Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần xử lý nghiêm việc Phó Chủ tịch tỉnh sử dụng xe tư hạng sang gắn biển công vụ

Thứ Ba, 14/06/2016 21:34 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm tới tới vụ việc Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh sử dụng xe tư nhân gắn biển số công vụ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, xem xét, kết luận vụ việc, dư luận đồng tình với cách xử lý kiên quyết của Trung ương về vấn đề này.

*Ông Nguyễn Xuân Hồng, đảng viên phường 7, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu: Với hành động kịp thời, quyết liệt của người đứng đầu Đảng ta trong việc xử lý vụ Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, qua hành động này, nhân dân càng tin tưởng sẽ tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, trong việc làm của người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, công tác cán bộ, luân chuyển cán bộ cần được chấn chỉnh để loại bỏ những cán bộ thoái hóa, biến chất, làm sạch bộ máy Nhà nước, lấy lại lòng tin của nhân dân.

Tôi và những người dân ở địa phương rất hoan nghênh chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về vấn đề này. Qua câu chuyện xe đang gắn biển trắng trở thành biển xanh, người dân có quyền đặt ra rất nhiều câu hỏi về vấn đề công tác sử dụng, luân chuyển, đề bạt cán bộ.

Công tác cán bộ gồm rất nhiều khâu như đánh giá cán bộ, lựa chọn người tài đức để đưa vào quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bổ nhiệm vị trí phù hợp với yêu cầu công tác và khả năng của cán bộ; khen thưởng nếu cán bộ có thành tích; xử lý cán bộ nếu có khuyết điểm. Có thể thấy, việc luân chuyển cán bộ đã được thực hiện từ nhiều năm trước, theo đó, luân chuyển là yêu cầu của công tác cán bộ, yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng chứ không phải luân chuyển cán bộ vì mục đích rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ. Trên cơ sở đó, những người luân chuyển học hỏi thêm kinh nghiệm thực tiễn.

Qua vụ việc này cần phải chấn chỉnh lại công tác cán bộ, chấn chỉnh lại việc luân chuyển cán bộ, dứt khoát không làm theo phong trào mà phải làm vì công việc, vì đất nước. Còn việc đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ là hệ quả của việc luân chuyển. Qua luân chuyển để cán bộ hiểu biết thêm ngoài công việc chuyên ngành.

Ông Trần Văn Hạnh, cựu chiến binh phường Long Bình, quận 9, TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: K.V)

*Ông Trần Văn Hạnh, cựu chiến binh phường Long Bình, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh:
  Chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ nhắm tới chuyện phanh phui việc gắn biển xanh vào xe tư nhân, mà cao hơn nữa là chuỗi vấn đề liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh, đó là làm sao có thể thoát được hàng loạt sai phạm của mình khi lãnh đạo doanh nghiệp thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng, rồi lại còn lên cao hơn nữa trên con đường chính trị, vượt qua 3 vòng hiệp thương để trúng đại biểu Quốc hội với tỷ lệ phiếu bầu cao.

Đồng thời, qua vụ việc này, cần phải xem xét toàn diện, đầy đủ, tất cả những khía cạnh về sự chỉ đạo, kỷ luật của Đảng đã được thực hiện một cách nghiêm chỉnh hay chưa? Chính những vi phạm như vậy đã làm giảm niềm tin của Đảng như lời Tổng Bí thư đã nói. Tôi cho rằng, nếu không xử lý được rõ ràng sự việc này thì người dân sẽ có nhiều câu hỏi hơn nữa.

*Bà Phạm Hồng Thúy, phường 2, thành phố Tân An, tỉnh Long An: Một việc không lớn, liên quan đến một hành vi của một Phó Chủ tịch tỉnh, không phải diện Trung ương quản lý nhưng Tổng Bí thư đã chỉ đạo cho nhiều cơ quan vào cuộc, đó là Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Tỉnh ủy Hậu Giang và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, điều này cho thấy tính chất của vụ việc rất đặc biệt.

Chính vì vậy, các cơ quan cần phải vào cuộc hết sức khẩn trương, khách quan, trung thực, kết luận rõ ràng, đến đầu đến đũa những vấn đề báo chí phản ánh rồi báo cáo Ban Bí thư, công khai cho người dân biết. Trong đó phải nêu rõ trách nhiệm của người bị kiểm tra và trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân liên đới. Những cơ quan, cá nhân liên đới phải có giải trình rõ ràng. Nếu kết luận kiểm tra cho thấy đã xử lý rõ ràng, đúng quy định thì hoan nghênh. Còn nếu có tình trạng trốn tránh đổ lỗi thì báo chí cần tiếp tục vào cuộc và yêu cầu các cơ quan chức năng không bỏ qua vụ việc.

Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc doanh nghiệp Văn Hải, Long Thành- Đồng Nai (Ảnh: K.V)

*Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc doanh nghiệp Văn Hải, huyện Long Thành, Đồng Nai:
Theo pháp luật ở Việt Nam, Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh không thuộc diện được sử dụng ôtô biển xanh đưa đón. Theo đó, cán bộ cấp Phó Chủ tịch tỉnh chỉ được sử dụng ôtô phục vụ công tác chung tại cơ quan, không thuộc diện nhà nước phải chi ngân sách mua ôtô. Cũng theo quyết định của Thủ tướng, các cơ quan ở địa phương, ví dụ văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, chỉ được trang bị tối đa 2 ôtô phục vụ công tác chung. Cơ quan nào đã có 2 ôtô thì không vì có thêm lãnh đạo mới mà được mua thêm xe. Cụ thể, theo Nghị định về chế độ tiền lương với cán bộ, công chức thì hệ số phụ cấp chức vụ phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh là từ 1,20 trở xuống.

Trong khi đó, quyết định mới nhất của Thủ tướng quy định chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên mới được sử dụng ôtô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và đi công tác. Mức giá mua xe tối đa 920 triệu đồng/xe. Trong số 63 tỉnh, thành phố, chỉ Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh mới được hưởng tiêu chuẩn này. Chính vì vậy, việc mua, sử dụng xe công phải tuân thủ quy định hiện hành, không phải cứ là Phó chủ tịch tỉnh thì ngân sách phải chi mua xe công. Vì vậy, nói rằng mượn xe tư, gắn biển xanh để tiết kiệm ngân sách thì phải xem xét hết sức cụ thể. Tôi mong muốn, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, các cơ quan chức năng sẽ làm rõ nhiều nội dung trong đó có vấn đề này./..

K.V

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN