Cần thực hiện sơ cứu đúng cách khi bị rắn độc cắn
(ĐCSVN) – Từ đầu tháng 9 đến nay, tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk liên tục tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân bị rắn độc cắn. Trong số các bệnh nhân nhập viện, có không ít bệnh nhân sơ cứu không đúng cách khiến vết thương có nguy cơ hoại tử, sốc phản vệ nguy hiểm đến tính mạng.
Các y - bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc - Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên chăm sóc bệnh nhân bị rắn độc cắn. (Ảnh: Thế Hùng) |
Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) vừa tiếp nhận bệnh nhân Võ Thị Luận (sinh năm 1971, tại huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk), bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào ngón tay trong lúc đang thu hái cà phê. Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân hạn chế vận động, vết cắn ở ngón tay sưng nề, đau nhức nhiều và lan nhanh lên trên cổ tay. Bệnh nhân được sử dụng kháng viêm, giảm đau, kháng sinh dự phòng nhiễm trùng. Đánh giá tình trạng bệnh nhân, các bác sỹ nhận thấy vết sưng nề lan nhanh kèm rối loạn đông máu, nên chỉ định dùng kháng độc bằng 6 lọ huyết thanh kháng nọc rắn lục.
Theo thống kê của Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), từ tháng 9 đến nay, Khoa tiếp nhận và điều trị cho trên 150 bệnh nhân bị rắn cắn, trong đó chủ yếu là rắn lục đuôi đỏ. Trung bình mỗi ngày, các bác sỹ đều tiếp nhận bệnh nhân bị rắn cắn nhập viện, cao điểm có ngày từ 5 - 6 ca… Bệnh nhân nhập viện trong nhiều tình trạng khác nhau như: tổn thương tại chỗ vùng bị cắn, hoại tử, phù nề, liệt phải thở máy, rối loạn đông máu, chảy máu…
Bà Nguyễn Thị Thúy (sinh năm 1960, trú tại huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, chiều 30/11, trong lúc hái cà phê trên rẫy của gia đình, bà không may bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào tay. Vết cắn khiến vùng vết thương sưng đỏ, đau nhức và lan nhanh xuống cổ tay. Bước đầu, gia đình sơ cứu bằng cách garô tay và đưa bệnh nhân vào bệnh viện. Tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bác sỹ chẩn đoán vết cắn sưng nề kèm rối loạn đông máu nên chỉ định truyền huyết thanh để điều trị.
Bác sỹ Đào Thị Minh Hảo, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, trong số các trường hợp nhập viện cấp cứu thì bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn nhiều nhất. Tại các tỉnh Tây Nguyên có nương, rẫy nhiều, đặc biệt là vào mùa cà phê, người dân đi hái cà phê nếu không sử dụng bao tay rất dễ rắn bị cắn.
Một bệnh nhân tại bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên phải cắt bỏ chi tay do điều trị bằng phương pháp đắp lá khi bị rắn cắn. (Ảnh: Mai Lê) |
“Các bệnh nhân bị rắn cắn đa phần đều phải sử dụng huyết thanh. Riêng với rắn lục đuôi đỏ, rất nguy hiểm. Khi bị rắn cắn sẽ khiến rối loạn đông máu, sưng vết thương tại chỗ. Vết thương bị sưng tới một mức độ nhất định sẽ gây chèn ép các mạch máu dẫn đến hoại tử. Đối với rối loạn đông máu có thể sẽ diễn ra rất nhanh. Nếu rối loạn đông máu nặng gây xuất huyết các cơ quan nội tạng trong cơ thể, nguy hiểm nhất là xuất huyết não”, bác sỹ Hảo thông tin.
Rắn là loài vật hoạt động về đêm, đặc biệt là vào thời điểm chạng vạng tối, số bệnh nhân bị rắn cắn nhiều hơn. Các bác sỹ khuyến cáo, để phòng ngừa rắn độc cắn, người dân cần cẩn thận hơn trong quá trình làm nương, rẫy, quan sát kỹ trước khi làm. Người dân trong thành phố cần phát quang bụi rậm quanh nhà, hạn chế đi đến những nơi rậm rạp, bụi cây, cỏ vào buổi tối để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Nếu không may bị rắn độc cắn, người bệnh cần hết sức bình tĩnh, không được đi lại, vận động nhiều mà cần vệ sinh, rửa sạch vết thương; không được rạch, chích, nặn máu tại vùng bị rắn cắn. Đặc biệt, người dân khi bị rắn cắn không nên đắp các loại lá cây hoặc bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian để sơ cứu, có thể gây nhiễm trùng vết thương dẫn đến cắt bỏ ngón tay, chân... Người nhà cần khẩn trương đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời./.