Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần yếu tố bổ trợ để các dự án đổi mới sáng tạo thành công

Thứ Sáu, 01/12/2023 14:42 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Theo các chuyên gia, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển không phải là giải pháp chiến lược mà cần thêm một loạt các yếu tố bổ trợ để các dự án đổi mới sáng tạo thành công.

Hiện nay, trên thế giới, đổi mới sáng tạo được đánh giá là một trong những chỉ số phát triển quan trọng, là yếu tố định hướng trung tâm phát triển của mỗi quốc gia. Nằm trong những quốc gia có quyết tâm cao về đổi mới sáng tạo, Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện các yếu tố thúc đẩy đổi mới sáng tạo hiệu quả.

Với việc tiếp tục coi đổi mới sáng tạo là một ưu tiên quốc gia, các chỉ số đổi mới sáng tạo làm công cụ đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động của nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều biện pháp đầu tư nâng cao các chỉ số đổi mới, như: Xây dựng các nền tảng công nghệ số quốc gia trên các lĩnh vực từ nền tảng chia sẻ, tổng hợp, phân tích dữ liệu trong các ngành, họp trực tuyến, thanh toán, định danh đến thiết bị Internet vạn vật (IoT), AI, trợ lý ảo, chuỗi cung ứng.

Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ số trong các doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, trường học và các hộ gia đình, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phòng, chống dịch COVID-19, góp phần duy trì, phục hồi nền kinh tế.

Bên cạnh đó, để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đổi mới sáng tạo, Việt Nam đã bước đầu xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo, mạng lưới đổi mới sáng tạo quốc gia tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước với hơn 1.000 thành viên và con số này đang tiếp tục được mở rộng.

Đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với các khu công nghệ cao được xây dựng, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số sẽ thúc đẩy nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp sáng tạo giữa các cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu và thay đổi quy trình công nghệ, sản xuất, quản lý vận hành doanh nghiệp trên nền tảng số, nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong tương lai.

Các giải pháp trên đã giúp Việt Nam xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022, đồng thời được đánh giá là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua (theo báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) năm 2023).

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn duy trì nỗ lực rất lớn để phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt trong việc khơi thông, duy trì các chính sách mở cửa thông thoáng cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh cũng như tạo nguồn vốn cho đầu tư KHCN và đổi mới sáng tạo.

Cùng với đó hàng loạt hoạt động đối ngoại để thúc đẩy hợp tác về KHCN, đổi mới sáng tạo với các quốc gia đã tạo ra những chất xúc tác mới, mở ra các cơ hội mới cho Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay, công tác thống kê dữ liệu về đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn thiếu, chưa đầy đủ các chỉ số. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo còn một số điểm yếu cần khắc phục.

Đơn cử như trong hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), ở những quốc gia xếp trên Việt Nam, việc chi cho R&D chiếm tỉ lệ cao trong GDP nhất là Israel tới 5,6%, các nước trung bình xếp trên Việt Nam là khoảng 0,9%, trong khi Việt Nam chưa đạt được đến 0,5%.

Ảnh minh họa. Ảnh: TL 

Để các dự án đổi mới sáng tạo thành công

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, đây là điểm yếu của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam khi nguồn lực thu hút cho các nhóm nghiên cứu, viện nghiên cứu còn khá khiêm tốn.

Hay như việc thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã được thực hiện từ 10 năm nay với nhiều chương trình, đề án nhưng chúng ta vẫn có ít những doanh nghiệp unicorn (kỳ lân - định giá trên 1 tỷ USD).

"Nhiều bộ, ngành, địa phương có các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, tổ chức các ngày hội khởi nghiệp. Có khi một start-up được đến mấy bộ ngành khác nhau trao tặng, hỗ trợ. Tức là có sự mất cân đối giữa việc tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến thúc đẩy, gọi vốn, nhưng gần như không có hoạt động nào liên quan đến kết nối để tạo ra đầu vào từ các kết quả nghiên cứu ở trường đại học", Thứ trưởng Bùi Thế Duy nói.

Ở cấp địa phương, qua thực tế cho thấy các địa phương còn lúng túng trong việc tham gia thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện chỉ số GII cấp quốc gia, do nhiều số liệu thống kê tương tự ở cấp địa phương không có, đồng thời phương pháp đánh giá theo quy chuẩn quốc tế còn mới lạ nên có những điểm không phù hợp với cấp địa phương của Việt Nam.

Bên cạnh đó, do sự khác biệt giữa các địa phương về quy mô kinh tế-xã hội, dân số, đất đai, cơ cấu kinh tế, định hướng phát triển... nên các địa phương cần và phải lựa chọn mô hình phát triển kinh tế-xã hội dựa trên KHCN và đổi mới sáng tạo khác nhau, phù hợp với bối cảnh, điều kiện, đặc điểm riêng. Điều này làm cho các địa phương không nắm được thực trạng mô hình phát triển kinh tế-xã hội dựa trên KHCN và đổi mới sáng tạo của địa phương mình.

Theo các chuyên gia, cần thống nhất khái niệm, đặc tính và phân loại đổi mới sáng tạo cũng như phân biệt đổi mới sáng tạo với sáng tạo, sáng chế...Từ đó, nâng cao hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Hiện nay, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam còn yếu và đang hoàn thiện, chưa sẵn sàng cho thử nghiệm và áp dụng các sản phẩm mới cũng như các mô hình kinh doanh mới dựa trên đổi mới sáng tạo. Vì vậy, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển không phải là giải pháp chiến lược mà cần thêm một loạt các yếu tố bổ trợ để các dự án đổi mới sáng tạo thành công./.

Bích Hà

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN