhập khẩu số lượng lớn vaccine để tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho tất cả người dân đang sinh sống tại Việt Nam. Vaccine được tiêm chủng miễn phí cho người dân. Do vậy, mọi người dân cần bình tĩnh, hãy chờ đợi đến lượt mình được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 khi cơ quan y tế thông báo.

Ngoài ra, khi phát hiện các thông tin liên quan đến tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 không rõ ràng hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, hãy báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan y tế địa phương. 

Bộ Y tế cũng khuyến cáo: Tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 là quyền lợi đối với bản thân, là trách nhiệm đối với cộng đồng./. 

HC

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN