Cần xử lý nghiêm tình trạng sản xuất, tiêu thụ và sử dụng biển kiểm soát giả
(ĐCSVN) - Thực trạng một số cá nhân, doanh nghiệp sử dụng các loại biển kiểm soát (BKS) giả gắn trên các phương tiện khi lưu thông vẫn đang tồn tại ở nhiều địa bàn, địa phương. Hành vi này có thể dẫn tới những hệ lụy không nhỏ trong công tác quản lý các phương tiện, vì vậy các cơ quan chức năng cần xử lý triệt để tình trạng này, tránh để xảy ra những hệ lụy xấu.
Phố Trần Nhật Duật (Hà Nội) là địa điểm mà từ lâu nhiều người biết tới như một nơi cung cấp các phụ tùng, linh kiện, thiết bị của xe ô tô, xe mô tô trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đặc biệt, nơi đây còn có một loại dịch vụ mà hầu như bất cứ ai khi đến đây cũng có thể dễ dàng nhận ra, đó là dịch vụ “làm biển số”.
Suốt dọc chiều dài của đoạn phố này, không ít cửa hàng treo những tấm biển với nhan đề: "Làm biển số" "Ép biển số xe"... Chỉ cần chạy xe chầm chậm qua đây, cùng với thái độ tỏ ra chú ý, ngay lập tức người đi đường sẽ nhận được những lời chào mời từ phía các cửa hàng tại đây.
Dừng xe với lý do muốn thay thế biển số xe đã quá cũ, chúng tôi được một thanh niên tại đây tư vấn: “Biển dày, phôi xịn là 500 ngàn. Anh làm thì 2 giờ sau quay lại lấy. Cần làm mờ, làm xước cho giống y chang như thật, hoặc cần ép mika thì thêm tiền em làm luôn một thể”...
Tìm hiểu về mục đích của khách đến làm biển số xe, chúng tôi đã trao đổi cùng bác Nguyễn Văn B, một khách hàng đang đợi làm lại BKS tại đây. Chỉ vào chiếc biển số xe chỉ còn lại một nửa phía trên, bác phân trần: “Đường đông, xe sau họ húc vào đuôi xe tôi, gãy nửa cái biển số. Nó rơi lúc nào cũng chẳng hay. Thôi đi làm lại kẻo bị phạt!”. Trước thắc mắc của chúng tôi về vấn đề liệu BKS của bác lắp có hợp lệ không, cùng với việc tại sao bác không đến cơ quan cấp biển để làm thủ tục xin cấp lại BKS, bác B cho biết: “Chắc làm như thế này là không hợp lệ đâu, mặc dù tôi có giấy tờ đầy đủ chứng minh số đăng ký trên biển trùng với giấy tờ của xe, nhưng giờ đi xin cấp lại BKS nhiều thủ tục và mất nhiều thời gian, tôi còn bận nên chưa đi làm ngay được”.
Để có thể hiểu rõ hơn về những khách hàng đến đây làm BKS, chúng tôi lân la hỏi thăm anh Q - một người chạy xe ôm tại khu vực này, anh Q cho biết. Dịch vụ làm BKS tại khu vực này đã có từ lâu, chủ yếu là họ làm biển số nhà, hoặc ép biển số xe máy, ô tô. Tuy nhiên, đối với những khách hàng có yêu cầu làm BKS cho xe cơ giới, thì các cửa hàng vẫn đáp ứng.
Anh Q cho biết, hoạt động này tuy không công khai nhưng cứ có nhu cầu là có đáp ứng. Theo lời kể của anh Q, mỗi ngày có khá nhiều người tới đây với nhu cầu làm BKS. Khách hàng tới đây làm BKS đa phần là người dân tại Hà Nội, chủ yếu là do họ bị mất biển, rơi biển, hoặc BKS hỏng, gãy. Khách hàng cũng không ít những chủ xe là người từ những tỉnh, thành phố khác tới đây để làm BKS....
Cần xử lý triệt để, tránh hệ lụy
Theo số liệu thống kê từ Công an TP. Hà Nội, chỉ trong năm 2015, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 160 trường hợp xe môtô và 7 trường hợp xe ô tô sử dụng BKS giả lưu thông trên đường. Các chiến sỹ CSGT đã không ít lần phát hiện các vụ việc xe ô tô mang BKS giả. Đặc biệt, một số BKS có màu sắc, quy cách, thậm chí số hiệu trùng lặp với BKS của cơ quan nhà nước.
Trung tá Thiều Mạnh Ngọc - Đội trưởng Đội CSGT số 1 (Phòng PC67 - CATP Hà Nội) cho biết: Tháng 10/2015, nhận được thông báo từ Bộ Tư lệnh cảnh vệ về việc phát hiện một chiếc xe đeo BKS 80A-011… lưu thông trên đường. Biển kiểm soát này trùng với số biển của một nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, chiếc xe trên không đúng chủng loại xe của vị nguyên lãnh đạo này và chiếc BKS trên đã từ lâu không được sử dụng. Qua sử dụng các nghiệp vụ, ngày 28/10/2015, các chiến sỹ của Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội đã phát hiện chiếc xe trên khi đang lưu thông tại khu vực quận Hoàn Kiếm. Tiến hành dừng xe kiểm tra, ban đầu, lái xe còn lớn tiếng dọa nạt tổ công tác. Song, bằng thái độ kiên quyết, tổ công tác đã đưa chiếc xe trên về kho niêm phong chờ xử lý. Quá trình xác minh, bước đầu, cơ quan Công an xác định, biển kiểm soát của chiếc xe này không do cơ quan có thẩm quyền cấp. Chiếc xe trên cũng thuộc dạng xe “lậu”.
Theo ý kiến của cơ quan chức năng, ngoài việc sử dụng BKS giả cho những mục đích xấu, việc một bộ phận người tham gia giao thông sử dụng BKS giả khi đi đường cũng gây rất nhiều khó khăn trong việc quản lý, xử phạt phương tiện vi phạm. Cá biệt, một số trường hợp gây tai nạn giao thông rồi vứt lại phương tiện để bỏ trốn. Điều này gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng khi điều tra, xác định đối tượng gây tai nạn, thậm chí người bị nạn.
Để tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng, không ít vụ việc, các đối tượng tội phạm đã sử dụng BKS giả để lưu hành, vận chuyển các mặt hàng cấm, hàng lậu và thậm chí là các mặt hàng quốc cấm. Cũng để che giấu hành vi phạm tội, nhiều trường hợp tội phạm đã sử dụng những phương tiện cơ giới đeo BKS giả để gây án. Trong năm 2015, một số vụ án về cướp của, đánh lộn, trả thù cá nhân khi bị cơ quan chức năng bắt giữ, đã phát hiện ra các phương tiện gây án có sử dụng BKS giả.
Trả lời báo chí, đại diện Công an quận Hoàn Kiếm cho biết: Trong năm 2015, Công an Quận đã chỉ đạo bộ phận nghiệp vụ tổ chức nhiều đợt kiểm tra, truy quét các đối tượng mua bán, sản xuất BKS giả, song cho đến nay, hoạt động này vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Nguyên nhân của sự tồn tại dai dẳng trên cũng xuất phát từ nhu cầu của cả người mua và người bán. Khi người mua vẫn có nhu cầu, vì lợi nhuận nên khá nhiều người bán vẫn cố tình lén lút cung cấp. Việc xử lý dứt điểm tình trạng này cũng gặp khó khăn do các đối tượng không trực tiếp sản xuất tại cửa hàng mà chia ra các nơi khác để tránh bị phát hiện" - đại diện Công an quận Hoàn Kiếm cho biết.
Theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, tại Điều 29, khoản 2,3 quy định phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 6.000.000- 10.000.000 đồng đối với tổ chức. Với mức phạt này thì chưa đảm bảo tính răn đe đối với đối tượng vi phạm. Cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu đưa ra các chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe để xử phạt các hành vi này, bởi lợi nhuận từ việc sản xuất, tiêu thụ, sử dụng mang lại là rất lớn và nghiêm trọng. Đây cũng là một thực trạng đã gần như công khai tồn tại trên địa bàn Hà Nội từ nhiều năm. Do vậy, các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt để đẹp bỏ và chấm dứt tình trạng này./.