Cần xử lý nghiêm hành vi cố tình không khai báo liên quan đến dịch Covid-19
(ĐCSVN) - Giữa lúc cả hệ thống chính trị đang dồn sức để hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19, đáng tiếc vẫn có không ít người cố tình dấu diếm thông tin, không khai báo sau khi qua vùng dịch hoặc tiếp xúc với người nhiễm Covid-19.
Phố Trúc Bạch, nơi phát hiện bệnh nhân N.H.N. nhiễm Covid-19 vẫn bị phong tỏa nghiêm ngặt. (Ảnh: Minh Khuê ) |
Ngày 6/3, bệnh nhân N.H.N (26 tuổi, ở phố Trúc Bạch, quận Ba Đình) là người nhiễm dịch Covid-19 thứ 17 tại Việt Nam và là ca đầu tiên tại Hà Nội. Cô gái này đi thăm người thân ở Anh từ ngày 16/2 rồi từ Anh sang vùng dịch ở Ý ngày 18/2 để du lịch. Sau đó cô gái về lại Anh và ngày 2/3 trở về Việt Nam. Sau khi có biểu hiện sốt, mệt mỏi, cô đã tới Bệnh viện Hồng Ngọc thăm khám vào ngày 5/3 và được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, và có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Điều đáng nói là nữ bệnh nhân này sau khi đến vùng dịch của Ý để du lịch, đứng trước nguy cơ nhiễm bệnh cao nhưng người phụ nữ này đã không chủ động khai báo với nhà chức trách.
Sự việc trên đã khiến dư luận xã hội bức xúc. Trước hết cần khẳng định, việc không khai báo y tế (khi đi qua vùng dịch hoặc tiếp xúc với người nhiễm Covid-19...), không chấp hành các quy định về cách ly là hành vi vi phạm quy định của pháp luật về phòng và chống bệnh truyền nhiễm. Anh Kim Ngọc Hải ở quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết: “Thực sự tôi không hiểu họ suy nghĩ như thế nào mà lại hành động như vậy. Trong khi Chính phủ, các địa phương và toàn xã hội ra sức phòng, chống dịch Covid-19 thì vẫn có số ít người vô ý thức, thiếu trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Tôi nghĩ, cần xử lý nghiêm khắc với những cá nhân này để bảo vệ xã hội trước nguy cơ bùng phát của dịch Covid-19”.
Anh Kim Ngọc Hải ở quận Đống Đa (Hà Nội). Ảnh: QĐ |
Đồng tình với quan điểm trên, chị Nguyễn Thị Hoài ở TP Hạ Long (Quảng Ninh) chia sẻ: “Với các hoạt động tuyên truyền rộng khắp trong thời gian vừa qua, một người bình thường chắc chắn sẽ nhận rõ tính chất nguy hiểm, phức tạp của dịch Covid-19. Vi phạm của một số người trong phòng, chống dịch Covid có thể được ngụy biện là do chủ quan, nhận thức đơn giản... Song, vì sự an toàn của cộng đồng, cần kiên quyết xử lý các cá nhân vi phạm để làm gương cho người khác”.
Nhìn nhận từ góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn An Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn An Bình và Cộng sự, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, cần làm rõ nguyên nhân vì sao cô gái 26 tuổi tiếp xúc với nhiều người, đi qua nhiều quốc gia nhưng không khai báo trung thực?
Cũng theo Luật sư Nguyễn An Bình phân tích căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 thì dịch Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A có mức độ nghiêm trọng nhất. Với các bệnh thuộc nhóm A, khai báo y tế và cách ly người bệnh là một trong những biện pháp hành chính đầu tiên khi có dịch để đảm bảo an toàn, ngăn dịch bệnh lây lan.
Điều 8, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 nghiêm cấm các hành vi: Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định; không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Do đó, người nào vi phạm các điều cấm ở trên thì sẽ bị xử phạt hành chính tùy theo mức độ vi phạm.
Điều 6 Nghị định 176/2013 quy định cá nhân phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm nhưng không khai báo sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng. Nếu che giấu bệnh dịch của mình hoặc người khác thì bị phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng.
Ngoài ra, Điều 10, Nghị định 176/2013 quy định người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng.
Đặc biệt, tùy theo tính chất, mức độ hậu quả của vi phạm, cá nhân có hành vi vi phạm còn có thể bị xử lý vì “hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người khác”, quy định tại Điều 240, Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù tối đa 12 năm tù.
Thực tế cho thấy, khá nhiều nước đã đưa ra hình phạt nặng, gồm cả phạt tiền và phạt tù cho hành vi che giấu lịch sử đi lại liên quan đến các dịch bệnh Covid-19. Ví dụ tại Israel, những người trở về từ Trung Quốc, Singapore và Thái Lan... được yêu cầu tự cách ly trong 14 ngày. Ai cố ý vi phạm lệnh cách ly có thể bị phạt 7 năm tù. Riêng những trường hợp vi phạm vì vô ý có thể bị phạt 3 năm tù. Hay tại Cộng hòa Czech, tất cả công dân từ Ý và một số nước khác có vùng dịch Covid-19 về nước sau ngày 7-3 đều được yêu cầu phải liên hệ với bác sĩ và tự cách ly trong 14 ngày. Những người vi phạm có thể bị phạt 3 triệu koruna (hơn 3 tỉ đồng)...
Quay trở lại với vi phạm đã nêu ở trên, những cá nhân đi qua vùng dịch Covid-19 hoặc tiếp xúc với người nhiễm Covid-19 nhưng cố tình không khai báo hoặc cá nhân trốn trách việc cách ly sẽ phải đối mặt với các quy định nghiêm khắc của pháp luật.
Được biết, sáng 9/3, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ để nghe Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 báo cáo tình hình và các biện pháp chống dịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu xử lý nghiêm trường hợp giấu bệnh.
Thiết nghĩ, cùng với các hoạt động truyền thông về phòng, chống dịch bệnh, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân nắm rõ các quy định pháp luật nhằm bảo về sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Đồng thời, mỗi cá nhân cần nêu cao ý thức, trách nhiệm để cùng chung tay đẩy lùi dịch Covid-19./.