Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi mua bán thai nhi

Thứ Hai, 24/06/2024 12:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Xét dưới góc độ pháp luật, hành vi của người mẹ có con rồi bán cũng là hành vi buôn bán người và có dấu hiệu phạm tội của mua bán người. Tuy nhiên, thực tế pháp luật hiện nay chưa có quy định nên không có cơ sở xem xét.

Sáng 24/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Đại biểu Quàng Thị Nguyệt (Đoàn Điện Biên) bày tỏ nhất trí cao về sự cần thiết và những nội dung lớn sửa đổi, bổ sung trong Luật Phòng, chống mua, bán người. Dự thảo Luật đã bổ sung những nguyên tắc và chính sách quan trọng của Nhà nước về phòng, chống mua bán người, như: chính sách hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, quy định về miễn trách nhiệm hình sự và hành chính trong trường hợp nạn nhân bị ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật... Theo đại biểu Quàng Thị Nguyệt, việc bổ sung những nguyên tắc này là rất cần thiết, khẳng định sâu sắc hơn chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống mua bán người.

Về quy định miễn trách nhiệm hình sự và xử lý hành chính đối với nạn nhân bị ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật quy định tại khoản 8 Điều 4 Dự thảo Luật này, tùy từng trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật có liên quan, nạn nhân bị ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật có thể không bị xử phạt hành chính hoặc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đại biểu Quàng Thị Nguyệt cho rằng, việc bổ sung nội dung này là cần thiết, tuy nhiên, đối chiếu với quy định của Bộ luật Hình sự và xử phạt vi phạm hành chính hiện hành thì không có quy định miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và miễn xử phạt hành chính trong những trường hợp trên. Nếu quy định như dự thảo, cơ quan có thẩm quyền không đủ căn cứ triển khai trong thực tiễn.

Do đó, đại biểu Quàng Thị Nguyệt đề nghị cơ quan soạn thảo quy định những trường hợp, những hành vi nạn nhân bị ép buộc không bị xử phạt hành chính, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong dự thảo Luật. Đồng thời, bổ sung quy định về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự trong Bộ luật Hình sự vào trường hợp không bị xử phạt hành chính trong Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành để thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện khi Luật này có hiệu lực thi hành.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi mua bán thai nhi. (Ảnh: QH)

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị, dự thảo Luật cân nhắc điều chỉnh hành vi mới phát sinh trong thực tiễn về mua bán người. Đại biểu cho biết, hiện nay xuất hiện hành vi mới trong đời sống xã hội là mua bán thai nhi trong bụng mẹ. Xét dưới góc độ pháp luật, hành vi của người mẹ có con rồi bán cũng là hành vi phải quy định là hành vi buôn bán người và có dấu hiệu phạm tội của mua bán người. Tuy nhiên, thực tế pháp luật hiện nay chưa có quy định nên không có cơ sở xem xét.

Bộ luật Hình sự 2015 cũng như pháp luật về phòng, chống mua bán người cũng chưa có quy định nào về vấn đề trên. Do đó, đại biểu cho rằng, trong lần sửa đổi Luật lần này, Ban soạn thảo cần cân nhắc, xem xét có giải pháp phù hợp đối với hành vi mua bán thai nhi đang trong bụng mẹ trước tình trạng gia tăng hiện nay.

Mặt khác, đại biểu cũng chỉ ra, hiện nay các đối tượng thực hiện hành vi mua bán người được che giấu bởi các hình thức rất phức tạp như tham quan du lịch, ký kết hợp đồng kinh tế, lao động xuất khẩu, tổ chức kết hôn thông qua môi giới, nhận con nuôi thông qua các đối tượng là pháp nhân thương mại… Vì vậy, đại biểu đề nghị cần phải xem xét, cân nhắc bổ sung chủ thể chịu trách nhiệm hình sự là pháp nhân thương mại đối với tội buôn bán người. Từ đó, kịp thời điều chỉnh phù hợp thực tiễn về tình hình mua bán người có kết cấu tổ chức chặt chẽ, đa quốc gia như hiện nay.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn TP. Hà Nội ) dẫn chứng: Theo một báo cáo về tình hình mua bán người ở Việt Nam năm 2021, nạn nhân chủ yếu là người dân tộc thiểu số, vùng cao, biên giới ở độ tuổi trẻ em hoặc lứa tuổi 19 - 20 tuổi, phần lớn là nữ giới. Nếu nhìn vào những con số thống kê, có thể thấy việc tuyên truyền phải nhắm tới những đối tượng cụ thể, đó là trẻ em nữ, người dân tộc thiểu số ở các vùng cao, biên giới.

Qua báo cáo thống kê thì hầu hết nạn nhân chỉ học hết lớp 9, có một số ít học hết lớp 12. Vì vậy, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề xuất, trong dự án Luật cần quy định việc đưa vào nội dung chương trình dạy học bắt buộc đối với các địa bàn vùng cao, biên giới để giáo dục về phòng ngừa mua bán người, giúp các em học sinh có thể nhận thức về những hành vi mua bán người từ sớm. Qua đó, bản thân có khả năng nhận diện nguy cơ và có biện pháp để bảo vệ bản thân và những người xung quanh./.

Vy Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN