Cảnh báo các chiêu thức mạo danh để lừa bán sách
(ĐCSVN) - Những năm gần đây, xuất hiện một số tình trạng các đối tượng mạo danh là cán bộ đang công tác tại sở, ban, ngành khác nhau thậm chí là cán bộ các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng gọi điện đến nhiều nơi để mời chào bán các loại sách. Trước tình trạng trên các cơ quan, đơn vị cần cảnh giác tránh bị lừa đảo.
Cảnh báo các chiêu thức mạo danh để lừa bán sách. Ảnh HC |
Đây là hành vi mạo danh để trục lợi, chiếm đoạt tài sản gây ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng công chức nói chung và lực lượng Công an nói riêng. Do đó khi phát hiện cần kịp thời thông báo, phối hợp với lực lượng chức năng để đấu tranh, ngăn chặn.
Trước đó, tại bệnh viện trung ương Quân Đội xuất hiện nhiều cuộc điện thoại mời chào mua sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đai tướng Lê Đức Anh nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12) và kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Người gọi đến tự xưng là nhân viên Phòng Phát hành và Truyền thông, Báo Quân đội nhân dân (QĐND).
"Đối tượng đã gọi điện cho nhiều đồng chí chủ nhiệm khoa và bí thư chi bộ trong bệnh viện để gợi ý, mời chào việc mua sách. Người này còn nói dối là viện trưởng đã đồng ý mua sách để tôi nhận sách, chuyển tiền cho đối tượng. Rất may, nhờ cảnh giác nên chúng tôi đã phát hiện đây là thủ đoạn lừa đảo". Thiếu tá Tạ Đức Chung, Hành chính trưởng Viện Chấn thương-Chỉnh hình, Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết.
Sau khi xác minh thông tin được biết Báo QĐND không tổ chức giới thiệu để bán sách như lời giới thiệu của đối tượng nên nhân viên tại Bệnh viện đã từ chối mua sách.
Mạo danh các cán bộ Nhà nước để bán tài liệu là hình thức lừa đảo không mới. Thời gian qua đã ghi nhận rất nhiều trường hợp bị lừa đảo bằng hình thức này.
Việc mạo danh là cán bộ Bộ Quốc phòng để bán sách cũng từng xuất hiện vào năm 2018 khi một đối tượng gọi điện đến cho đồng chí Trưởng ban Bảo vệ an ninh - Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự (Đại học Trần Đại Nghĩa) giới thiệu và đề nghị mua bộ tài liệu công tác chuyên môn với giá 800.000 đồng.
Mỗi lần thực hiện hành vi các đối tượng thường liên hệ với rất nhiều người để xác suất thành công cao hơn. Tuy nhiên, do đơn vị đã nắm được hành vi lừa đảo nên việc mạo danh không thành.
Các đối tượng thường dùng cách vào các website chính thống của các cơ quan để lấy số điện thoại trực ban liên hệ tự giới thiệu mình thuộc các sở ban ngành để xin số các lãnh đạo đơn vị gọi bán sách. Thường các đối tượng sẽ tập trung vào các dịp lễ đặc biệt, các ngày lễ kỷ niệm, hoặc các sự kiện chính trị lớn để giới thiệu các loại sách phù hợp.
Việc giao dịch cũng rất tinh vi khi các đối tượng này không hề ra mặt mà chỉ thông qua đội ngũ shipper để giao sách rồi nhận tiền chuyển khoản hoặc thanh toán qua đường bưu điện. Thậm chí để tạo lòng tin chúng còn tìm đến địa chỉ các cơ quan ban ngành liên quan đến nơi công tác đã giới thiệu với khách hàng để định vị gửi vị trí.
Thực tế thời gian qua, hầu hết các cơ quan, đơn vị quân đội khi nhận được đề nghị mua sách qua điện thoại đều phát hiện đây là hành vi lừa đảo và từ chối. Thế nhưng, cá biệt vẫn có đơn vị đặt mua và nhận được những cuốn sách không phù hợp, đều là sách in lậu chất lượng kém do các đối tượng mua lại để bán.
Các trường hợp đồng ý mua đều là do mất cảnh giác cộng thêm tâm lý nể, ngại cấp trên nên mặc dù không có nhu cầu, đơn vị vẫn đặt mua.
Từ các vụ việc diễn ra trong thời gian qua cho thấy, các đối tượng khi thực hiện hành vi này đã có sự tìm hiểu về thông tin cá nhân, công việc của các bị hại. Từ đó mạo nhận là cán bộ của các sở, ban, ngành khác nhau giới thiệu, đề nghị mua các sách, tài liệu liên quan đến công việc của bị hại để tạo lòng tin. Từ các sự việc trên, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần tỉnh táo không “sập bẫy” lừa đảo của các đối tượng.
Đồng thời, cũng cần lưu ý, hiện nay tất cả các loại sách nghiệp vụ đều được cấp phát đầy đủ theo quy định, các cơ quan Bộ Quốc phòng không có chủ trương, không cử người đi giới thiệu bán sách./.