Cẩn trọng với mối nguy hiểm từ cây xanh trong các trường học
(ĐCSVN) - Mới đây, sự việc một cây phượng trong trường học bất ngờ bật gốc gây thương vong tại TP. Hồ Chí Minh một lần nữa đã cho thấy những mối hiểm nguy từ cây xanh trong khuôn viên các trường học, nhất là vào mùa mưa bão...
Cận cảnh cây phượng bật gốc khiến một học sinh tử vong tại Trường THCS Bạch Đằng (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: Thanh Mai |
Theo đó, khoảng 6h15 sáng ngày 26/5, tại sân Trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TP. Hồ Chí Minh, một cây phượng đã bật gốc vào đúng thời điểm nhiều học sinh chuẩn bị vào lớp. Sự việc đã khiến 13 em học sinh bị thương, trong đó có một học sinh tử vong.
Theo ghi nhận, hiện nay trong khuôn viên các trường học tại nhiều địa phương hầu hết đều có các loại cây xanh tạo bóng mát. Đặc biệt, đối với những trường được quy hoạch, xây dựng từ lâu thường có hệ thống cây xanh cổ thụ, có tuổi đời lâu năm. Các trường mới xây dựng, cũng có những cây lớn. Đây là loại cây công trình, được di chuyển từ nơi khác về trồng trong khuôn viên nhà trường. Thực tế cho thấy, việc trồng xây xanh trong khuôn viên trường học là một việc làm có nhiều ý nghĩa, không chỉ hình thành cảnh quan, tạo bóng mát, phục vụ cho các hoạt động ngoại khóa, việc trồng cây xanh còn góp phần xây dựng ở học sinh ý thức bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, vào mùa mưa bão, sự hiện diện của hệ thống cây xanh trong khuôn viên các trường học, nhất là những cây cổ thụ, cao lớn cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ mất an toàn đối với giáo viên, học sinh mà vụ việc tại Trường THCS Bạch Đằng, ở quận 3, TP. Hồ Chí Minh mới đây là một ví dụ.
Chị Phạm Hà Thu một phụ huynh có con đang học tại Trường THPT Lê Quý Đôn, quận Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ: “Cá nhân tôi thấy việc trồng cây xanh ở các trường học là rất cần thiết nhưng nhà trường và các cơ quan chức năng cần có phương án phòng ngừa bất trắc, nhất là vào mùa mưa. Có thể kiểm tra, chặt tỉa bớt nhánh cây, có rào xung quanh cây với khoảng cách nhất định. Đồng thời, thường xuyên khuyến cáo các em học sinh không nên đi quá gần các cây lớn khi có mưa bão”.
Đồng tình với ý kiến trên, anh Nguyễn Văn Hải ở quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết: “Vụ việc gần đây tại một trường học ở TP. Hồ Chí Minh là sự cố đáng tiếc, không ai mong muốn. Vào mùa mưa, thường tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Không chỉ lo cây xanh trong trường mà chúng tôi còn lo nguy hiểm khác trên đường; nhất là vào thời điểm mưa to, gió lớn. Vì thế, vụ việc nói trên cũng là bài học để các cơ sở giáo dục, các cơ quan chuyên môn có những biện pháp cần thiết để chủ động hạn chế những trường hợp tương tự”.
Nếu không kiểm tra, quản lý tốt, cây xanh trong các trường học sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đối với giáo viên, học sinh. Ảnh minh họa. Nguồn: c3chuvanan.edu.vn |
Được biết, sau sự việc nói trên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD-ĐT), Phùng Xuân Nhạ đã đề nghị Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh, các sở GD-ĐT trên toàn quốc cần chỉ đạo ngay các trường liên hệ với đơn vị quản lý môi trường đô thị, cây xanh trên địa bàn tiến hành kiểm tra, cắt tỉa, xử lý cây nguy hiểm có thể gãy đổ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên. Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các trường thực hiện nghiêm, đầy đủ các quy định về môi trường giáo dục an toàn; các chỉ đạo về bảo đảm an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh sinh viên.
Có thể nói, điều dư luận trong đó có các bậc phụ huynh quan tâm hiện nay đó là làm thế nào để hạn chế tối đa những vụ việc đáng tiếc như đã xảy ra ở TP. Hồ Chí Minh. Thực tế cho thấy, với hệ thống cây xanh tại nhiều trường học hiện nay, những cơn mưa dông kèm lốc xoáy vào mùa hè sẽ dễ dàng khiến nhiều cây cổ thụ đổ ngã hoặc làm gãy cành cây to lớn nguy cơ gây tai nạn với giáo viên và học sinh. Đặc biệt là những cây già cỗi, qua cơn mưa một số loại cây sẽ ngấm nước, tán cây rộng tạo thêm sức nặng khiến cây càng dễ bị bật gốc.
Mặt khác, cơ chế quản lý cây xanh tại các trường học, nhất là các trường ở những thành phố lớn hiện nay đang có những bất cập nhất định. Cụ thể, việc chăm sóc, cắt tỉa, bảo vệ cây do các nhà trường đảm nhiệm. Tuy nhiên, nếu muốn di dời, chặt hạ... cây thì lại phải có ý kiến của cơ quan chức năng các địa phương như phòng Quản lý đô thị cấp quận, huyện và tương đương. Quy định này vô tình đã “làm khó” cho các nhà trường trong việc xử lý những cây già cỗi, có nguy cơ gãy đổ mất an toàn.
Từ góc độ chuyên môn, một số chuyên gia cho rằng, để cây xanh không còn là mối lo ngại, hạn chế những tai nạn thương tâm xảy ra, các trường học cần chú ý thực hiện tốt những yêu cầu về trồng, chăm sóc, quản lý, kiểm tra... cây xanh. Theo PGS - TS Nguyễn Hồng Tiến (nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng), ngay từ khi trồng phải kiểm tra kỹ phương pháp làm sao đảm bảo được độ sâu nhất định, không còn vỏ bao bọc đất thì khi trồng xuống rễ mới có thể sinh trưởng, phát triển bám chắc, sâu vào lòng đất.
Đồng thời, đối với việc bắt đầu trồng cây xanh, nhà trường cần phải có quy trình quản lý giám sát đặc biệt từ việc lựa chọn giống cây, đưa cây từ vườn ươm về trồng tại sân trường cho đến kỹ thuật bảo vệ, chăm sóc sau khi cây trồng đã phát triển... Thường xuyên kiểm tra tình trạng thực tế của các cây xanh trong khuôn viên trường, nhất là trước và trong mùa mưa bão để có biện pháp xử lý kịp thời; giáo dục cho học sinh ý thức tự bảo vệ, tránh tụ tập dưới tán cây to trong mùa mưa bão...
Đặc biệt, về lâu dài, cơ quan quản lý các cấp nên nghiên cứu điều chỉnh các quy định theo hướng đơn giản hóa các thủ tục trong việc quản lý đối với cây xanh thuộc khuôn viên các trường học; tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường với cơ quan chuyên môn trong việc chăm sóc, quản lý, kiếm tra và di dời cây xanh (nếu cần thiết)./.