Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Thứ Bảy, 05/11/2016 00:04 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Dư luận nhân dân có nhiều ý kiến đồng tình, hưởng ứng đối với Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, trong đó, bày tỏ sự tin tưởng vào quyết tâm của Đảng ta trong việc ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Ông Nguyễn Văn Hiệp

Ông Nguyễn Văn Hiệp, cử tri phường Phan Chu Trinh, thành phố Hà Nội nêu ý kiến: Nghị quyết lần này có tính định lượng rất cao, nhìn vào bộ tiêu chí nhận diện, chúng ta đã có thể biết và đánh giá được cán bộ, đảng viên. Điều này sẽ giúp các cấp ủy thuận lợi hơn khi kiểm điểm cuối năm và những đảng viên trong cùng Đảng bộ cũng có căn cứ để so sánh, góp ý cụ thể hơn, tránh được tình trạng chung chung, cả nể. Cùng với việc nhận diện những biểu hiện suy thoái, nghị quyết cũng đề ra những nhóm giải pháp, trong mỗi nhóm lại có những giải pháp cụ thể để các cấp, các ngành, các địa phương dễ thực hiện hơn. Tôi hy vọng, thực hiện tốt nghị quyết này, chúng ta sẽ ngăn chặn, đẩy lùi được sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ như mong muốn của Đảng và cũng là nguyện vọng của nhân dân ta.

Ông Phạm Văn Bằng, Bí thư Chi bộ tổ 31, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang (Tuyên Quang) cho rằng, Nghị quyết lần này đã nói rõ 27 biểu hiện của sự suy thoái, do đó, tự mỗi cán bộ, đảng viên sẽ thấy rõ và nhận thức rõ được ngay trong bản thân con người mình có bị “chệch hướng” hay không, có những biểu hiện nào để từ đó điều chỉnh cho chuẩn mực. Cũng từ đây, chúng ta có thể theo dõi, giám sát những đảng viên, lãnh đạo cấp cao hơn để có thể có những góp ý trước mắt, tránh tình trạng bị suy thoái quá nặng mà cũng không ai hay.

Theo ông Phạm Văn Bằng, Nghị quyết đã có, tuy nhiên, cần có những quy định cụ thể hơn về mặt pháp luật để đủ sức răn đe với những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất và để xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội đối với những cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm những việc khiến nhân dân phẫn nộ.

Anh Lê Văn Huân

Anh Lê Văn Huân, Phó Bí thư Chi bộ các doanh nghiệp khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang bày tỏ: “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang trở thành một vấn đề hệ trọng, ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Đảng và niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Vì vậy, tôi vô cùng phấn khởi và tin tưởng vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII khi ra Nghị quyết mới về công tác xây dựng Đảng, trong đó nói rõ về vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Là một đảng viên cơ sở, tôi nhận thấy rằng, “tự diễn biến” về đạo đức, lối sống dẫn đến tự diễn biến về tư tưởng chính trị. Đó là thái độ xa dân, đặt lợi ích cá nhân lên trên hết, ăn chơi sa đọa, lợi dụng chức vụ quyền hạn của bản thân để vơ vét tài sản của nhân dân, của nhà nước, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, chủ nghĩa cá nhân, cơ hội…. Nếu không ngăn chặn “tự diễn biến” một cách kiên quyết, kịp thời sẽ làm nhân dân mất lòng tin vào Đảng, vào Nhà nước, vào hệ thống chính quyền các cấp. Nếu không ngăn chặn được "tự diễn biến" sẽ là cơ hội cho các thế lực thù địch lợi dụng một bộ phận không nhỏ đã “tự diễn biến” dẫn đến “tự chuyển hóa” làm cho đất nước rơi vào bất ổn chính trị, dẫn đến mất ổn định về kinh tế và đời sống nhân dân, đi ngược lại với nguyện vọng của nhân dân. Do đó, Nghị quyết lần này đã giải quyết được những vấn đề chung chung trước kia, không chỉ nhận diện mà còn phân tích nguyên nhân cũng như đề ra những giải pháp để thực hiện. Cá nhân tôi tin tưởng rằng, trong 4 năm, 5 năm tới, Nghị quyết sẽ thực sự phát huy hiệu quả, chúng ta thực sự có được những con số cụ thể hơn trong việc xử lý những cán bộ, đảng viên sai phạm mà không còn phải lúng túng, vướng mắc khi thấy sai mà khó xử nữa.

Ông Nguyễn Đức Mạnh

Ông Nguyễn Đức Mạnh, đảng viên, cán bộ hưu tại huyện Quế Võ, Bắc Ninh bày tỏ sự tin tưởng vào sự quyết tâm của Đảng lần này. Ông Mạnh cho rằng: Nghị quyết là sự tập trung trí tuệ của toàn Đảng, thể hiện ý chí quyết tâm. Nghị quyết đã có, các giải pháp cũng rất cụ thể, chúng ta có cả chủ trương, định hướng, có cả chế tài, nhưng vấn đề thực hiện đến đâu lại là vai trò của cả hệ thống chính trị, trong đó, Đảng phải giữ vai trò lãnh đạo hàng đầu. Nghị quyết là cơ sở để các cấp ủy nhìn nhận và đánh giá đúng thực chất cán bộ, đảng viên của mình hơn. Tuy nhiên, phát hiện và xử lý có đến nơi, đến chốn hay không thì phải thời gian sau này chúng ta mới biết rõ. Khắc phục được tình trạng cả nể cũng là một thành công lớn để chúng ta thực hiện tốt Nghị quyết lần này. Tôi lấy ví dụ, soi theo 27 biểu hiện suy thoái được đề cập trong Nghị quyết, nếu thấy đồng chí mình vi phạm thì chúng ta đấu tranh đến đâu, góp ý như thế nào, đến mức độ nào thì cần đưa vào tình trạng “báo động” để báo cáo lên các cấp cao hơn? Theo tôi, Trung ương cũng nên làm rõ hơn trong các quy định để vừa khuyến khích được tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình, đồng thời cũng thấy rõ được nghĩa vụ, trách nhiệm của những cán bộ, đảng viên xung quanh những cán bộ mắc sai phạm. Tình trạng thấy sai mà không đấu tranh thì chúng ta xử lý thế nào?

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN